Doanh nghiệp “như cá nằm trên thớt”

Đó là khẳng định của nhiều doanh nghiệp tại buổi đối thoại với Bộ Tài chính liên quan đến lĩnh vực thuế và hải quan, với hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia, diễn ra sáng 5-11 tại TP.HCM.

Nhiều doanh nghiệp (DN) bức xúc cho biết cơ quan thuế, hải quan hướng dẫn mỗi nơi mỗi kiểu, thậm chí DN làm đúng quy định nhưng vẫn bị cán bộ thuế “dọa” xử phạt dù luôn hô hào đồng hành.

“Đồng hành” hay “o ép”?

Bà Phượng, chủ một DN tại TP.HCM, kể câu chuyện bị hành: cơ quan thuế không chấp nhận tính lãi vay vào chi phí hợp lệ của DN vì tại thời điểm vay vốn DN vẫn còn tiền. Giải thích hết lời mà Chi cục Thuế Tân Bình vẫn không chấp nhận, DN phải “dọa” kiện mới được giải quyết. “Ngành thuế cứ nói đồng hành cùng DN nhưng thực tế DN như con cá nằm trên thớt, bị hành hạ hết cái này đến cái kia, thuế nói cái gì cũng không dám cãi. Cuối cùng thì DN tan tác luôn” – bà Phượng bức xúc.

Nhưng đó không phải là nạn nhân cá biệt bị cơ quan thuế hành. Đại diện Công ty thời trang và mỹ phẩm Duy Anh nói vừa qua DN xin hoàn thuế VAT 25 tỉ đồng, cơ quan thuế đã thanh tra hai đợt nhưng rốt cuộc không cho hoàn vì… hàng tồn kho nhiều quá.  “Công ty kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù, cần hàng trưng bày nhiều và cần lượng hàng có sẵn để đáp ứng nhu cầu đối tác. Việc lấy lý do hàng tồn kho nhiều để từ chối hoàn thuế cho DN là vô lý” – đại diện công ty này nói và đề nghị Bộ Tài chính có trả lời thỏa đáng để DN biết mà định hướng kinh doanh trong thời gian tới.

Đại diện Công ty Scavi Đồng Nai kể: tháng 7-2003 công ty được gia hạn 40 năm, tức đến năm 2028, cơ quan cấp phép đã chuẩn y nhưng quên ghi nhận ưu đãi 10% trong suốt dự án. Sai sót này dẫn đến năm 2006 Bộ Kế hoạch và đầu tư dựa vào giấy phép đó chỉ cho DN ưu đãi đến năm 2008. Dù DN đã làm hồ sơ giải trình, xin ý kiến nhưng chưa được các cơ quan có trách nhiệm giải đáp. “Những giấy phép đầu tư đã được cấp và những ưu đãi đã được ghi nhận thì ngành thuế có quyền bác bỏ hay không? Nếu vì một sai sót của cơ quan quản lý làm ảnh hưởng đến việc hưởng ưu đãi của DN thì DN có được quyền áp dụng hồi tố hay không?” – vị này đặt câu hỏi.

Kiểm tra là phải phạt?

Trả lời bà Phượng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định lãi vay chỉ không cho phép đưa vào chi phí khi DN chưa góp đủ vốn điều lệ chứ không có quy định nào ép DN còn tiền dư thì không tính lãi vay vào chi phí cho DN. Nhưng bà Phương đáp lại rằng khi làm việc với các chi cục thuế Q.Tân Bình, Bình Tân, cán bộ thuế còn bảo bây giờ là phải phạt DN mới được, vì “sếp em nói rồi, kiểm tra không phạt là không được”.

Trước bức xúc của DN, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận trên văn bản pháp luật không có quy định nhưng thực tế là có. Vì vậy, cần tăng cường đối thoại ở cấp chi cục. Cấp cục cũng cần lắng nghe phản hồi và khi có vấn đề thì phải tiếp thu, xử lý.

Về khiếu nại của Công ty Duy Anh, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói quy định không hoàn thuế với DN có hàng tồn kho cao, liên tục chỉ áp dụng từ năm 2014, do vậy cơ quan thuế đã kiểm tra thì phải chịu trách nhiệm hoàn thuế kịp thời cho DN. Nếu chậm trễ là phải tính lãi cho DN.

Mỗi nơi hướng dẫn một kiểu

Đại diện Công ty Minh Luận ở TP.HCM – chuyên nhập khẩu các loại máy kéo nông nghiệp đã qua sử dụng từ Nhật Bản về tân trang và xuất đi Nam Mỹ – cho biết trước khi làm thủ tục hải quan, DN đã làm công văn xin hướng dẫn loại hình nhập khẩu. Cục Giám sát và quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan hướng dẫn DN được nhập khẩu máy kéo đã qua sử dụng theo loại hình tạm nhập tái xuất.

Theo quy định, DN được hoàn thuế. Nhưng sau đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng thuộc Tổng cục Hải quan lại không cho hoàn. “Đây là sự không thống nhất giữa hai đơn vị trong cùng Tổng cục Hải quan nhưng DN lãnh hậu quả. Hàng đã về đến cảng 20 ngày nay nhưng công nhân công ty không có việc để làm, trong khi mỗi tháng chi phí hoạt động của công ty vào khoảng 500 triệu đồng” – đại diện công ty nói.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn trả lời luôn rằng ý kiến của Cục Giám sát và quản lý về hải quan là đúng và DN được hoàn thuế, đồng thời đề nghị Tổng cục Hải quan có công văn hướng dẫn luôn cho DN. Đây là loại hình tương đối mới, vấn đề đặt ra là khi tái xuất, khoản giá trị gia tăng của phần “tân trang” chiếc máy sẽ phải xử lý, tính toán lại.

Ông Nguyễn Văn Bé, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM, nói phần mềm hải quan điện tử là tốt nhưng đường truyền không đáp ứng được nghiệp vụ thông quan. Một DN của Nhật phản ảnh nhập dữ liệu định mức sản phẩm của đơn vị đầy đủ phải vào khoảng 45 triệu dòng. Đường truyền dữ liệu hiện nay mỗi ngày chỉ truyền được 30.000 dòng. Như vậy, DN phải mất vài năm mới truyền đủ dữ liệu và có thể xuất khẩu hàng.

Theo TTO

Bình luận