Doanh nghiệp phàn nàn về cơ quan bảo vệ sở hữu trí tuệ

Đánh giá hệ thống quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện đã đầy đủ nhưng các doanh nghiệp tỏ ra rất không hài lòng về các cơ quan thực thi, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp.

Tại hội thảo “Sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong môi trường thương mại toàn cầu: giải pháp khắc phục điểm yếu cho doanh nghiệp Việt” diễn ra sáng ngày 28-5 tại TPHCM, khi được hỏi về kinh nghiệm thực tế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi bị xâm phạm, các doanh nghiệp đều tỏ ra khá bức xúc vì dường như không được các cơ quan thực thi bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Bà Ngô Thị Báu, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thời trang Nguyên Tâm, chủ thương hiệu Foci, kể rằng một lần thử theo đuổi đến cùng một vụ thương hiệu Foci bị làm giả, làm nhái và thấy “mệt mỏi vô cùng”.

Theo bà Báu, doanh nghiệp không chỉ phải điền vào các loại giấy tờ mà làm không khéo còn bị các cơ quan ban ngành vào công ty kiểm tra nhiều vấn đề. Bà Báu nhận xét: “Luật về sở hữu trí tuệ thì đầy đủ nhưng các cơ quan bảo vệ quyền thì còn đặt dấu chấm hỏi”.

Đại diện Công ty cổ phần May Việt Tiến chia sẻ, với tình trạng bị làm giả làm nhái sản phẩm, cửa hàng, công ty này đã được Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tư vấn cách xử lý, doanh nghiệp cũng cố gắng, nhưng cơ quan thực thi lại không ổn. “Sao đến khâu xử lý thì chúng tôi cứ bị tắc mà không biết gỡ thế nào”, đại diện Việt Tiến nói tại hội thảo.

Bà Hoàng Tố Như, Phó trưởng phòng Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, giải thích, có rất nhiều trường hợp mà chính cơ quan thực thi phải “bó tay” vì các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất tinh vi, liên quan đến nhiều cơ quan.

Ví dụ như có cửa hàng kia kinh doanh bột thực phẩm không nhãn hiệu. Mỗi khi có khách mua, cửa hàng này đóng bao và dán nhãn của một thương hiệu đã được bảo hộ, xuất ra cho khách hàng.

Bà Như cho biết, doanh nghiệp muốn kiện nhưng không có bằng chứng và cơ quan có thẩm quyền không biết phải làm như thế nào. “Sở có lực lượng thanh tra và hiện tại có 7 thanh tra viên trong khi có rất nhiều lĩnh vực cần quan tâm”, bà Như nói.

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty May Thắng Lợi cũng bức xúc không kém: hễ mẫu sản phẩm chăn ga gối nệm nào của công ty ông ra thị trường là ngay lập tức bị làm giả, làm nhái và bán với giá chỉ bằng một phần hai.

Chịu không thấu, ông đi hỏi thăm những người trong ngành cũng từng gặp trường hợp tương tự về cách xử lý thì được khuyên là nên bỏ qua vì không làm được gì.

Đại diện nhiều doanh nghiệp nêu vấn đề, cơ quan quản lý thị trường thường xuyên đi kiểm tra các cửa hàng của công ty, khắt khe, chi ly từng chi tiết nhưng sao hàng gian, hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc thì vẫn tràn lan?

Buổi hội thảo không có đại diện nào đến từ các cơ quan như quản lý thị trường, công an…, những lực lượng chuyên trách về chống hàng giả, hàng nhái.

Vì vậy, như ông Hòa nhận định, cứ bàn làm cách nào để bảo vệ quyền sở hữu nhưng những người thực thi không có mặt thì rốt lại “chúng tôi vẫn bị xâm phạm”.

Theo Thesaigontimes

Bình luận