Kinh tế vẫn kém lạc quan

Khá nhiều chuyên gia tỏ ra suốt ruột khi đã bước qua quý I, nhưng nền kinh tế vẫn chưa có những dấu hiệu cải thiện tích cực. Nợ xấu vẫn đang là “cục máu đông” chưa có phương án triệt tiêu, tăng trưởng tín dụng gần như bằng không, tiêu thụ hàng hóa gặp khó khăn và số lượng doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể vẫn tăng mạnh. Trong khi đó, những chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN và hỗ trợ thị trường cùng hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế dường như vẫn chỉ là “giậm chân tại chỗ”.

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang diễn biến đúng theo kỳ vọng với mức tăng khá thấp, nhưng khá nhiều chuyên gia lại tỏ ra khá lo lắng về một chỉ tiêu kinh tế vốn được xem là “ẩn số” này. Cũng bởi, dù có nhiều lo ngại về việc lạm phát có thể tăng cao trở lại do những kết quả kiềm chế lạm phát chưa thực sự vững chắc, nhưng sự nghi ngại về khả năng giảm phát cũng đang được đặt ra.

Vẫn ì ạch

Cho rằng một trong những yếu tố liên quan mật thiết đến lạm phát là tổng cầu, Ts. Nguyễn Đức Độ – Viện Kinh tế Tài chính (IEF), đánh giá sức mua đang có xu hướng bị giảm sút nghiêm trọng, bất chấp tăng cung tiền và lãi suất đã có xu hướng giảm trong thời gian qua. Nguyên nhân chính do nợ xấu đang là “vật cản” lớn khiến cho chính sách tiền tệ truyền thống – bơm tiền qua hệ thống ngân hàng, trở nên kém hiệu quả và việc xử lý nợ xấu là vấn đề hết sức cấp bách.

Ts. Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện Chiến lược ngân hàng, đưa ra cảnh báo khác khi nhìn vào mức tăng “rất chậm” của nhóm nhà ở

và vật liệu xây dựng trong quý I đã cho thấy tình trạng “đóng băng” của bất động sản (BĐS) vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến. Điều đó đồng nghĩa tồn kho đối với các hàng hóa liên quan đến lĩnh vực này còn lớn, sức tiêu thụ vẫn yếu.

Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, thì tỏ ra khá lo lắng khi ngay cả các ngành sản xuất nông nghiệp – vốn là trụ đỡ của nền kinh tế lúc khó khăn, cũng đang “lao dốc nhanh”. Bằng chứng là chỉ số giá bán hàng nông sản quý I đã giảm 8% so với cùng kỳ năm 2012, giá sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh nhất với 12%. Tuy nhiên, một nghịch lý là giá chi phí đầu vào của nông sản, thực phẩm lại tăng rất mạnh lên mức 35,01%, khiến người nông dân bị thua lỗ nặng.

Có cái nhìn khá khắt khe hơn khi cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với sự suy thoái toàn diện, Ts. Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế, đã chỉ ra những thách thức trong nền kinh tế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm dần do năng lực sản xuất bị giới hạn bởi năng suất và công nghệ lạc hậu.

 

Dự báo tăng trưởng GDP chỉ đạt mức tương đương hoặc thấp hơn năm 2012

Sau một thời gian dài thắt chặt tín dụng, hàng chục nghìn DN đã ngừng hoạt động, phá sản do không tiêu thụ được sản phẩm và tiếp cận được vốn tín dụng. Ông Long cũng tỏ ra “rất đáng lo ngại” về tình trạng nợ xấu, khi đây là “điểm nghẽn” của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết, trong khi những áp lực về giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS vẫn đang là gánh nặng lớn

GDP tương đương, CPI cao hơn?

Theo dự báo của IEF, tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 chỉ đạt mức tương đương hoặc thấp hơn so với năm 2012. Ts. Nguyễn Ngọc Tuyến – Viện trưởng IEF, cho rằng những khó khăn về tồn kho sản phẩm, nợ đọng tăng cao, khó khăn của thị trường BĐS vẫn chưa thể được giải quyết… sẽ là cản trở lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong năm 2013. Hoạt động xuất khẩu (XK) cũng sẽ không có nhiều biến động với dự báo là có mức tăng tương đương năm 2012.

Trong bối cảnh đó, giá cả các mặt hàng, đặc biệt là nguyên nhiên liệu cho sản xuất được dự báo là sẽ còn nhiều biến động. Theo ông Phạm Minh Thụy – Phòng Nghiên cứu giá cả và thị trường (IEF), kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, với diễn biến phức tạp, nên sẽ ảnh hưởng mạnh đến diễn biến thị trường hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, như: xăng dầu, phân bón, phôi thép… Trong nước, tình hình thiên tai, dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp cũng sẽ làm biến động thị trường và giá hàng hóa. Theo đó, CPI được dự báo ở mức 6,5 – 7% nếu Chính phủ không có những can thiệp chính sách mạnh vào thị trường.

Nhận định kinh tế 2013 vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng tăng trưởng GDP năm nay dù có cao hơn năm trước và chắc chắn đạt trên 5%, nhưng rất có thể năm 2013 sẽ là năm thứ hai liên tiếp ghi nhận kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng cả năm thấp hơn mức trung bình của khu vực. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát thấp hơn năm 2012 là khá khó khăn, bởi CPI của quý I đã chiếm gần 37% mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm mà Chính phủ đề ra là 6 – 6,5%.

PGs., Ts. Bùi Thiên Sơn – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, thì lại khá quan ngại về tình hình XK sẽ chịu tác động lớn do kinh tế những thị trường truyền thống, như: Mỹ, EU, Nhật Bản chưa có phục hồi như kỳ vọng. Một số lĩnh vực công nghiệp sản xuất và chế biến chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng thấp sẽ gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, mức độ ngày càng tăng của bảo hộ thị trường thế giới cũng đặt ra nhiều thách thức cho DN XK của Việt Nam.

—————————————-

Tái cấu trúc trên nội lực của DN

PGs.,Ts. Nguyễn Thường Lạng – Đại học Kinh tế quốc dân
————————————

Cần có định hướng cơ bản để huy động hiệu quả nguồn lực, đẩy nhanh quá trình phục hồi và tái cấu trúc DN để giúp DN vượt qua khó khăn. Do đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu phải bắt nguồn từ hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương, phân bổ nguồn lực hợp lý, tạo động lực tăng trưởng dài hạn, tăng khả năng liên kết ngành. Tái cấu trúc phải dựa trên nội lực của DN, nâng cao tính chủ động của DN, xây dựng chuỗi liên kết nội tại để các DN hỗ trợ lẫn nhau.

Chính sách tài khóa – tiền tệ và điều hành giá

Ts. Đỗ Thị Thục – Học viện Tài chính
————————————
Cần kết hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô cơ bản gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách quản lý giá và đảm bảo cung – cầu hàng hóa. Trong đó cần lưu ý tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi tiêu công, phối hợp với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng tổng cầu qua giãn, giảm thuế; cơ cấu lại nợ công; tiếp tục mở rộng tín dụng, khơi thông vốn để kích thích kinh tế, hạ lãi suất phù hợp với mức lạm phát, đảm bảo tăng dư nợ tín dụng; kiên trì điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; lộ trình điều chỉnh giá với các hàng hóa Nhà nước còn định giá phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đầu tư nhà nước đang tăng lên nhanh chóng mà hiệu quả không cao là sự báo động, nên để thực hiện tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công, phải thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa đầu tư công…

Đẩy nhanh giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN

Bà Phạm Thị Tường Vân – Viện Chiến lược và chính sách tài chính
————————————
Các văn bản hướng dẫn thực hiện các Nghị quyết 01 và 02 về tháo gỡ khó khăn còn chậm trễ, nên chưa hỗ trợ DN kịp thời. Do đó, để hỗ trợ DN ổn định sản xuất, giải phóng hàng tồn cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh theo hướng tập trung các giải pháp liên quan đến chi ngân sách, thanh toán các khoản nợ xây dựng cơ bản, giảm nợ xấu trong ngân hàng, khơi thông dòng vốn cho đầu tư. Việc triển khai các văn bản hướng dẫn Nghị định cần được nhanh chóng và kịp thời hơn hoặc xây dựng các Nghị định với nội dung cụ thể, chi tiết hơn để giảm bớt văn bản hướng dẫn. Cần đẩy nhanh lộ trình áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN đối với DN có quy mô nhỏ và vừa. Xem xét giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra cho từng loại mặt hàng cụ thể, trên cơ sở mức tồn kho của từng mặt hàng và mức độ thiết yếu và tính lan tỏa với mặt hàng khác…

Theo TBKT

Bình luận