Dấu hiệu phục hồi từ các nước phát triển

Theo báo cáo hàng tháng mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các chỉ số tổng hợp hàng đầu (CLI) cho thấy dấu hiệu phục hồi dần trong tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế lớn, với Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu về sự tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này được dự báo là không kéo dài, cùng với việc các nước mới nổi ngày càng khẳng định vai trò của mình.

CLI cho thấy tăng trưởng của các nền kinh tế thuộc OECD, Khu vực sử dụng đồng euro, 7 nền kinh tế lớn của thế giới và 5 nền kinh tế lớn ở châu Á tăng 0,1 điểm phần trăm.

Cụ thể, CLI chỉ ra rằng kinh tế Mỹ và Nhật Bản tăng trưởng ổn định, kinh tế Đức tăng trưởng trở lại, kinh tế Italy có sự thay đổi tích cực trong đà tăng trưởng.

Trong khi đó, kinh tế Pháp không có dấu hiệu thay đổi nào, kinh tế Anh và Canada tăng trưởng gần sát với xu thế chung.

Xu hướng chậm lại của tăng trưởng toàn cầu

Với các nền kinh tế nằm ngoài OECD, CLI cho thấy kinh tế Nga đang mất động lực tăng trưởng, trong lúc kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng dưới xu hướng chung. Còn kinh tế Trung Quốc và Brazil tăng trưởng theo xu hướng chung.

Bên cạnh đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, kinh tế toàn cầu đang phục hồi, nhưng sự phục hồi này không diễn ra giống như trong quá khứ và các nền kinh tế đang nổi tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh sẽ sớm kiểm soát 50% nền kinh tế thế giới, tăng so với mức hơn 30% hiện nay.

Phát biểu tại Hội nghị kinh tế Montreal diễn ra ngày 10/6 tại thành phố Montreal (Canada), nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Scotiabank, ông Warren Jestin, nhấn mạnh kinh tế Mỹ đang phục hồi chậm chạp và đạt mức tăng trưởng khoảng 2%, nhưng châu Âu sẽ không sớm thoát khỏi suy giảm kinh tế.

Theo ông Jestin, châu Âu đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và triển vọng sáng nhất là sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 1% trong vòng 5 năm tới.

Giám đốc phụ trách danh mục đầu tư tại quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO, ông Saumil Parikh, nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, lạm phát được kiềm chế và biến động kinh tế sẽ tăng lên.

“Kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái 6 năm 1 lần và tần suất lặp lại suy thoái có xu hướng tăng khi tình trạng vay nợ có xu hướng từ mức cao tụt xuống thay vì từ dưới thấp tăng lên”, ông Parikh nói. (Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây nhất là vào năm 2008, cách đây 3 năm).

Do đó, PIMCO khuyến cáo nhà đầu tư nên giảm dần rủi ro nắm giữ trái phiếu khi kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái trong vòng 3-5 năm tới. Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành PIMCO, ông Bill Gross, tuần trước trả lời phỏng vấn Bloomberg TV cho biết, quỹ này sẽ tiếp tục đầu tư vào các trái phiếu chất lượng cao trong bối cảnh thị trường trái phiếu toàn cầu tồi tệ nhất 9 năm khi nhà đầu tư bán tháo do đồn đoán các ngân hàng trung ương giảm dần chương trình mua trái phiếu.

Vị thế các nước mới nổi tăng lên

Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển sẽ cao gấp 2-3 lần so với các nước phát triển và đến năm 2020, các nền kinh tế đang nổi sẽ trở thành động lực kinh tế toàn cầu. Những người thắng trong tương lai sẽ là những doanh nghiệp ít tập trung vào Mỹ và châu Âu hơn.

Trước đó, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng các nước đang phát triển sẽ tăng gấp 3 tỷ trọng trong tổng đầu tư toàn cầu lên 60% vào năm 2030. Báo cáo trên dự đoán 50% nguồn vốn toàn cầu sẽ ở các nước đang phát triển, so với mức không đầy 33% hiện nay.

Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 30% tổng đầu tư toàn cầu, trong khi ba nền kinh tế khác thuộc nhóm BRICS là Brazil, Ấn Độ và Nga cũng chiếm hơn 13% con số này.

Sự chuyển đổi trong việc phân bổ dự trữ vốn toàn cầu phù hợp với mức tăng tương ứng về tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước đang phát triển trong tổng GDP của thế giới.

Hiện tại, xấp xỉ 70% tổng GDP toàn cầu thuộc về các nước có thu nhập cao, và tỷ trọng này sẽ giảm xuống khoảng 50% vào năm 2030.

Cũng theo báo cáo trên, đến năm 2030, các nước đang phát triển sẽ đóng góp phần lớn cho tăng trưởng toàn cầu và chiếm hơn 50% thương mại toàn cầu vào năm 2030. Báo cáo này cho thấy vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển trong nền kinh tế thế giới.

Theo TBKD

Bình luận