Giám đốc không biết quản lý doanh nghiệp theo hệ thống

Phần lớn các giám đốc điều hành không thể quản lý tình hình hoạt động kinh doanh của họ một cách hệ thống do bị cuốn theo những biến đổi của thị trường.

Ngày 29/5/2014, Công ty tư vấn quản lý chuỗi cung ứng và điều hành sản xuất tại khu vực Đông Nam Á (CEL Consulting) sẽ công bố thông  tin “Thực tiễn quản lý hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam”.

CEL Consulting đã tiến hành khảo sát này từ tháng 2/2014, gần 200 giám đốc cấp cao tại các doanh nghiệp dẫn đầu thuộc lĩnh vực như: sản xuất, phân phối bán lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, năng  lượng, dược phẩm, ngân hàng tài chính đã tham gia khảo sát. Trong đó, 75% là khối doanh nghiệp nước ngoài và 25% là khối doanh nghiệp Việt Nam.

Mục tiêu của khảo sát này nhằm giúp các cấp quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp biết được thực tiễn về quản lý hiệu suất kinh doanh một cách khách quan thông qua việc so sánh các nghành khác nhau.


Hệ thống quản  lý hiệu suất tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, dược phẩm chưa được phát triển

Theo nhận định của CEL Consulting, phần lớn các giám đốc điều hành không thể quản lý tình hình hoạt động kinh doanh của họ một cách hệ thống do bị cuốn theo những biến đổi của thị trường.

Theo đó, việc có được một hệ thống quản lý giúp họ nắm bắt đúng thực tế hoạt động và liên tục cải tiến đồng nhất với chiến lược vạch ra dường như là một giấc mơ. Các quyết định mang tính chiến lược, chiến thuật hoặc tác nghiệp thường mông lung.

Rất hiếm những công ty mà những người đưa quyết định, ban giám đốc, quản  lý, giám sát và nhân viên có được thông tin rõ ràng rằng tình hình công ty, bộ phận, dây chuyền sản xuất hoặc đội nhóm của họ thật sự đang triển khai và đạt được các mục tiêu ở mức nào.

Trong hầu hết các trường hợp, bao gồm cả trong các tổ chức lớn, hiệu quả kinh doanh được xử lý thông qua rất nhiều các báo cáo trên Excel, báo cáo được in  ra giấy và trưng ở các bảng mà rất ít người có thể thấy. Ở Việt Nam, ERPs hay các phần mềm kinh doanh khác giúp ích trong việc truy cập những dữ  liệu  liên quan và đáng tin cậy. Để nắm bắt rõ “những gì sẽ xảy ra tiếp theo” vẫn còn là khó khăn. Thậm chí, một số doanh chủ đã từ bỏ số liệu và phát triển thói quen đưa ra quyết định dựa trên cảm giác.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, có lẽ vì điều kiện thị trường khó khăn, CEL nhận thấy có sự chuyển hướng tích cực trong việc đưa quyêt định dựa trên số liệu thực tế.  Điều đó đã thúc đẩy nhu cầu của các doanh nghiệp về khả năng truy cập và thấy được các số liệu thực về hiệu suất kinh doanh nhiều hơn. Trên thế giới, xu hướng quản lý và ra quyết định trong quản lý kinh doanh theo dữ  liệu thực đã bắt đẩu khoảng 5 năm trước đây.

Tuy nhiên, công nghệ chỉ giúp giải đáp một phần nhưng không phải là tất cả và duy nhất. Các hệ thống thông tin hiện đại vẫn phụ thuộc vào tính chính xác và liên quan của dữ liệu. Nếu doanh nghiệp không có dữ liệu tốt (chính xác và liên quan), doanh nghiệp không thể hưởng được bất cứ  lợi ích nào từ công nghệ  thông tin.  

Khảo sát này cho thấy mặc dù công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp vẫn phải tốn thời gian đáng kể trong việc thu thập, tổng hợp dữ  liệu để hiểu và nắm bắt được tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có kế hoạch hành động phù hợp. Trong đó, một điểm quan ngại với một số lĩnh vực kinh doanh có ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng như: dược phẩm, ngân hàng  có hệ thống quản  lý hiệu suất chưa được phát triển. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh lại đi đầu và áp dụng các công cụ quản lý hiệu suất hoạt động tiên tiến. 

Như vậy có thể nói, các giám đốc điều hành hoặc các cấp quản lý cấp cao tại doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản trị hiệu suất doanh nghiệp, dẫn tới việc không tự tin trong các quyết định kinh doanh.

Theo Baodautu

Bình luận