ERP – KHI GIẤC MƠ KHÔNG PHẢI MÀU HỒNG

ERP là con đường bắt buộc mà bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển và hội nhập đều phải đi qua. Không ai có thể phủ nhận được vai trò và lợi ích mà ERP mang lại, tuy nhiên triển khai ERP không phải là bài toán đơn giản. Trên thế giới hay ngay như thị trường Việt Nam đã  từng chứng kiến những bài học đắt giá khi dự án ERP thất bại – khi mà ERP không còn là “giấc mơ màu hồng.

Các doanh nghiệp có ý định nâng cấp hoặc triển khai các giải pháp ứng dụng doanh nghiệp: quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), quản lý quan hệ khách hàng (CRM), quản trị doanh nghiệp thông minh (BI) và quản lý chuỗi cung ứng (SCM) – có thể tìm ở  bài viết này những kinh nghiệm hữu ích để tránh bước theo vết xe đổ của những thất bại trước.

Thế giới các ứng dụng doanh nghiệp như ERP, CRM, BI, SCM… có vẻ  sẽ rất tẻ nhạt đối với những người bị mê hoặc bởi những ứng dụng của iPhone hay Twitter. Tuy nhiên trên thực tế, lĩnh vực này cũng có không ít câu chuyện lý thú, từ những thỏa thuận phần mềm trị giá nhiều triệu đô-la Mỹ nhưng thất bại cay đắng, những cơn ác mộng chi tiêu khổng lồ cho đến các vụ kiện tốn kém và gây bối rối liên quan đến việc triển khai ứng dụng hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Dưới đây là một số  thất bại tiêu biểu trong triển khai ERP trên thế giới, được xem như là lời cảnh báo nếu bạn đang có ý định nâng cấp hoặc triển khai một ứng dụng doanh nghiệp nào đó khi chưa có hiểu biết và kiến thức cần thiết về nó.

Kinh nghiệm cay đắng cho Hershey

Liệu thất bại trong ứng dụng một công nghệ nào đó có thể làm sụp đổ một công ty trong danh sách Fortune 500 (danh sách 500 công ty lớn nhất Mỹ về mặt doanh thu do tạp chí Fortune lập ra) ?

Với trường hợp của công ty thực phẩm Hershey Foods, ERP chắc chắn không giúp ích gì cho hoạt động của công ty này trong mùa Halloween năm 1999, hoặc ít nhất cũng khiến các nhà đầu tư phố Wall một phen hoảng hốt. Những trục trặc của các ứng dụng SAP ERP, Siebel CRM (của Oracle) và chuỗi cung ứng Manugistics mà Hershey gặp phải đã khiến cho công ty không thể bàn giao số sản phẩm chocolate trị giá 100 triệu đô-la Mỹ cho mùa Halloween năm đó, và khiến giá cổ phiếu của họ sụt giảm 8%.

Như vậy, một dự án công nghệ thất bại có thể không làm sụp đổ hoàn toàn một công ty trong danh sách Fortune 500, nhưng nó chắc chắn đủ sức khiến công ty này “choáng váng”.

Nike – Khi công nghệ không đơn giản là “Just do it”?

Hãng Nike đã được gì từ một dự án nâng cấp ứng dụng chuỗi cung ứng và các hệ thống ERP trị giá 400 triệu đô-la của mình? Trước tiên là khoản tổn thất 100 triệu đô-la về doanh số, giá cổ phiếu giảm 20% và một “bộ sưu tập” các đơn kiện. Sự cố này xảy ra vào năm 2000 và xuất phát từ một dự án táo bạo về ERP, ứng dụng chuỗi cung ứng và CRM nhằm nâng cấp các hệ thống này thành một “siêu hệ thống”.

“Cơn bão hoàn hảo” của HP

Năm 2004, khi hãng sản xuất máy tính HP lên kế hoạch tập trung các hệ thống ERP khác nhau của chi nhánh tại Bắc Mỹ lên trên một hệ thống SAP, các nhà quản lý của HP biết rõ những gì có thể xảy ra với dự án nói trên. Có điều là họ không hoạch định cho nhiều thứ xảy ra cùng một lúc. Dự án này rốt cuộc khiến HP thiệt hại 160 triệu đô-la, nhiều gấp năm lần chi phí ước tính của dự án. Gilles Bouchard, khi đó là giám đốc công nghệ thông tin của HP, thừa nhận: “Chúng tôi có một loạt vấn đề nhỏ, mà nếu xảy ra riêng lẻ thì sẽ không quá khó xử lý. Nhưng khi xảy ra cùng một lúc, chúng tạo thành thảm họa”.

Nỗi khổ của tân sinh viên

Năm 2004, hơn 27.000 tân sinh viên của các trường đại học Massachusetts, Stanford và Indiana của Mỹ không thể tìm thấy lớp học do trục trặc của cổng thông tin và những ứng dụng ERP. Tệ hơn cả là họ không thể nhận được các tấm séc hỗ trợ tài chính của mình. Một sinh viên Đại học Massachusetts nhớ lại: “Các sinh viên mới muốn phát điên vì họ không biết phải đi đâu”. Sau vài ngày, thậm chí là vài tuần căng thẳng, mọi người cuối cùng cũng nhận được séc và thời khóa biểu học tập của mình.

Cuộc chiến pháp lý giữa Waste Management và SAP

Năm 2005, công ty xử lý rác Waste Management ký với công ty SAP một bản thỏa thuận triển khai phần mềm ERP cho họ trong vòng 18 tháng. Đến tháng 3-2008, một cuộc chiến pháp lý nổ ra sau khi Waste Management đệ đơn kiện các quan chức điều hành SAP gian lận khiến dự án thất bại.

Vài tháng sau, đến lượt SAP đáp trả, cáo buộc Waste Management vi phạm thỏa thuận với SAP về nhiều mặt, như “không định nghĩa các yêu cầu kinh doanh của mình chính xác và đúng thời hạn” hoặc “không cung cấp đủ người có kiến thức, có quyền quyết định” để làm việc trong dự án. Đến mùa thu năm 2008, vụ việc vẫn chưa được tòa xét xử. Khoảng thời gian 18 tháng đề xuất để triển khai dự án nói trên giờ đây nghe như một kịch bản trong mơ.

Bí ẩn Fusion Applications

Tháng 1-2006, Công ty Oracle tuyên bố rằng họ đã đi được nửa chặng đường trong quá trình phát triển Fusion Applications – một ứng dụng được cho là kết hợp những tính năng tốt nhất của các ứng dụng e-Business Suite, J.D. Edwards, dòng sản phẩm People Soft và Siebel. Hơn ba năm sau, chúng ta vẫn đang chờ phiên bản đầu tiên của Fusion Apps.

SAP, Oracle và TomorrowNow

Nếu ai cũng nghĩ rằng lĩnh vực bảo trì phần mềm doanh nghiệp không có gì hấp dẫn, thì những tình tiết của câu chuyện dưới đây có thể khiến các nhà sản xuất Hollywood tranh nhau quyền dựng nó thành phim. Câu chuyện này có thể tóm gọn như sau : Năm 2005, Công ty SAP mua lại TomorrowNow (TN), một công ty nhỏ cung cấp dịch vụ bảo trì cho các sản phẩm ERP của Oracle, với giá rẻ hơn phân nửa so với giá của Oracle. Tuy nhiên, không phải ai ở SAP cũng nghĩ rằng thương vụ nói trên là một ý tưởng hay. Đến năm 2007, Oracle đệ đơn kiện SAP (thông qua TN) đã “thành lập trái phép một thư viện mã phần mềm và những tài liệu khác” thuộc bản quyền của họ. Một năm sau, SAP đột ngột đóng cửa TN.

Trong lúc này, Seth Ravin – một người đồng sáng lập TN – đã thành lập một công ty khác tương tự như TN (gọi là Rimini Street) và tìm cách thu gom mọi công việc kinh doanh của TN về tay mình. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ cho các sản phẩm ERP của Oracle, Rimini Street dự kiến sẽ bắt đầu cung cấp các dịch vụ bảo trì cho một số sản phẩm ERP của SAP trong năm nay.

Khi cổ đông ra tay

Mọi chuyện đã không diễn ra suôn sẻ với Công ty Select Comfort trong việc triển khai các ứng dụng doanh nghiệp của SAP như ERP, CRM, SCM. Vì thế, vào năm 2008, các cổ đông đã tăng sức ép để chấm dứt dự án trị giá hơn 20 triệu đô-la Mỹ này. Một cổ đông thậm chí còn đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ, cáo buộc dự án cho thấy khả năng “quản lý và phán đoán kém cỏi” của ban lãnh đạo công ty. Select Comfort không còn cách nào khác ngoài việc ngưng dự án này.

ERP + SaaS = Một thành công hay một ý tưởng tồi?

Khi tạp chí CIO khảo sát 400 nhà lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO) về hệ thống ERP của mình vào đầu năm 2008, các CIO này nói họ vẫn sử dụng các hệ thống ERP truyền thống, bất chấp những vấn đề về mặt tích hợp và chi phí cao. Kết quả ấy không gây nhiều ngạc nhiên. Các CIO tỏ ra miễn cưỡng trong việc để những dữ liệu nhạy cảm (kế toán, nhân lực, chuỗi cung ứng) trong hệ thống ERP của họ được lưu trữ  tại trung tâm dữ liệu của công ty khác. Trong cuộc khảo sát, chỉ có 9% người trả lời cho biết có sử dụng một mô hình ERP thay thế khác, bao gồm các ứng dụng SaaS (ứng dụng cho phép sử dụng phần mềm như một dịch vụ). Tuy nhiên, tình hình khi đó là thế,  giờ đây, mọi chuyện có vẻ khác hơn : Các nhà cung cấp ERP dưới hình thức SaaS như NetSuite đang ngày càng được chấp nhận nhiều hơn.

Theo internet

Bình luận