Đằng sau sự hào nhoáng

Chương trình The Voice Kids – Giọng hát Việt nhí 2013 đã kết thúc vào ngày 7/9. Tuy nhiên, trước khi cuộc thi kết thúc mấy ngày, câu chuyện “Tôi đưa con đi thi The Voice Kids” của anh Lương Quốc Thái, bố của thí sinh Lương Thùy Mai (đội huấn luyện viên Thanh Bùi), ghi chép tỉ mỉ từ chuyện ăn, ở, ngủ tới việc luyện thanh, biểu diễn, đi làm từ thiện của các thí sinh nhí đã khiến dư luận “dậy sóng”.

Hành trình của hai cha con anh Thái kéo dài gần ba tháng cùng khoản tiền trên 50 triệu đồng để hai bố con lặn lội từ Hà Nội vào TP.HCM cho khán giả thấy được những hình ảnh nấu cơm, giặt đồ trong khách sạn, hay cảnh hai bố con ngủ cùng phòng với… hai mẹ con một thí sinh khác!

Một phần vì đã lỡ “leo lên lưng cọp”, nhưng phần khác cũng do phụ huynh muốn con được nổi tiếng nên chấp nhận tất cả những khó khăn lẫn thiếu thốn để có những hình ảnh hào nhoáng, lung linh trên truyền hình.

Với riêng trường hợp của anh Thái, khi Thùy Mai càng vào sâu các vòng thi thì ngoài niềm vui là biết bao lo toan trĩu nặng khi anh hằng ngày phải bỏ công việc, còn con bỏ học để đi thi.

Bên cạnh đó là khoản chi phí cho tiền taxi đi lại, ăn uống, thuê phòng ở… lên đến vài chục triệu đồng. Đặc biệt, khi con gái của anh mệt mỏi, muốn bỏ cuộc thì cũng không thể bởi những ràng buộc của hợp đồng đã ký từ trước đó.

Câu chuyện của anh Thái khiến khán giả nhớ tới chuyện hậu trường của Đồ rê mí năm ngoái khi ca sĩ Thái Thùy Linh, một trong ba vị giám khảo của chương trình, đã chia sẻ rất chi tiết về sự vất vả của các em. Nhiều em bơ phờ vì đói và mệt nhưng vẫn phải diễn trước ống kính để đảm bảo tiến độ của chương trình.

Không chỉ với phụ huynh, với những tâm hồn thơ trẻ của thí sinh, quy định “3 loại 2 lấy 1” ở vòng Đối đầu đã cho thấy sự khốc liệt của nó. Càng vào trong, các em tiếp tục trải qua những cuộc sàng lọc đẫm nước mắt của những em thua cuộc dù rằng mới phút trước vẫn nhận được rất nhiều lời khen từ Ban giám khảo.

Một thực tế không thể phủ nhận là hiện tại, các gameshow truyền hình thực tế đều là kinh doanh, nên việc quan tâm đến cuộc sống của các thí sinh không phải là tiêu chí đầu tiên, mà là giờ phát sóng, tỷ lệ người xem, số lượng quảng cáo…

Và để đảm đảo được những yếu tố này, nhà sản xuất luôn có hợp đồng mà theo anh Quốc Thái thì “chẳng có điều khoản nào có lợi cho bên B (bên thí sinh) cả”.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phòng tư vấn Tâm lý Gia đình & Trẻ em TP.HCM: Không nên đặt nặng tinh thần thắng thua

Việc áp đặt mục đích, của người lớn lên trẻ em trong những cuộc thi truyền hình thực tế vừa gây ra những hậu quả tức thời khiến trẻ cảm thấy ức chế, vừa đưa đến những tổn thương sau này về tâm lý. Hậu quả lớn nhất là khiến trẻ có những nhận thức lệch lạc về năng lực và giá trị sống cho bản thân.

Với những trẻ chiến thắng sẽ nảy sinh tâm lý tự mãn, kiêu ngạo; còn những trẻ thất bại, thua kém bạn bè sẽ nảy sinh tâm lý thất vọng về bản thân, tự ti, chán nản. Nhưng nguy hại nhất là hình thành tính ăn thua nơi trẻ, khiến trẻ ganh tỵ và bon chen trong mọi vấn đề cần có sự thi đua sau này.

Theo DNSG

Bình luận