Khi người dùng Internet muốn “được lãng quên”

Hôm thứ Ba vừa qua, Tòa án tối cao châu Âu đã ra phán quyết Google phải tuân thủ Chỉ thị Bảo vệ Dữ liệu của EU và khẳng định mọi người có quyền kiểm soát hoàn toàn thông tin về bản thân trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến – một phán quyết bác bỏ quan niệm bất thành văn lâu nay về dòng chảy tự do thông tin trên Internet.

Theo Tòa án Tư pháp châu Âu (CoJ) tại Luxembourg thì các công cụ tìm kiếm như Google cần cho người dùng trực tuyến quyền “được lãng quên” sau một thời gian nhất định bằng cách xóa các đường dẫn liên quan trên mạng, trừ trường hợp có những lý do đặc biệt khiến họ không được làm vậy.
Google lãnh đủ
Phán quyết này khiến những công cụ tìm kiếm như Google dễ trở thành nguồn thông tin “một chiều” giống như Facebook bởi người dùng hoàn toàn kiểm soát được những thông tin cá nhân mà mình muốn hay không muốn người khác đọc được. Rõ ràng, những thanh niên hôm nay chè chén say xỉn sẽ không muốn khoảnh khắc “quên cả lối về” đó còn tồn tại mãi trên Internet để rồi 30 năm sau vẫn có người tình cờ phát hiện ra.
CoJ cho rằng các công cụ tìm kiếm không chỉ đơn thuần là những công cụ “tĩnh” mà còn đóng vai trò tích cực trong việc kiểm soát dữ liệu và phải chịu trách nhiệm về những đường dẫn kết quả mà mình cung cấp. Tòa án châu Âu cũng nhấn mạnh rằng quyền riêng tư cá nhân cần được đặt lên trên cả quyền tìm kiếm thông tin của công chúng.
Ai cũng dễ nhận ra gánh nặng thực thi sẽ chủ yếu rơi vào Google bởi gã khổng lồ này đang thống trị châu Âu với hơn 90 thị phần ở Pháp và Đức. Trong tuyên bố của mình, Google cho rằng đó là một phán quyết “đáng thất vọng” của CoJ và công ty “vô cùng ngạc nhiên” vì nó khác biệt rất nhiều so với một phán quyết sơ bộ hồi năm ngoái, trong đó chủ yếu là đứng về phía Google.
Phán quyết của tòa án châu Âu cũng để lại nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Một trong số đó là liệu các thông tin sẽ chỉ bị xóa khỏi các trang web của Google ở từng quốc gia riêng lẻ hay cũng biến mất vĩnh viễn khỏi Google.com. Khi châu Âu cố gắng xóa nhòa đường biên giới địa lý thì phán quyết trên có thể lại vô tình đặt ra các biên giới kỹ thuật số.

Theo nhiều chuyên gia thì phán quyết của CoJ mở ra cánh cửa cho hoạt động kiểm duyệt thông tin trên quy mô lớn ở châu Âu. Và trong khi nó cố gắng bảo vệ người dùng internet thì mặt khác lại dễ bị lạm dụng bởi các chính trị gia hoặc những người muốn cố tình che giấu điều gì đó. Tuy nhiên, mối quan tâm này bị cho là đã thổi phồng quá mức bởi phán quyết của tòa án chỉ đơn giản là khẳng định lại những gì đã được quy định là chuẩn mực ở châu Âu. Đó là chưa kể số lượng người dùng châu Âu muốn xóa thông tin trên Internet cũng chưa phải quá nhiều.
Vấn đề quyền của người sử dụng
Lật lại lịch sử, phán quyết của tòa án châu Âu xuất phát từ một trường hợp năm 2009 khi Mario Costeja, luật sư người Tây Ban Nha, phàn nàn rằng khi thử tìm kiếm tên mình trên Google, ông phát hiện ra thông tin kết quả đã dẫn chiếu đến những thông báo pháp lý từ năm 1998 trên một tờ báo tiếng Tây Ban Nha, La Vanguardia, trong đó mô tả chi tiết các rắc rối nợ nần của ông, khiến ông phải phát mại tài sản thế nào…
Ông Costeja nói rằng số nợ đó đã được giải quyết từ nhiều năm trước và chẳng còn liên quan gì tới hiện tại. Vì vậy, ông yêu cầu tờ báo trên xóa bỏ các thông tin đã đăng và yêu cầu Google xóa luôn các đường liên kết dẫn tới đó. Bị từ chối, ông Costeja liền tìm đến Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Tây Ban Nha phàn nàn về việc quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình bị xâm hại.
Cơ quan quản lý Tây Ban Nha đã yêu cầu Google phải xóa bỏ các đường dẫn vào tháng 7/2010 nhưng không có yêu cầu cụ thể nào đối với La Vanguardia. Sau khi Google không chịu thực hiện và thậm chí còn kháng cáo, Tòa án Tối cao Tây Ban Nha liền chuyển vụ việc lên tòa án châu Âu nhờ phân xử.
Luật sư của ông Costeja cho rằng phán quyết của tòa án châu Âu hôm thứ Ba vừa qua là một chiến thắng không chỉ cho khách hàng của mình, mà còn cho toàn bộ người dân châu Âu: “Điều quan trọng là người tiêu dùng cần nắm rõ luật và biết làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình.”

Theo TBKD

Bình luận