Kinh tế màu gì?

“Nghe báo cáo của Chính phủ thấy màu hồng nhưng nghe báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách thấy màu xám, còn nhân dân thì nói là màu tối’ – ví von của Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền đang khiến nhiều người đặt câu hỏi gam màu thật sự của bức tranh kinh tế hiện nay là gì.

Trước đó chưa lâu, dư luận cũng hoang mang về sự chính xác của các chỉ số vĩ mô khi tăng trưởng GDP đạt 5,4%, chỉ kém chỉ tiêu 5,5% một chút nhưng ngân sách lại hụt thu rất lớn, trên 63.000 tỉ đồng. Những giải thích sau đó hầu hết đều cho rằng nghịch lý này chủ yếu do tình trạng gian lận thuế, nợ thuế nhưng trên tất cả là sự nghi ngờ về độ chính xác trong cách tính GDP.

Nghi ngờ này là có cơ sở khi thống kê mới nhất cho thấy gần 70% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và trên 42.000 doanh nghiệp phá sản trong 9 tháng đầu năm.

Rõ ràng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang ở gam màu tối, khá phù hợp với kết quả hụt thu thuế nói trên. Gam màu hồng của tăng trưởng, có lẽ cần phải được đánh giá lại chính xác và khách quan hơn.

Sự tương phản giữa các mảng màu cũng thể hiện trong chỉ số CPI. Từ tháng 1 đến tháng 10, CPI tăng 5,14% nên lạm phát năm nay gần như chắc chắn được kiềm chế theo đúng mục tiêu Chính phủ đề ra. Nhưng với người dân, CPI không “hồng” như vậy khi giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, xăng, nước, dịch vụ y tế, giáo dục và gần đây nhất là vé máy bay, vé tàu tết đều tăng mạnh.

Đó là chưa kể, chỉ số lạm phát giảm hiện nay không đơn thuần là do giá giảm mà còn do sản xuất suy giảm, sức cầu trên thị trường giảm, tồn kho chưa giải quyết được… Như vậy, bản chất của việc lạm phát giảm là đáng lo ngại chứ không hẳn đáng mừng.

Tương tự, xuất khẩu năm nay cũng là điểm sáng của nền kinh tế và chắc chắn sẽ vượt chỉ tiêu đề ra khi 10 tháng qua kim ngạch tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thành tích này chủ yếu do đóng góp của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức tăng 22,3% trong khi mức tăng của các DN trong nước chỉ là 3%. Đặc biệt, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,3 tỉ USD thì khu vực FDI xuất siêu 10,1 tỉ USD.

Những con số này cho thấy xuất khẩu của ta đang phụ thuộc lớn vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Họ cũng đang quyết liệt mở rộng đầu tư để đón đầu cơ hội khi VN tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP), tận dụng khó khăn để ép mua lại giá rẻ nhiều công ty trong nước…

Ngược lại, các DN trong nước ngày càng co cụm. Rồi lãi suất giảm nhưng thực tế nhiều DN vẫn phải vay cao; vốn được báo cáo là vào sản xuất nhưng hơn 80% trái phiếu chính phủ do các ngân hàng mua; nợ xấu được xử lý nhưng thực tế chỉ là chuyển nhà từ ngân hàng sang Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC)…

Giữa những con số với nhau, giữa con số và thực tế, giữa hiện tượng và bản chất… còn quá nhiều sự khập khiễng dẫn tới các mảng màu đối lập của bức tranh kinh tế mà các ĐBQH nêu lên. Đáng lo ngại hơn là nếu chúng ta không biết chính xác bức tranh kinh tế đang màu gì thì những giải pháp, kế hoạch, chiến lược cho năm tới liệu có khả thi?

Theo DNSG

Bình luận