Kiếm tiền “khủng” từ nghề viết ứng dụng trên mạng xã hội

Zing Me hiện có gần 400 doanh nghiệp hoạt động và nhu cầu viết ứng dụng để phục vụ cho thị trường này rất lớn.

Chỉ riêng mạng xã hội Zing Me, doanh thu ứng dụng hàng tháng đã lên đến 100 tỷ đồng và khoảng 1 triệu người dùng sẵn sàng “rút ví” mua ứng dụng. Điều đó cho thấy, nghề viết ứng dụng trên mạng xã hội đang là “cơ hội vàng” cho các lập trình viên kiếm tiền.

Thị trường màu mỡ…

Với hơn 12 triệu người đang sử dụng mạng xã hội (chiếm gần 60% người dùng Internet ở Việt Nam), ứng dụng trên mạng xã hội là thị trường màu mỡ cho các nhà cung cấp nội dung lẫn các lập trình viên. Theo thống kê của Vinasa, mỗi năm cả nước có 100 ngàn lập trình viên mới ra trường, cộng với nguồn nhân lực sẵn có đang hoạt động thì đây sẽ là thị trường giàu tiềm năng.

Ông Nguyễn Văn Đức Trọng – Giám đốc phát triển kinh doanh của Zing cho biết: doanh thu hàng tháng mà các ứng dụng đang chạy trên mạng xã hội Zing Me đạt đến con số 100 tỷ đồng và khoảng 1 triệu người trên Zing Me chịu chi trả cho những ứng dụng trên mạng xã hội. “Đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường này”, ông Trọng nhận định.

Nhu cầu sử dụng ứng dụng của người dùng trên mạng xã hội khá đa dạng, không chỉ dừng lại ở các ứng dụng trò chơi như thời kỳ ban đầu mà còn yêu thích nhiều ứng dụng tiện ích khác như nghe nhạc, xem phim, học tiếng Anh, chia sẻ tập tin, đọc sách trực tuyến…

Bên cạnh đó, khi fanpage trên mạng xã hội dần trở thành kênh truyền thông, quảng bá, kinh doanh của các nhãn hàng thì một loại ứng dụng mới phát sinh được gắn trực tiếp vào fanpage phục vụ cho các nhu cầu của doanh nghiệp như bán vé, tổ chức quay số trúng thưởng, nhận quà… (tạm gọi là ứng dụng kinh doanh) cũng xuất hiện. Theo ông Trọng, trên Zing Me hiện có gần 400 doanh nghiệp hoạt động và nhu cầu viết ứng dụng để phục vụ cho thị trường này cũng rất lớn.

Nhiều mạng xã hội như Zing Me, Go.vn, Facebook đã triển khai chiến lược nền tảng mở, công khai các hàm API (giao diện lập trình ứng dụng) cho các nhà phát triển ứng dụng để cùng viết ứng dụng và chia sẻ doanh thu. Một số mạng trong nước như Zing Me còn cung cấp API cho việc lập trình ứng dụng trên nền tảng di động như iOS, Android.

Nếu như tỷ lệ ăn chia của nhà mạng là 70/30 (70% doanh thu nghiêng về các nhà phát triển ứng dụng hoặc 50/50 tùy thuộc vào tính chất độc quyền của ứng dụng) thì trên một số mạng trong nước như Zing Me, do nhu cầu phát triển tập khách hàng, nhà phát triển ứng dụng có thể đạt được tỷ lệ doanh thu lớn hơn 70% nếu ứng dụng viết ra có ích cho khách hàng của họ.

Bên cạnh đó, các mạng xã hội trong nước còn có kênh thanh toán, kênh truyền thông riêng rất tiện lợi cho các nhà phát triển ứng dụng trong việc quảng bá hay thu tiền từ người dùng.

…nhưng khai thác còn “khiêm tốn”

Nhu cầu sử dụng ứng dụng của người dùng mạng xã hội rất lớn nhưng số lượng ứng dụng đáp ứng được nhu cầu trên lại là con số khiêm tốn. Trong 94 ứng dụng trên Zing Me, chỉ có khoảng 25% là của Việt Nam. Trên các mạng xã hội như Facebook, số lượng ứng dụng “made in Vietnam” mang đến nguồn thu khá nhỏ cho các nhà lập trình.

Nhiều ý kiến cho rằng các lập trình viên Việt Nam thiếu ý tưởng trong việc phát triển ứng dụng mới. Điều này cũng chưa chính xác, theo ông Nguyễn Minh Tú – Giám đốc kỹ thuật của Zing, chúng ta có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách tham khảo trên Internet hoặc quan sát thực tiễn cuộc sống xung quanh.

Ông Tú nhận xét, các lập trình viên Việt Nam có vẻ thiếu tự tin khi mang ứng dụng ra cạnh tranh trên thị trường. Họ e ngại tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” khi đưa ứng dụng lên một nền tảng nào đó rồi bị chính chủ nền tảng đưa ra một ứng dụng tương tự để cạnh tranh không lành mạnh. Tâm lý này là rào cản lớn để các lập trình viên mạnh dạn đưa “sản phẩm trí tuệ” lên các mạng xã hội để kinh doanh.

Vấn đề thứ hai nằm ở kinh nghiệm vận hành ứng dụng. Rất nhiều ứng dụng ngay ngày đầu tiên ra mắt đã gặp phải tình trạng quá tải khi chạy trên nền tảng đông người dùng và kết quả là người dùng không quay lại với ứng dụng vào những lần sau.

Đừng bỏ lỡ cơ hội 

Ở thời điểm hiện nay, nhà cung cấp mạng xã hội Zing Me khá nhanh nhạy trong việc tăng cường đối thoại với các nhà phát triển ứng dụng, lập trình viên thông qua nhiều buổi gặp gỡ, tọa đàm trực tiếp.

Theo ông Trọng, Zing Me sẵn sàng mở cửa một cách công bằng cho các nhà phát triển ứng dụng chạy trên nền tảng mạng xã hội này, không phân biệt đó là ứng dụng được phát triển bởi công ty “đối thủ”. Ông Trọng chia sẻ 4 nguyên tắc để phát triển ứng dụng trên Zing Me hiệu quả. Thứ nhất, các lập trình viên không nhất thiết chỉ phát triển ứng dụng trò chơi vì nhu cầu ứng dụng trên mạng xã hội rất đa dạng và các ứng dụng trò chơi luôn chịu sự cạnh tranh rất lớn từ những nhà phát hành lâu năm. Thứ hai, lập trình viên phải biết chớp lấy thời cơ và đưa ra ứng dụng càng sớm càng tốt để đón đầu thị hiếu. Thứ ba, nhà phát triển ứng dụng đừng bỏ qua nền tảng di động vì tập người dùng này khá quen thuộc với việc trả tiền. Điều quan trọng cuối cùng là ứng dụng phải hoạt động ổn định và có khả năng tiếp nhận hàng chục ngàn người sử dụng cùng một lúc.

Từ nhu cầu thị trường, viết ứng dụng trên mạng xã hội là mô hình kinh doanh mới mà các nhà phát triển nên chú trọng. Bên cạnh đó, bản thân các lập trình viên cần phải tự tìm hiểu về thị trường cũng như công nghệ mới để khai thác lĩnh vực màu mỡ này.

Theo ICTnews

 

Bình luận