“Khát” nhân lực CNTT

Thiếu kiến thức và yếu kỹ năng khiến cho nhân lực ngành công nghệ thông tin thiếu hụt trầm trọng

 

SV tìm hiểu thông tin tại Ngày hội việc làm và đào tạo CNTT do Công viên Phần mềm QuangTrung tổ chức

“Hiện nay, cả nước có 448 trường đại học, cao đẳng; trong đó có 277 trường (chiếm 61,8%) có đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT) như công nghệ phần mềm, kỹ thuật phần mềm, khoa học máy tính, hệ thống thông tin quản lý… Hằng năm, lực lượng sinh viên tốt nghiệp rất lớn nhưng con số đáp ứng được nhu cầu của thị trường lại rất ít. Không chỉ thiếu, nhân lực ngành CNTT còn yếu về chuyên môn lẫn kỹ năng mềm”. Ông Nguyễn Hữu Phát, Trường ĐH Hoa Sen TPHCM, nhận định như vậy tại diễn đàn “Định hướng phát triển nguồn nhân lực CNTT” do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TPHCM tổ chức mới đây.

Nhu cầu nhân lực cao

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), giai đoạn 2011-2015 TPHCM sẽ cần từ 270.000 đến 280.000 chỗ làm/năm, trong đó ngành CNTT chiếm từ 3%- 4%. Nhu cầu tuyển dụng sẽ tập trung vào các ngành như lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, thiết kế lập trình web… Khảo sát của Falmi tiến hành trên 2.290 doanh nghiệp trong tháng 5-2012 cho thấy, CNTT là một trong 6 ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao nhất.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh lực CNTT nhìn nhận nhu cầu nhân lực CNTT rất lớn, nhất là đội ngũ kỹ sư an ninh mạng. Hiện Việt Nam có 27 triệu người sử dụng internet, theo đó công tác bảo mật, hệ thống an ninh mạng là hết sức cần thiết. Báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho thấy trong năm 2011 số lượng mạng bị tấn công tăng gấp 3 lần so với năm 2010 và chỉ riêng tháng 5 và 6 – 2011, đã có 329 website bị tấn công. “Việt Nam là nước đang phát triển mạnh mẽ về CNTT nhưng lại đang thiếu trầm trọng đội ngũ nhân lực chuyên về an ninh mạng. Trong khi đó, tỉ lệ thí sinh đăng ký thi khối ngành CNTT lại giảm trong những năm gần đây”- ông Nguyễn Công Đức, Trường CĐ Nghề CNTT Ispace, cho biết.

 Yếu chuyên môn lẫn kỹ năng

Theo đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” của Chính phủ, đến năm 2020, 80% số lượng sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế. Tổng nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực CNTT đạt 1 triệu người, bao gồm nhân lực hoạt động trong nước và xuất khẩu. Chỉ tiêu này khiến cho các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp trăn trở bởi đội ngũ nhân lực CNTT không chỉ thiếu mà còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức ngoại ngữ và chưa phù hợp yêu cầu chuyên môn.

Thống kê của Viện Chiến lược CNTT cho thấy 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết lĩnh vực hành nghề. Hậu quả là 77,2% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên trong quá trình làm việc. Đáng quan tâm là 70% sinh viên không thành thạo ngoại ngữ. Ông Đào Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TPHCM, phân tích: “CNTT là ngành yêu cầu tính chuyên sâu cao nhưng cũng thay đổi rất nhanh về công nghệ. Đây cũng là ngành yêu cầu nhân lực phải giỏi trên phương diện cá nhân và xuất sắc khi làm việc nhóm, sử dụng tiếng Anh như người bản xứ và có tiêu chuẩn, tầm nhìn quốc tế. Việc này đặt ra thách thức không nhỏ cho sinh viên theo học ngành CNTT”.

 

Theo Người Lao Động

 

Bình luận