Giải bài toán giao thông bằng CNTT

Giao thông nước ta hiện đang phải đối mặt với vấn nạn tắc nghẽn và tai nạn. Tuy nhiên, nếu có sự góp sức của CNTT, bài toán gai góc này sẽ sớm được giải quyết. Đây là ý kiến của hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông tại buổi tọa đàm về “Giảm tắc nghẽn, tai nạn giao thông bằng CNTT” vừa diễn ra.

Nạn tắc đường thường xuyên xảy ra gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong những năm qua hệ thống hạ tầng giao thông của nước ta được đầu tư nhiều, song chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông của các phương tiện, trong khi đó tai nạn giao thông và ùn tắc vẫn đang là vấn đề “nóng”. Vì vậy, giao thông thông minh với hạ tầng CNTT hiện đại được xem là một giải pháp tốt.

Thứ trưởng Đông cho biết thêm: Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại: cầu đường, hệ thống tàu điện ngầm… phải mất thời gian dài, gắn với đó là phải quản lý và khai thác tốt. Ứng dụng CNTT vào giao thông sẽ giúp điều tiết giao thông dễ dàng và khoa học hơn, từ đó giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

TS Khuất Việt Hùng (Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải, Viện Quy hoạch & Quản lý Giao thông Vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, để có hệ thống giao thông đồng bộ, phải có mô hình giao thông tổng thể cho toàn quốc và cho từng địa phương. Chúng ta cần năng lực của đường bộ bao nhiêu, của cảng bao nhiêu, năng lực của hàng không thế nào? Qua đó, mới có thể đánh giá được năng lực giao thông như thế nào? Sẽ phải quản lý ra sao?

Ông Phạm Minh Tuấn, chuyên gia công nghệ, Giám đốc Công ty Giải pháp kỹ thuật – Tập đoàn FPT cho biết ở các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật… đã áp dụng CNTT vào việc điều hành giao thông từ lâu và rất thành công. Còn ở VN, có thể tìm thấy một mô hình ứng dụng CNTT rất thành công là tại ngã tư đường Khuất Duy Tiến – Trần Duy Hưng. Tại nơi từng được gọi là “vòng xoay tử thần” rất hay xảy ra tai nạn giao thông. Từ khi đưa hệ thống đèn tín hiệu có sử dụng phần mềm điều khiển do các chuyên gia VN phát triển vào, tình trạng tắc nghẽn và tai nạn giảm hẳn.

Theo các chuyên gia giải pháp giao thông thông minh ITS (là một giải pháp kết hợp công nghệ cao như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống thông tin địa lý (GIS), cơ sở dữ liệu (DB)…) có thể giúp các nhà quản lý dự báo lượng cầu để tối đa hóa sức chứa, phương tiện giao thông và hạ tầng dựa trên dữ liệu thực và dữ liệu quá khứ được cung cấp; hỗ trợ người tham gia thông trong dẫn đường và sử dụng phương tiện công cộng; tăng hiệu suất vận hành và giảm tải; đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông…

Hiện nay công nghệ ITS, đã được lắp đặt ở một số trạm thu phí, hệ thống thu phí không dừng và tự động giám sát xe. Trước mắt có thể tiến hành lắp đặt hệ thống ITS để phân tích tín hiệu điều khiển đèn đường, cung cấp thông tin cho người dân qua radio, đài, biển báo…, giảm ùn tắc tại các trạm thu phí trên cả nước, đồng thời triển khai giám sát vi phạm giao thông… Công nghệ này có thời gian nhận dạng nhanh và nhận diện rõ các biển số xe để xử lý các lỗi vi phạm luật giao thông. Đây là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành của chủ phương tiện. Hiện công nghệ này đã sẵn sàng lắp đặt trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội…

Tác dụng từ việc lắp đặt hệ thống giao thông thông minh ITS được các chuyên gia đánh giá cao, bên cạnh đó, mức đầu tư ITS lại khiêm tốn hơn nhiều so với tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay. Hy vọng trong thời gian tới, công nghệ này sẽ sớm được áp dụng rộng rãi, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc, tạo thuận lợi hơn cho việc quản lý và điều hành.

Theo Đời Sống

Bình luận