Doanh nghiệp “chết”: “Chôn” bằng… báo cáo hàng năm

Khoảng 140.000 DN được cho là mất tích, chết hoặc không hoạt động nhưng vẫn tồn tại trên danh nghĩa. Điều này có thể thấy, tình trạng hậu kiểm đối với các DN sau đăng kí kinh doanh (ĐKKD) vẫn còn nhiều kẽ hở.

 Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc số lượng DN ngừng kinh doanh, DN bỏ trốn, DN chờ giải thể khó kiểm soát
Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc số lượng DN ngừng kinh doanh, DN bỏ trốn, DN chờ giải thể khó kiểm soát

Theo kết quả rà soát của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2012 có gần 93.000 DN không thể xác minh được (trong đó, 60.454 DN được xác định là đã bỏ trốn hoặc mất tích). Tuy nhiên, con số này đã tăng lên khá nhanh trong mấy tháng đầu năm 2013.

Hậu kiểm yếu

Trái với việc gia nhập thị trường một cách dễ dàng thì khâu hậu kiểm lại đang khiến rất nhiều DN phải đau đầu. Bên cạnh đó, việc vi phạm của DN sau ĐKKD cũng trở nên phổ biến. Theo ông Lê Hồng Giang – Trưởng phòng ĐKKD (Sở KH-ĐT Quảng Ninh), phần lớn DN đã không thực hiện việc góp đủ vốn điều lệ như ĐKKD.

Rất nhiều DN đã không báo cáo về hoạt động kinh doanh, không hoạt động tại trụ sở, không ít DN không đủ điều kiện kinh doanh ở những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng vẫn hoạt động…

Cơ quan ĐKKD thì chỉ có thể kiểm tra một số lượng rất nhỏ. Ví dụ như công tác hậu kiểm tại tỉnh Quang Ninh, các cơ quan chức năng đã phối hợp đồng thời 3 hình thức hậu kiểm như: kiểm tra tại DN, kiểm tra tại chỗ và phối hợp thông tin kiểm tra cũng chỉ kiểm tra được 10% DN số DN có dấu hiệu vi phạm. Cơ quan ĐKKD chỉ còn biết trông chờ vào số liệu từ cơ quan thuế. Song, do chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đặc thù nên cơ quan thuế cũng chỉ có thể kiểm tra những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà mình quản lí.

Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc số lượng DN ngừng kinh doanh, DN bỏ trốn, DN chờ giải thể khó kiểm soát. Theo Tổng cục Thống kê, hết năm 2012 tổng số DN tồn tại về mặt pháp lý là trên 541.000. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 375.000 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh, 93.000 DN không thể xác minh được, gần 24.000 DN tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hơn 31.000 DN chờ giải thể.

Cần sửa Luật Đầu tư và Luật DN

Thực tế, việc xác định vốn điều lệ của DN còn nhiều điểm chồng chéo và bất cập. Có chỗ quy định vốn điều lệ bao gồm cả cổ phần dự kiến chào bán như Nghị định 102/2010. Như vậy, vốn điều lệ bao gồm cả tài sản hình thành trong tương lai. Nhưng DN bán được bao nhiêu và góp vốn thế nào thì không kiểm soát được.

Nhằm hạn chế vốn “khống” trong DN, bà Trần Thị Hiền – Trưởng phòng ĐKKD (Sở KH-ĐT Điện Biên) kiến nghị, Luật DN và văn bản hướng dẫn nên quy định, vốn điều lệ của Cty cổ phần chỉ bao gồm tổng giá trị của các cổ phần mà cổ đông đã góp hoặc cam kết góp trong thời gian nhất định. Cổ phần được quyền chào bán sẽ không được tính vào vốn điều lệ và không được ghi vào giấy chứng nhận ĐKKD.

Quy định về việc công bố quyết định giải thể DN theo Điều 158 Luật DN cũng được đề nghị sửa để cơ quan ĐKKD có cơ sở để thực hiện thủ tục giải thể DN. Quy định về việc báo cáo tình hình hoạt động của DN trong Luật DN cũng cần được cụ thể hoá như: báo cáo nội dung kinh doanh là những gì, thời hạn 12 tháng liên tục được hiểu thế nào?…

Theo ông John Bentley – Cố vấn pháp lí cấp cao của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), tình trạng DN chết đã gây cản trở cho các DN mới thành lập ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để xoá bỏ có hệ thống các DN “chết”, ông John Bentley kiến nghị, VN nên có quy định, yêu cầu các DN phải nộp báo cáo hàng năm xác nhận hoặc thông báo việc thay đổi các thông tin cơ bản.

Điều này vừa giúp công tác quản lí nhà nước vừa tạo cơ hội cho DN cập nhật thông tin. Nếu những DN nào không nộp báo cáo là những DN đã không còn hoạt động. Qua đó, cơ quan quản lí có thể thu hồi giấy chứng nhận đăng kí DN, xoá tên DN khỏi sổ đăng kí theo quy định của Luật DN.

Luật gia Cao Bá Khoát – GĐ Cty tư vấn KAC kiến nghị, cần bãi bỏ quy định “Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận ĐKKD” tại Điều 20 Luật DN để tránh sự chồng chéo và khó khăn cho DN khi thực hiện đầu tư. Bàn về hộ kinh doanh, ông Khoát cho rằng, tại sao hộ kinh doanh không được coi là DN? Tiêu chí nào để phân biệt hộ kinh doanh với DN tư nhân?…

Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc số lượng DN ngừng kinh doanh, DN bỏ trốn, DN chờ giải thể khó kiểm soát.

Ông Lê Xuân Hiền – Trưởng phòng ĐKKD (Sở KH-ĐT Hải Dương) cho rằng, Luật DN cần sửa theo hướng chuyển chi nhánh thành Cty, chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành DN. Ông Hiền cũng đề nghị sửa Luật theo hướng đơn giản hoá đến mức thấp nhất thủ tục giải thể và thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD.

Thực tế, chương trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ĐKKD đã đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh tại VN.
Trong đó, nổi bật là khung pháp lý về đăng ký DN đã được hoàn thiện nhằm đưa công tác đăng ký DN phát triển theo hướng thuận lợi, minh bạch và hiệu quả. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực ĐKKD của DN theo hướng ngày càng đơn giản và tiết kiệm cho DN.

Nghị định số 05/2013 mới đây của Chính phủ đã quy định việc tập trung đăng bố cáo thành lập DN tại cổng thông tin đăng kí DN quốc gia. Quy định này vừa đơn giản hoá thủ tục cho DN vừa tạo điều kiện để cộng đồng DN giám sát trách nhiệm công bố thông tin DN.

TS Edmund Malesky – Trưởng nhóm điều tra PCI 2012 đánh giá, qua chỉ số PCI, cải thiện lớn nhất thời gian qua là ĐKKD. Để ĐKKD trung bình chỉ cần bảy ngày. Chỉ khoảng 2% DN phải đợi hơn ba tháng để thực hiện bước này. ĐKKD là khâu gần như không còn không gian để cải thiện hơn.

Theo CAFEF

Bình luận