Dự án CNTT có vốn ngân sách đang bị “đóng băng”

“Những bất cập về quy trình thực hiện dự án đầu tư ứng dụng CNTT đã khiến các dự án có vốn ngân sách Nhà nước gần như bị đóng băng”, ông Dương Dũng Triều – Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT – FPT IS (thuộc Tập đoàn FPT) nhận định.

Ông Dương Dũng Triều – Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT – FPT IS.

“Đất màu” nhưng ít cơ hội “canh tác”

Nhiều ý kiến từ cộng đồng CNTT-TT Việt Nam đã phản ánh hiện trạng Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm chi tiêu công và Nghị định 102/2009/NĐ–CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai các dự án CNTT nói chung và dự án CNTT khối Chính phủ nói riêng.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Dương Dũng Triều cho biết: “Từ tháng 10/2011, Việt Nam hầu như không có dự án tích hợp nào từ vốn ngân sách được ký, do ảnh hưởng từ quy trình đầu tư phức tạp của Nghị định 102. Không chỉ FPT IS vướng Nghị định 102 mà rất nhiều doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực cũng gặp khó khăn tương tự. Dù kinh phí đã được cấp cho nhiều nhà đầu tư song lại không có dự án CNTT nào được triển khai. Những bất cập về quy trình thực hiện dự án đầu tư ứng dụng CNTT đã khiến các dự án có vốn Nhà nước gần như bị đóng băng”.

Về lý thuyết và theo kinh nghiệm quốc tế, các dự án CNTT khối Chính phủ thường là dự án “nặng ký” bởi quy mô triển khai rất lớn, đồng nghĩa giá trị dự án cũng thuộc diện “khủng”. Đối với các doanh nghiệp CNTT-TT, khối Chính phủ được ví như một “mảnh đất màu mỡ” mà nếu có cơ hội canh tác thì không khó để “phất” lên, vượt trội về ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu như các dự án mua sắm và triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước được tiến hành một cách nhỏ lẻ, mỗi đơn vị đảm nhiệm một khâu khiến cho khả năng tích hợp để vận hành hệ thống gặp nhiều khó khăn. “Trừ một số đơn vị lớn đã có lịch sử triển khai các dự án CNTT lâu dài, còn lại đa phần các dự án đều chưa đạt hiệu quả. Vì thế, phải thay đổi bước tiếp cận của các cơ quan Chính phủ, Nhà nước về việc đầu tư một cách tổng thể và triển khai phối hợp theo từng giai đoạn cho các dự án CNTT”, ông Triều đề xuất.

Song song với việc “kêu than”, các doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam đã chủ động “chung sức” với cơ quan quản lý Nhà nước để tháo gỡ khó khăn. Điển hình như với Nghị định 102 trên (từng được nhiều doanh nghiệp ví là “Nghị định có một không hai” vì quá khó áp dụng), các doanh nghiệp và đơn vị ứng dụng CNTT đã đầu tư thời gian phân tích từng nội dung trong Nghị định 102 và kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ từng “nút thắt”.

Doanh nghiệp đề xuất PPP

Những chia sẻ của ông Dương Dũng Triều phần nào cho thấy để kiếm được dự án CNTT của khu vực công không phải chuyện đơn giản đối với doanh nghiệp CNTT. Song “cái khó” không thể bó “cái khôn”, các doanh nghiệp không dễ dàng “bỏ cuộc chơi” này.

Đơn cử với FPT IS, một “đại gia” trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam, để tiếp tục phát triển không ngừng, doanh nghiệp đã xác định những hướng đi khả quan bằng cách tiếp cận tới nhu cầu của các địa phương. Riêng giải pháp Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử FPT.eGOV đã và đang được vận hành hiệu quả tại 539 cơ quan Nhà nước ở 21/62 tỉnh thành. Sản phẩm được UBND TP.HCM lựa chọn là Sản phẩm tiêu biểu đối với sự phát triển CNTT-TT của thành phố năm 2011, góp phần đưa thành phố trở thành địa phương dẫn đầu về chỉ số ứng dụng ICT toàn quốc. Mới đây, FPT IS vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Quảng Ninh về phát triển CNTT – Viễn thông giai đoạn 2012-2015 với những nội dung hợp tác về Chính quyền điện tử, Thuế điện tử, Hải quan điện tử, Y tế điện tử. FPT IS còn kỳ vọng tiếp cận với khách hàng ở nước ngoài bằng việc tham gia các gói thầu liên quan đến FPT.eGOV cho một số nước trong khu vực.

FPT IS cũng tập trung vào năng lực và kinh nghiệm tư vấn các dự án tổng thể, đóng gói sản phẩm theo công nghệ mới hoàn chỉnh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của từng đơn vị.

Đặc biệt, FPT rất chú trọng tìm hiểu và nghiên cứu phương thức triển khai dự án ứng dụng CNTT theo các mô hình hợp tác công tư PPP, hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh (BTO) hay gia công xuất khẩu phần mềm (IT outsourcing) nhằm đưa ra nhiều lựa chọn cho các cơ quan Nhà nước, Chính phủ khi tìm kiếm một nguồn vốn đầu tư phù hợp. “Một khi CNTT được xác định là “một trong bốn hạ tầng của hạ tầng quốc gia” thì đây hoàn toàn là hướng đi khả thi để triển khai và kiểm soát hiệu quả từ các dự án ứng dụng CNTT khối Chính phủ”, ông Dương Dũng Triều khẳng định.

Theo ICTnews

Bình luận