Đến ra chính sách cũng… lãng phí

“Một chính sách không khả thi thậm chí còn gây cản trở cho phát triển“, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách QH nói.

Gây cản trở

Tham gia đoàn giám sát của Quốc hội vừa qua về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công, ông thấy tình trạng lãng phí xảy ra phổ biến nhất ở những khâu nào?

– Lãng phí thứ nhất là từ khâu ban hành chính sách, thể chế. Một chính sách được ban hành không có tính khả thi thậm chí còn gây cản trở cho quá trình phát triển.

lãng phí, Quốc hội, đầu tư công, đi họp nước ngoài, chi sai nguyên tắc, minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu
ĐBQH Lê Thanh Vân: “Tất cả xuất phát từ tâm lý: của chung”. Ảnh: Lê Anh Dũng

Loại lãng phí thứ hai là lãng phí thời gian áp dụng các quy định.

Có quy định lẽ ra phải áp dụng sớm vì những mối quan hệ xã hội đòi hỏi phải xử lí ngay. Nhưng do chúng ta chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, hoặc chậm triển khai vào cuộc sống, dẫn đến sự lãng phí đáng kể. Các dự án treo “nhan nhản” trong lĩnh vực quy hoạch chẳng hạn.

Nói chung, bức tranh lãng phí muôn hình vạn trạng. Muốn kiểm soát nó cần bắt đầu từ chính ý thức của mỗi người, khi nhận thấy lãng phí phải có phương án đối phó ngay.

Vậy còn trong các cơ quan nhà nước, tình trạng lãng phí diễn ra nhiều nhất ở lĩnh vực nào?

– Tại các cơ quan nhà nước, tình trạng lãng phí trong chi tiêu được nhắc đến nhiều nhất là đi công tác nước ngoài, hội họp, sử dụng công quỹ sai mục đích… Tuy nhiên, hiện tượng lãng phí phổ biến nhất lại nằm ở các hoạt động có tính chất hành chính.

Yếu tố chi phối lớn nhất đến hoạt động của bộ máy hành chính là xây dựng chương trình công tác sao cho chuẩn xác, suôn sẻ. Khâu này chỉ cần sai lệch một li cũng có thể khiến cả bộ máy vận hành sai. Đó là sự lãng phí.

Loại lãng phí thứ hai là tình trạng “thừa khâu” trong quy trình công tác, họa động, gây thiệt hại thời gian, nhân lực.

Chẳng hạn, thường ở các cơ quan nhà nước, một chỉ thị, mệnh lệnh thay vì được truyền đạt trực tiếp từ thủ trưởng đến người thừa hành, thì lâu nay lại phải qua một khâu trung gian là cấp phòng, vụ.

Chuyện sửa văn bản cũng vậy. Một văn bản được ban hành nhẽ ra chỉ cần được lãnh đạo đồng ý hoặc phản đối. Song thực ra quy trình duyệt lại hết sức nhiêu khê. Cấp chuyên viên từ văn phòng phải trình lên vụ, vụ trình lên bộ…

Hai vấn đề tôi nói ở trên xuất phát từ tính chuyên nghiệp của bộ máy. Quy trình xây dựng tốt phải có đội ngũ công chức chuyên nghiệp vận hành cho khớp, nếu không cũng thành bất ổn.

“Cái này là của chung”

Vậy còn những hiện tượng lãng phí khổng lồ khác trong sử dụng công sản như mua sắm, đấu thầu thiết bị, đất đai, đầu tư sai mục đích… mà như dân gian hay gọi là tình trạng “cha chung không ai khóc”?

– Tất cả xuất phát từ tâm lý “của này là của chung”.

Tôi chỉ nói đơn giản từ những chuyện rất nhỏ. Chẳng hạn, khi tổ chức hội nghị, người ta vẫn thường phải mời cả những người không phù hợp lắm, vì quy tắc xã giao kiểu có đi có lại. Rồi trong việc lên kế hoạch, số tiền đáng lẽ dùng việc này lại chuyển sang mục đích khác. Tóm lại, không ai có ý thức tiết kiệm.

Thưa ông, để triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, người đứng đầu có vai trò quyết định. Nhưng có một thực tế được Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ ra là, rất nhiều người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước lại mạnh tay duyệt chi, hào phóng sử dụng công quỹ để lấy lòng và được tiếng là thoáng? Ông nghĩ gì về hiện tượng này?

– Đây là một thực tế khá phổ biến. Nói cho cùng, nguyên do xuất phát từ việc thu nhập của cán bộ công chức trong bộ máy chưa đáp ứng được nhu cầu tái tạo và nuôi dưỡng sức lao động. Vì thế họ tìm cách “cải thiện” từ chính nguồn công quỹ.

Không dễ một sớm một chiều loại bỏ hiện tượng này, mà phải tiến hành bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Trước hết, phải thay đổi bằng công cụ góp ý, phê bình của tổ chức, để răn đe hành vi lạm dụng của công nhằm tư lợi. Thứ hai, dùng cơ chế tài chính minh bạch góp phần cải thiện thu nhập cho cán bộ công chức để ngăn chặn tình trạng lạm dụng công quỹ.

Ví dụ, cơ quan Quốc hội gần đây có chủ trương khoán tiền họp cho bộ máy giúp việc. Theo tôi, đây là một cách tiếp cận công việc minh bạch, công khai, chống lãng phí, đồng thời giúp quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu khi cơ quan kiểm toán “sờ” đến các khoản chi tiêu công.

Với những bất cập như tôi nói ở trên, thì trong lần sửa Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này, chúng ta phải đưa ra một khuôn khổ pháp lí bao gồm các quy tắc xử sự như một mẫu mực chung cho tất cả mọi hành vi, bao quát từ khu vực công đến khu vực tư.

Vậy dự án luật đã đạt được mục tiêu chưa thưa ông?

– Tuy dự thảo luật lần này đã cụ thể hóa hơn các quan hệ pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhưng theo tôi vẫn chưa đạt mục tiêu. Chúng ta đều biết, nếu sa đà vào cụ thể, luật sẽ mất tính bao quát, toàn diện cần có. Phạm vi điều chỉnh càng rộng thì càng phải khái quát để làm sao các quy định của luật phải thực sự là quy tắc chuẩn mực để cả xã hội noi theo.

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần điều chỉnh ba lĩnh vực sau: chi tiêu ngân sách nhà nước hay gọi là chi tiêu công; việc sử dụng tài nguyên đất nước và thứ ba là các quan hệ khác, có thể là của một tổ chức, cơ quan và đặc biệt là từng cá nhân.

Cùng với đó là ba phương pháp điều chỉnh hành vi của ba nhóm đối tượng liên quan.

Với nhóm thứ nhất, phải duy trì kỷ luật, kỉ cương nhà nước, thậm chí có thể thiên về biện pháp hành chính, hay cưỡng bức để buộc phải tuân theo.

Với nhóm hai, cần phân hóa ra đâu là khu vực nhà nước, đâu là khu vực tư nhân. Biện pháp điều chỉnh có thể vẫn phải áp dụng hình thức cưỡng bức, để bảo đảm tài nguyên quốc gia không bị sử dụng vô tội vạ.

Còn với nhóm đối tượng thứ ba, phải vận động thuyết phục vì đây là hành vi lãng phí ngoài xã hội, không liên quan đến lạm dụng tài sản công hay tài nguyên quốc gia.

Rõ ràng chỉ khi phân biệt được các phạm vi đối tượng và đưa ra phương pháp xử lý tương ứng,  mới xây dựng được khuôn khổ chung mẫu mực, trở thành quy tắc ứng xử cho mọi hành vi.

Hôm nay (18/6), QH thảo luận tại Hội trường về Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp.
Bình luận