Doanh nghiệp ‘sa lầy’ vì nợ xấu

Công nợ khó đòi cả trăm, nghìn tỷ đồng đang là nỗi ám ảnh và gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp (DN). Theo cách nói có phần tếu táo của cổ đông DN thì, “cứ coi như bị quỵt nợ còn đỡ ấm ức hơn đi xử lý nợ khó đòi”.

No-xau

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2014 cho thấy, lợi nhuận của hàng loạt DN đã bị ảnh hưởng, sụt giảm đáng kể do việc kinh doanh khó khăn, các chi phí đều tăng mạnh. Trong đó, DN phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ khó đòi từ DN trong nội bộ, đối tác, khách hàng…
Nợ chạy vòng quanh!
Theo báo cáo tài chính mới đây của Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và Xây Dựng Việt Nam (Vinaconex), tình hình công nợ khó đòi, nợ tiềm ẩn là vấn đề đáng lo ngại. Nhiều khoản công nợ được đơn vị kiểm toán lưu ý DN vì không thu thập được bằng chứng về khả năng thu hồi các khoản này. Đơn cử, tính đến 30/6/2014, Vinaconex vẫn ghi nhận hai khoản nợ quá hạn tại Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (Công ty liên kết), bao gồm 79 tỷ đồng- là số dư tiền gửi tại một Công ty tài chính khác và 150 tỷ đồng nợ trái phiếu DN đã đáo hạn 1 năm, chưa trả nợ.

Trong số này, khoản nợ 150 tỷ đồng trái phiếu DN đang nặng gánh nhất vì vướng vào tranh chấp pháp lý suốt hơn 2 năm qua, vẫn chưa ngã ngũ. Được biết, năm 2011, Vinaconex – Viettel đã mua lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng do Công ty CP Vina Megastar phát hành, được Ngân hàng SeaBank bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, khi DN huy động được tiền thì SeaBank ngay lập tức cấn trừ vào khoản nợ vay, thay vì sử dụng tiền triển khai dự án. Đến hạn thanh toán trái phiếu, DN không có khả năng trả nợ, còn ngân hàng cũng “nhùng nhằng” chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh – trả nợ thay cho Vinaconex – Viettel.

Đại diện Vinaconex – Viettel từng than thở rằng vì tin tưởng ngân hàng có uy tín đứng ra bảo lãnh nên mới mua lô trái phiếu trên, chứ không ngờ bị đối tác “phủi tay” như vậy. Chủ nợ này cũng dự tính sẽ khởi kiện SeaBank, yêu cầu trả nợ 150 tỷ đồng đã quá hạn 2 năm. Kết quả kinh doanh thua lỗ trong 6 tháng 2014 càng khiến Vinaconex – Viettel phải nhanh chóng thu hồi “nợ xấu”, nhất là trong trường hợp muốn sáp nhập vào tổ chức tín dụng khác trong nay mai.

Tương tự, hai Công ty con của Vinaconex là Công ty CP Xây dựng số 15 và Công ty CP Vận tải Vinaconex cũng đang bị “sa lầy” với các khoản phải thu khách hàng, phải thu gốc và lãi ủy thác đầu tư đã quá hạn thanh toán từ lâu. Tổng số nợ lên tới 91 tỷ đồng và hiện cũng chưa rõ có thu hồi được không. Trong khi đó, theo quy định, DN cũng phải thực hiện trích dự phòng rủi ro 100% giá trị khoản nợ khó thu hồi (quá hạn 3 năm), khiến cho việc cân đối tài chính càng thêm khó.

Sudico – Công ty có tiếng mang họ Sông Đà cũng đang chịu áp lực xử lý nợ phải thu lên tới 374 tỷ đồng (tính đến 30/6/2014), gồm phải thu từ khách hàng, trả trước cho người bán, các khoản phải thu khác. Riêng nợ phải thu từ Tổng công ty Sông Đà, các Công ty con là hơn 98 tỷ đồng.

Công ty đã phải tăng trích dự phòng lên tới 114 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi. Dĩ nhiên, Sudico khó có thể trông chờ vào việc thu hồi công nợ để có nguồn tiền trả nợ vay hơn 4.500 tỷ đồng. Nhất là khi, lợi nhuận kinh doanh nửa năm 2014 chỉ dừng ở con số vỏn vẹn 36 tỷ đồng.

Mua cổ phần kèm nợ!

Trên thực tế, khi kinh tế khó khăn, nợ khó đòi giữa các DN – đối tác, khách hàng, giữa các DN trong nội bộ, có quan hệ giao dịch… càng trở nên trầm trọng hơn. Chuyện các DN vay mượn, trả nợ lẫn nhau là thực tế phổ biến. Chưa có một kết quả thống kê chính xác về tình hình nợ khó đòi chạy “vòng quanh” của DN, nhưng nhiều DN đã và đang phải “ngậm đắng, nuốt cay” vì bị chiếm dụng vốn lên tới cả trăm tỷ đồng.

Điểm đáng quan ngại là, các khoản nợ khó đòi vẫn tích tụ trên sổ sách từ lâu mà chưa có cách nào “dọn dẹp” đi được. Với DN, họ không có công cụ pháp lý mạnh như ngân hàng để xử lý nợ xấu, bắt giữ tài sản đảm bảo để buộc con nợ phải trả lại số vốn đã chiếm dụng. Thực tế, các khoản phải thu thường không hề có tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán. Ngay cả khi DN kiện đối tác chây ỳ trả nợ ra tòa, thì khả năng thi hành án, thu hồi được vốn hết sức vất vả.

Thiệt hại từ những khoản nợ khó đòi là DN bị chiếm dụng vốn, mất vốn, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận Công ty cũng như cổ tức của cổ đông.

Với những DN nhà nước, vướng mắc trong xử lý công nợ khó đòi đang làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu khi cổ phần hóa, chào bán cổ phần ra công chúng. Đơn cử như trường hợp của SASCO – Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất sắp bán đấu giá cổ phần (ngày 18/9 tới). Hiện, SASCO có khoản nợ khó đòi gần 300 tỷ đồng từ lâu, chưa rõ phương án xử lý sau cổ phần hóa. Năm 2013, Công ty đã phải trích dự phòng khoản phải thu hơn 295 tỷ đồng liên quan đến các khoản chi hộ cho Công ty con, góp vốn đầu tư…

Khoản nợ không có khả năng thu hồi này đã được tính vào giá trị DNNN để cổ phần hóa, có nghĩa, phần vốn nhà nước có thêm phần giá trị “tương lai”. Dĩ nhiên, không nhà đầu tư nào muốn mua cổ phần để gánh thêm cả nợ khó đòi.

Theo TBKD

Bình luận