DN ngoại “đốt nóng” thị trường bưu chính Việt

Sự “lấn lướt” của các DN bưu chính nước ngoài ở mảng cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế đã gây áp lực cạnh tranh với DN bưu chính VN.

Sau nửa năm từ thời điểm thị trường chuyển phát VN mở cửa hoàn toàn, việc một số DN nước ngoài tiếp tục thăm dò thị trường, thậm chí là mua lại cổ phần của DN bưu chính trong nước cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng nặng hơn với DN bưu chính “nội”.

DN nước ngoài dần lấn lướt

Trong 20 năm qua, thị trường bưu chính chuyển phát VN đã chứng kiến sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các nhà khai thác dịch vụ bưu chính có mạng lưới toàn cầu, bao gồm TNT của Hà Lan, DHL của Đức và FedEx, UPS của Mỹ. Lần lượt góp mặt vào thị trường VN theo hình thức hợp tác với DN trong nước để mở đại lý thu gom, phát hàng từ đầu thập niên 1990, các DN bưu chính quốc tế này đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa định hướng đầu tư lâu dài tại VN. Cụ thể, năm 1995, TNT kết hợp với Viettrans cho ra đời công ty liên doanh đầu tiên tại thị trường VN trong lĩnh vực bưu chính. Năm 2007, DHL liên doanh với VNPT lập ra Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL-VNPT, với 51% cổ phần do DHL nắm giữ. Trong 2 năm 2009-2010, FedEx và UPS lần lượt kết thúc hợp đồng đại lý với VietnamPost để thực hiện những “toan tính” riêng tại thị trường VN, trong đó FedEx chọn cách “bắt tay” với một DN chuyển phát tư nhân; còn UPS hợp tác với VNPost Express lập Công ty UPS Việt Nam với 51% cổ phần thuộc về UPS.

Lãnh đạo các DN bưu chính trong nước đều thừa nhận, với kinh nghiệm, công nghệ và tiềm lực tài chính của mình, các nhà khai thác bưu chính toàn cầu đang tạo ra sức ép cạnh tranh vô cùng lớn với DN bưu chính “nội”. Sự “lấn lướt” của các DN bưu chính nước ngoài tại thị trường VN ngày càng rõ nét, nhất là ở mảng cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. Theo Sách Trắng CNTT&TT Việt Nam, về thị phần dịch vụ của các DN trên thị trường VN tính theo doanh thu, trong 2 năm 2009, 2010, tổng thị phần của 2 công ty liên doanh DHL-VNPT và TNT-Viettrans chiếm gần 26%. Tương ứng với đó, liên tiếp trong 3 năm từ 2008-2010, thị phần dịch vụ của DN trong nước dần bị thu hẹp, ví dụ như VNPost Express giảm từ hơn 16% (2008) xuống 12% (2009) và chiếm gần 10% tổng doanh thu toàn ngành vào năm 2010. Lãnh đạo 2 DN lớn trong ngành là VietnamPost, ViettelPost đều nhận định, dù lợi nhuận của các dịch vụ chuyển phát quốc tế cao hơn nhiều so với dịch vụ nội địa song sự tham gia của các DN nội vào chuyển phát quốc tế vẫn hạn chế. Một khó khăn lớn của DN bưu chính trong nước là việc kết nối ra quốc tế phụ thuộc rất lớn vào 4 nhà khai thác bưu chính có mạng lưới toàn cầu gồm TNT, UPS, DHL và FedEx.

Trao đổi với báo BĐVN, ông Lương Ngọc Hải – TGĐ ViettelPost cho biết, từ sau tháng 1/2012, mức độ tham gia mới của DN bưu chính nước ngoài vào thị trường VN sẽ không nhiều, bởi lẽ những DN bưu chính quốc tế quan tâm đến thị trường VN đều “góp mặt” từ giai đoạn trước. Đã có một số DN “ngoại” tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác, mua lại cổ phần của ViettelPost nhưng chưa thành công. Nguyên do là các đối tác nước ngoài muốn mua số lượng cổ phần chi phối trong khi ViettelPost dù tìm kiếm đối tác chiến lược “ngoại” nhưng vẫn định hướng sẽ nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối.

“Đại gia” bưu chính lo giữ khách hàng

Trong hơn 6 tháng qua, mặc dù mức độ cạnh tranh trên thị trường bưu chính chuyển phát chưa có nhiều biến động song việc thăm dò và tham gia thị trường VN của DN nước ngoài vẫn được triển khai. Cụ thể, đầu năm nay, Công ty Yamoto (Nhật Bản) đã sang tìm hiểu thị trường chuyển phát VN. Mới đây, Đại hội cổ đông bất thường của Công ty CP chuyển phát nhanh Tín Thành (TTC Express) đã họp, thông qua phương án chuyển nhượng 70% cổ phần của các cổ đông lớn cho 3 nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH một thành viên dịch vụ Gia Lý, Công ty KLN (Singapore) PTE.LTD và Công ty CP Kerry Intergrated Logistics của HongKong. Tín Thành đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để hợp thức hóa hoạt động chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông lớn cho những nhà đầu tư chiến lược này.

Giải đáp băn khoăn của phóng viên BĐVN về việc Tín Thành với sự trợ lực mạnh mẽ của các đối tác “ngoại” thời gian tới liệu có tạo áp lực lớn cho DN bưu chính trong nước bao gồm cả ViettelPost, ông Hải thẳng thắn: “Áp lực cũng như sự lo ngại bị giành giật khách hàng, thị phần là có. Tuy nhiên, chính áp lực đó cũng tạo động lực để ViettelPost quyết tâm giành và giữ khách hàng, thị phần dịch vụ của mình”. Lãnh đạo ViettelPost cho rằng, chất lượng và ứng dụng CNTT vẫn là vấn đề cần quan tâm hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN bưu chính “nội”. Ngoài ra, các DN bưu chính VN cần đoàn kết, cạnh tranh cùng phát triển, không chỉ nhằm hướng tới mục tiêu tăng uy tín, lợi nhuận cho DN mình mà nên tập trung cho sự phát triển của thương hiệu bưu chính VN.

Với VietnamPost-DN “anh cả” trong ngành bưu chính, đại diện DN này cho biết, đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường, từ sau khi tách ra hoạt động độc lập với viễn thông từ 2008 đến nay, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải thiện chất lượng dịch vụ, VietnamPost đã đa dạng hóa, làm mới các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách hàng. “Những giải pháp này sẽ được chúng tôi đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trên thị trường của VietnamPost, giúp “giữ chân” các khách hàng hiện có, đồng thời gia tăng thêm khách hàng, thị phần dịch vụ của DN”, vị này chia sẻ.

Theo ICTnews

Bình luận