Điện toán đám mây và những “cơn mưa” tiện ích.

– Từ khi con người bắt đầu kết nối với thế giới qua mạng Internet, những năm 90 của thế kỷ trước, hàng tỷ người đã tham gia kết nối trực tuyến với hàng tỷ thiết bị để thực hiện hàng ngàn tỷ giao dịch. Hiện nay, nỗi ngày có 15 petabyte dữ liệu được tạo ra (1 petabyte bằng một triệu tỷ byte), nhiều gấp 8 lần toàn bộ dữ liệu chứa trong tất cả các thư viện của Mỹ.

Điều đó đã bắt buộc các tổ chức phải sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực hiện có, làm giảm năng lượng tiêu hao và chi phí hoạt động, quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên và dịch vụ. Điện toán đám mây đang được coi là giải pháp tối ưu để quản lý kho dữ liệu khổng lồ một cách thông minh và hiệu quả

Có thể coi kỷ nguyên 2010 là kỷ nguyên chạy đua của các tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực điện toán đám mây. Ngay cả Tập đoàn Microsoft, với thế mạnh và hầu như chỉ phát triển phần mềm đóng gói, cũng đã bắt đầu quan tâm đến điện toán đám mây.

Trong chuyến thăm Việt Nam của mình, ông Steve Ballmer, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Microsoft cũng đã đề cập tầm nhìn của Microsoft về một tương lai với điện toán đám mây là trung tâm. Ông cho rằng điện toán đám mây sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam; đầu tư vào phần mềm mới sẽ thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, đem lại lợi ích nhiều hơn cho người sử dụng. Những người sáng tạo ra phần mềm, dữ liệu và nội dung khác sẽ có khả năng phân phối trên toàn cầu và kiếm tiền một cách dễ dàng hơn.

Người tiên phong

Tại Việt Nam, IBM là đã đưa điện toán đám mây vào triển khai, với những khách hàng tiên phong là các doanh nghiệp (DN) ở thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây từ năm 2008. Sau đó, Microsoft là một trong những “đại gia” tiếp bước điện toán đám mây ở thị trường Việt Nam, nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển thử nghiệm.

Theo Ông Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc công ty IBM Việt Nam: “Điện toán đám mây không còn là xu hướng mà là thực tế đang diễn ra. Có thể nói Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở ASEAN đưa vào sử dụng điện toán đám mây. Từ năm 2008 đến nay, ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến các dịch vụ điện toán đám mây của IBM”.

Phòng Nghiên cứu Điện toán Đám mây ở Việt Nam là một trong 13 trung tâm điện toán đám mây của IBM trên toàn thế giới, chứng tỏ sự đề cao của tập đoàn IBM đối với tầm nhìn về điện toán đám mây của các DN Việt Nam. Ngoài một danh mục toàn diện các hệ thống, dịch vụ và phần mềm, IBM đang phát triển điện toán đám mây thành một trong những dịch vụ chủ chốt của tập đoàn, và đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang điện toán đám mây trong nhiều năm qua.

Các công nghệ nền tảng của điện toán đám mây đều do IBM phát minh ra và hiện đang do IBM dẫn đầu thị trường như: ảo hóa, tự động hóa, các tiêu chuẩn mở và điện toán trên nền tảng Web. Bên cạnh những công nghệ đã qua kiểm chứng thực tế, IBM cũng đang tận dụng bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn đối với từng ngành cụ thể để đưa ra những giải pháp dịch vụ vừa thiết thực, vừa bảo mật, nhằm giúp DN tận dụng được những ưu thế của mô hình điện toán mới này.

Ở lĩnh vực viễn thông trong nước, IBM đang cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho các khu công nghiệp, trong đó có Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT). Đối với mảng chính phủ điện tử, IBM đã xây dựng một nền tảng điện toán đám mây mới giúp hợp nhất toàn bộ các dữ liệu của Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tại Công viên Phần mềm Quang Trung.

Tiết kiệm và hiệu quả

Các công ty không có một cơ sở hạ tầng thông tin năng động sẽ phải bỏ ra chi phí hoạt động CNTT cao hơn và đối diện nhiều hơn với những rủi ro kinh doanh. Do đó, các DN đều muốn chuyển chi phí đầu tư cho CNTT thành chi phí vận hành. Điều này giúp DN quản lý nguồn tiền linh hoạt và hiệu quả hơn rất nhiều.

Với điện toán đám mây, thay vì phải chi phí ngay từ đầu một khoản tiền lớn để mua cả một hệ thống phần cứng, phần mềm, mất thời gian để lắp đặt, chạy thử, đào tạo nhân lực để vận hành hệ thống đó, DN có thể mua dịch vụ và được cung cấp ngay lập tức mà chỉ phải trả những khoản chi phí vừa phải theo định kỳ giống như trả tiền điện, tiền nước.

Đặc biệt, với việc ngày càng phải tuân thủ nghiêm luật sở hữu trí tuệ, nếu phải đầu tư một hệ thống riêng, các DN phải trả một khoản tiền lớn để mua bản quyền phần mềm, có khi còn nhiều hơn cả tiền mua phần cứng của hệ thống. Với điện toán đám mây, người sử dụng không nhất thiết phải mua phần mềm cài trên máy tính cá nhân mà hoàn toàn có thể sử dụng nó trên môi trường mạng thông qua những dịch vụ với mức giá rất rẻ.

Dễ dàng lựa chọn nhà cung cấp và triển khai ứng dụng

Mọi ứng dụng đều có thể được triển khai như một dịch vụ với giá rẻ trên nền tảng điện toán đám mây. Một trung tâm các ứng dụng (và các dịch vụ) trực tuyến có tên gọi “Blue Central” đang được IBM xây dựng thành nền tảng cung cấp các dịch vụ và giải pháp. Trung tâm này hỗ trợ việc tải xuống các ứng dụng đã được tích hợp sẵn cũng như hỗ trợ khả năng truy cập các giải pháp và ứng dụng trực tuyến, phần mềm được cung cấp dưới dạng dịch vụ (SaaS).

Khách hàng có thể lựa chọn ứng dụng từ hơn 130 nhà cung cấp giải pháp phần mềm độc lập (ISV) thông qua “Blue Central”. Từ đây, các yêu cầu đối với phần cứng và phần mềm cho các ứng dụng đã được lựa chọn sẽ được tự động xác định, đóng gói sẵn thành một hệ thống và giao tận nơi cho khách hàng để sử dụng ngay. Với hệ thống Blue Central, IBM đang tạo nên một cộng đồng cung cấp phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) cho các đối tác quan tâm tới các hoạt động giáo dục, đào tạo và hợp tác liên quan tới SaaS. Hiện có hơn 3,000 ISV toàn cầu đang tham gia vào cộng đồng SaaS.

Điện toán đám mây đang tạo cơ hội cho các DN hoạt động hiệu quả, thông minh và tiết kiệm chi phí hơn. Các DN Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để sử dụng những tiện ích này. Vấn đề là bản lĩnh của DN có dám ứng dụng công nghệ mới vào quản lý điều hành sản xuất kinh doanh hay không mà thôi.

(Theo ictexpress.com)

Bình luận