“Hỗ trợ doanh nghiệp dường như chưa trúng đích”

“Hỗ trợ doanh nghiệp dường như chưa trúng đích”

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Từ năm 2012 đến nay, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện nhiều gói hỗ trợ. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn lớn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản vẫn không giảm.
Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam, cho rằng những chính sách hỗ trợ dường như chưa trúng đích.

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả từ các gói hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ thực hiện trong thời gian qua?

Tôi cho rằng các gói hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ dường như chưa trúng đích. Nguyên nhân có thể là do tình hình chung của nền kinh tế thế giới và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Song, có một nguyên nhân chủ quan là chúng ta chưa nhận thấy khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là gì.

Các doanh nghiệp sinh ra là để sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, bán được hàng là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Khi hàng hóa dịch vụ không bán được, vốn không thể quay vòng và doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí là ngừng hoạt động hoặc phá sản.

Từ năm 2012 đến nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp là tiêu thụ hàng hoá đã sản xuất ra. Chỉ số tồn kho hàng công nghiệp luôn ở mức cao và nếu có giảm cũng chỉ giảm một cách nhỏ giọt.

Kết quả khảo sát được công bố gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 73% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại của họ; trong khi 5,7% số doanh nghiệp trả lời phải ngừng hoạt động trong năm 2012 do không tìm được thị trường đầu ra.

Tồn kho là vấn nạn lớn nhưng nó vẫn chỉ là hệ lụy của cả một quá trình như ông đã nói, để tháo ngòi cho vấn nạn này, theo ông chúng ta cần làm gì?

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phải nhằm vào cái đích cơ bản là kích thích nhu cầu tiêu dùng, bao gồm cả tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho cá nhân, từ đó làm cho thị trường sôi động trở lại và các doanh nghiệp sẽ bán được hàng, giải phóng được hàng tồn kho, bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới.

Song, những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang áp dụng trong thời gian qua mới đi ở “vùng ven” của cái đích cơ bản ấy.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là vấn đề có ý nghĩa rất lớn nhưng chỉ trong dài hạn. Trước mắt, khi các doanh nghiệp không bán được hàng và bị lỗ, thậm chí đến mức mất hết vốn thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không có ý nghĩa “giải cứu”.

Vì vậy, gói hỗ trợ được tính toán là tới 29.000 tỷ đồng chỉ là con số tính toán theo lý thuyết, số tiền thực sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp sẽ ít hơn nhiều.

Mặt khác, chính sách hạ lãi suất tiền vay là để giảm gánh nặng về chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Song, khi doanh nghiệp đang “ngồi trên đống hàng tồn kho, không tiếp tục sản xuất hay nhập hàng để kinh doanh và do đó không có nhu cầu vay” thì dù lãi suất tiền vay có giảm nhiều hơn nữa cũng chưa có tác động trực tiếp, tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp.

Giãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có tác dụng giảm bớt số tiền vay của các doanh nghiệp trong một thời gian nhất định và số này cũng không nhiều. doanh nghiệp chưa phải nộp hôm nay thì sẽ phải nộp vào ngày đến hạn.

Giảm thuế giá trị gia tăng – một bộ phận cấu thành của giá bán hàng hoá – là biện pháp đúng. Song, biện pháp này lại chỉ giới hạn trong một số sản phẩm, hàng hoá.

Chẳng hạn, miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân…. Đó là những cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ nên tác động lan toả của chính sách thấp.

Theo ông, để các biện pháp hỗ trợ “trúng đích” hơn, Chính phủ cần có những thay đổi gì cơ bản trong điều hành?

Năm 2013 đã đi qua gần một nửa, các doanh nghiệp vẫn còn rất khó. Vì vậy, rất cần thay đổi từ quan điểm để việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ trúng đích hơn.

Thay vì việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, cần giảm 50% hoặc 100% thuế giá trị gia tăng với toàn bộ hàng hoá, dịch vụ trên thị trường trong một thời gian nhất định, có thể là 6 tháng cuối năm năm 2013 bởi thị trường có sự liên thông với nhau rất chặt chẽ.

Chẳng hạn, không phải chỉ thị trường bất động sản mới đang bị “đóng băng” mà các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, trang bị nội thất… cũng đang bị đóng băng theo thị trường bất động sản.

Do đó, nếu chỉ giảm thuế giá trị gia tăng cho các căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho những người có thu nhập thấp… là chưa đủ. Khi các doanh nghiệp trong các ngành khác chưa giải phóng được hàng tồn kho, chưa bắt đầu một chu kỳ sản xuất mới và do đó, người lao động chưa có thu nhập thì sẽ có rất ít (nếu không muốn nói là không có) người mua nhà cho dù thuế doanh nghiệp bằng 0.

Giảm thuế giá trị gia tăng là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp giảm giá bán hàng hoá, dịch vụ, kích thích nhu cầu tiêu dùng. Từ đó, hàng tồn kho sẽ dần dần biến mất, doanh nghiệp sẽ hồi sinh. Điều đó đồng nghĩa với tình trạng suy thoái của nền kinh tế sẽ được khắc phục, lao động thất nghiệp sẽ giảm đi và thu ngân sách sẽ tăng lên.

Theo Thoibaokinhte

Bình luận