Không để “cá lớn” chèn ép “cá bé” về kết nối Internet

Việc tranh chấp kết nối Internet trực tiếp (peering) giữa các doanh nghiệp Internet đã làm ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của người sử dụng. (Ảnh minh họa)

Gần đây, giữa các doanh nghiệp Internet lớn và các doanh nghiệp nội dung, doanh nghiệp Internet nhỏ liên tục xảy ra tranh chấp về kết nối Internet trực tiếp (peering). Để giải quyết vấn nạn này, Bộ TT&TT sẽ ban hành thêm một số quy định như thu phí kết nối Internet chênh lệch hay ban hành giá cước cụ thể cho từng kết nối.

Liên tục xảy ra tranh chấp về kết nối Internet peering

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng cuối tháng 3/2012,  đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, mặc dù theo quy định, doanh nghiệp viễn thông có quyền kết nối mạng viễn thông của mình với mạng của doanh nghiệp khác; có nghĩa vụ để các doanh nghiệp khác kết nối vào mạng của mình cũng như có quyền quyền kết nối trực tiếp (peering) với nhau trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, đã xảy ra một số tranh chấp nhau về kết nối peering giữa các doanh nghiệp.

Qua đó, Cục Viễn thông thấy rằng, so với các nước khác mạng Internet ở Việt Nam có sự khác biệt lớn. Thứ nhất, chỉ có một số ít là doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng, đa phần là các doanh nghiệp nội dung Internet hoặc kinh doanh tên miền. Hai là nhiều quy định đối với Hệ thống trạm trung chuyển lưu lượng Internet Quốc gia – VNIX (VNNIC) chưa được ban hành trong các văn bản pháp luật như tăng dung lượng kết nối để đảm bảo chất lượng khi lưu lượng vượt quá mức 85% trong 7 ngày liên tục, từ đó dẫn đến việc các doanh nghiệp viễn thông không nghiêm túc thực hiện.

Cũng theo đại diện Cục Viễn thông, dù theo Nghị định 25 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, Bộ TT&TT sẽ phải ban hành giá cước, khung giá cước kết nối nhưng để thúc đẩy thị trường phát triển nên cơ quan quản lý vẫn để các doanh nghiệp tự thỏa thuận căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Ông Ngô Trọng Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CMC Telecom cho biết, trước Tết Dương lịch 2013, đơn vị đã gửi rất nhiều công văn lên Bộ TT&TT cũng như Cục Viễn thông về việc kết nối peering với các doanh nghiệp khác. Dù hiện nay việc kết nối đã được xử lý nhưng chủ yếu mang tính chất tạm thời. “CMC Telecom mong muốn và ủng hộ các quy định về Internet peering sớm được đưa ra để doanh nghiệp có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng”, ông Hiếu khẳng định.

Sẽ thu phí kết nối Internet chênh lệch giữa các doanh nghiệp?

Đại diện Cục Viễn thông khẳng định, nhằm khắc phục tình trạng tranh chấp kết nối peering giữa các doanh nghiệp, Bộ TT&TT sẽ ban hành thêm một số quy định về kết nối Internet peering, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp viễn thông báo cáo với Bộ về cách tính, chi phí kết nối để phê duyệt và giám sát.

Cục Viễn thông đề xuất một số phương án như sau:

Phân chia các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP), doanh nghiệp cung cấp nội dung… theo các cấp khác nhau dựa trên số lượng khách hàng. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Internet cùng cấp có thể kết nối peering với nhau mà không mất phí. “Cách làm này tương tự một số nước như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Pháp…, các cơ quan quản lý cũng chia doanh nghiệp Internet thành các cấp khác nhau và không thu phí peering với doanh nghiệp cùng cấp”, đại diện Cục Viễn thông dẫn chứng.

Phương án còn lại là coi các tất cả doanh nghiệp có giấy phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cùng một cấp và ngang hàng với nhau. “ Việc thu phí peering sẽ diễn ra nếu các doanh nghiệp có lưu lượng kết nối chênh lệch chiều đến và đi cao hơn một tỷ lệ nhất định, trong đó giá cước kết nối sẽ do Bộ TT&TT ban hành”, đại diện Cục Viễn thông nói.

Cũng theo đại diện Cục Viễn thông, có 2 phương án thu phí cước kết nối peering, thu theo giá cước dung lượng chênh lệch chiều đến và đi sẽ tính theo đơn vị MB. Ví dụ như 2 doanh nghiệp A và B quy định kết nối peering 1Gbps/tháng nhưng thực tế trong tháng đó, 2 doanh nghiệp này peering hết 1,2 Gbps (tổng chênh lệch là 200 MB), mức giá chênh lệch sẽ phải trả là 200 MB nhân với mức giá MB mà Bộ quy định. Tuy nhiên, phương án này khiến các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý khó có thể đưa ra mức giá phù hợp.

Cách thứ hai là Bộ TT&TT sẽ quy định giá cước kết nối Internet cho từng loại hình như kết nối peering qua VNIX, kết nối peering trực tiếp giữa 2 doanh nghiệp… Căn cứ vào đó, các doanh nghiệp sẽ chọn loại hình kết nối phù hợp và gửi báo cáo về cho Bộ TT&TT để xem xét, phê duyệt. “Nếu có tranh chấp, Bộ TT&TT sẽ áp dụng theo giá cước kết nối do Bộ xây dựng và có sự tham chiếu phù hợp”, đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.

Đại diện Viettel phân tích, sở dĩ các doanh nghiệp không thể tự đàm phán được với nhau là do những xung đột về mặt quyền lợi giữa doanh nghiệp nội dung và doanh nghiệp hạ tầng cũng như giữa các doanh nghiệp có hạ tầng với nhau. Vì vậy, việc thu phí dung lượng peering chênh lệch giữa chiều đến và đi sẽ có những bất cập nhất định: chẳng hạn như kết nối giữa Viettel và doanh nghiệp nội dung, nếu các thuê bao Internet của Viettel kết nối đến các doanh nghiệp nội dung nhiều sẽ dẫn đến sự chênh lệch lớn về dung lượng. Theo quy định, Viettel phải trả phí cho doanh nghiệp nội dung trong khi vẫn phải đầu tư rất lớn về chi phí hạ tầng. Hay đối với Viettel và doanh nghiệp có hạ tầng khác, do các trung tâm dữ liệu (data center) của họ chứa rất nhiều nội dung nên sẽ  được thu 2 lần phí bao gồm dung lượng kết nối chênh lệch của Viettel và phí hosting, server của doanh nghiệp nội dung đặt ở data center của họ. “Bộ TT&TT cần đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện”, đại diện Viettel kiến nghị.

Cùng quan điểm, đại diện FPT Telecom và VNPT cho rằng, dịch vụ Internet có sự khác biệt rất lớn đối với dịch vụ thoại. Cụ thể, đối với dịch vụ thoại, người gọi sẽ là người trả tiền nhưng dịch vụ Internet thì người nhận thông tin (tải dữ liệu) mới là người phải trả phí. “Vì vậy, quy định nên nói rõ khi chênh lệch dung lượng chiều đi và về thì doanh nghiệp nào sẽ được hưởng, như theo quy định quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam nếu dùng nhiều dữ liệu hơn thì sẽ phải trả phí cho họ”, đại diện VNPT kết luận.

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ bị chèn ép về kết nối Internet, tại buổi làm việc với đoàn Bộ TT&TT ngày 4/4, ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc VDC/VNPT cho biết, trong hai tuần đầu tháng 3/2013, một doanh nghiệp di động ngoài VNPT chặn truy nhập từ 3G tới các website đang hosting tại VDC đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Ông Hải cho rằng sự việc này vi phạm luật CNTT và gây bức xúc cho công ty VDC. VDC đề nghị Bộ TT&TT có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo việc kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ cũng như quyền lợi hợp pháp của người sử dụng.

Theo ICTnews

Bình luận