Giải tỏa “điểm nóng” bằng công nghệ

Nhiều vấn đề bức xúc gây nên những hiệu ứng không tích cực cho xã hội lẽ ra đã không xảy ra, nếu cơ quan chức năng ứng dụng công nghệ thông tin. Thế nhưng, đối với nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, việc ứng dụng CNTT để giải quyết vấn đề “nóng” dường như còn khá… mơ hồ.

Nếu áp dụng CNTT trong việc bán đơn, chắc chắn, cổng trường Thực nghiệm sẽ không bị đạp đổ

Hạ tầng thiết yếu ở Việt Nam hiện nay phải đối mặt với những vấn đề nóng. Giao thông phải đối mặt với tắc nghẽn, tai nạn.  Giáo dục và y tế đều quá tải, kém chất lượng. Điện, nước đối mặt với sự thất thoát, lãng phí, nơi cần thì lại không thể đáp ứng nhu cầu…
TS. Nguyễn Nhật Quang – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Việt Nam (VINASA) – cho rằng, những bức xúc về hạ tầng đều là vấn đề gai góc có thể giải được nếu ứng dụng CNTT tích hợp tổng thể.
Ông Quang ví dụ, trong lĩnh vực giao thông, mới đây có quy định đổi giờ làm để giảm thiểu tắc nghẽn song giờ vẫn không thể biết chính xác việc đổi giờ như vậy có hiệu quả đến đâu, đường nào vẫn tắc, hôm qua hay hôm nay tắc hơn… bởi không có hệ thống thông tin giao thông giám sát theo thời gian thực..
Trong khi đó, đối với điện lưới, khi các hộ dân sử dụng công tơ điện thông minh, không còn cảnh hàng tháng “nhà đèn” phải tốn khá nhiều chi phí cho lực lượng nhân viên đi ghi chỉ số công tơ điện của từng hộ dân. Và khi ngành điện phối hợp với các ngân hàng triển khai ứng dụng CNTT để thu phí qua ATM thì người dân cũng không ngại chuyện phải “canh” thời gian để nộp phí đúng hẹn kẻo bị “cúp điện”.
Tuy nhiên, nói về tư duy, nhận thức về việc ứng dụng CNTT của đại bộ phận lãnh đạo, người dân, doanh nghiệp ở Việt Nam,  TS. Nguyễn Nhật Quang nhận định, hiện vẫn phổ biến tình trạng tư duy xây dựng ra những hệ thống hạ tầng không thông minh rồi sau đó mới tìm cách “thông minh hóa” chúng.
“Không ít dự án xây dựng đổ cả đống tiền ra xây cầu xong mới lập đề án khác tin học hóa cái cầu này. Hoặc có dự án đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng một bệnh viện, sau đó lại để một anh làm tin học đến năn nỉ “tin học hóa bệnh viện đi”. Cần thay đổi lối tư duy này, phải lồng ghép ngay phần hạ tầng thông tin vào các dự án từ khi lên thiết kế” – ông Quang nói.
“Điện tử hóa chỉ là bước đầu tiên, nếu muốn hiện đại hóa, công nghiệp hóa thì phải xây dựng được hạ tầng thông minh, có khả năng kết nối rộng khắp đa chiều để tạo sự đột phá về hiệu năng của các loại hạ tầng cho quốc gia” – PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA nhận định.
Theo ông Bình, các ngành, các cấp bàn cách hiện đại hóa ngành mình, đơn vị mình bằng CNTT, dùng CNTT để xử lý hàng loạt vấn đề bức xúc đang phát sinh trong cuộc sống như tắc nghẽn giao thông, quá tải bệnh viện, trường học, các bất cập trong quản lý dân cư, quản lý đô thị…, không phải chỉ trông chờ vào việc ngành CNTT bàn cách đưa CNTT vào ứng dụng trong các ngành khác.
Theo nss.vn
Bình luận