Đầu tư đa ngành: Lợi và hại

Sau khi kinh doanh thành công trong lĩnh vực cốt lõi, nhiều doanh nghiệp thừa thắng xông lên, lao vào đầu tư đa ngành. Quả ngọt chưa thấy đâu, nhiều doanh nghiệp đã phải ôm trái đắng thua lỗ, làm ăn kinh doanh thất bại. Cuối cùng nhiều đại gia tuyên bố rút lui, không đầu tư dàn trải, bán hết thậm chí là “đại phẫu thuật”, để quay lại lĩnh vực kinh doanh cốt lõi trước đây.

Cuộc đại phẫu thuật bắt đầu từ những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, những công ty đại chúng và doanh nghiệp nhà nước. Theo các chuyên gia, đa ngành không phải lúc nào cũng là tồi mà đôi khi với ý tưởng tốt, có thể tạo được lợi thế nhờ quy mô lớn. Đa ngành có thể tạo ra chuỗi giá trị, tức là liên kết dọc, nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư.

Tháo chạy khỏi đa ngành

Tuy nhiên, đa ngành cũng mang lại nhiều điều bất lợi khi đầu tư vào lĩnh vực mới, năng lực quản trị không theo kịp sự bành trướng của các doanh nghiệp dẫn đến không thể quản lý chi phí. Hơn nữa, khi quá tham lam lao vào lĩnh vực nóng mà mình ít hiểu biết, thì rủi ro rất cao, thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Cho nên, hàng loạt đại gia giàu lên từ những trọc phú, tay ngang đã đâm đầu vào lĩnh vực hái ra tiền như bất động sản (BĐS), tài chính, chứng khoán, ngân hàng… để rồi “chết chùm” không thể dứt ra được.

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) được gọi là tập đoàn đầu tư đa ngành đang được niêm yết trên sàn chứng khoán. Chủ tịch của HAG là ông Đoàn Nguyên Đức, từng mong muốn trở thành tỷ phú USD nhờ đầu tư đa ngành. Tuy nhiên, trong buổi tiếp xúc nhà đầu tư (NĐT), chiến lược của HAG đã có nhiều thay đổi khi rũ bỏ một nửa các lĩnh vực hoạt động hiện tại.

HAG sẽ tái cấu trúc mạnh mẽ chỉ tập trung vào ngành chính là nông nghiệp và BĐS. Trong đó, nông nghiệp bao gồm: mía đường, cao su và cọ dầu; BĐS chủ lực là dự án ở Myanmar.

HAG quyết định bán các dự án thủy điện ở Việt Nam; thu hẹp dần hoạt động khoáng sản và sau đó bán đi; bán cổ phần ngành gỗ đá cho người lao động. Chiến lược đa ngành đã có nhiều thay đổi khi thủy điện từng được xác định là chủ lực, nên mặc dù đang có lợi nhuận nhưng chi phí vốn lớn nên tỷ suất lợi nhuận không cao buộc HAG bán hết.

 

 

Mai Linh đã trở lại tập trung hoàn toàn cho kinh doanh taxi

BĐS ở Việt Nam thì co gọn, liên tục hạ giá chuyển cho công ty con, ngành gỗ HAG sẽ chỉ giữ lại khoảng 20%. HAG đã chuyển hướng đầu tư rất lớn cho cao su, mía đường và dự án BĐS khổng lồ ở Myanmar.

Các lĩnh vực mà HAG đầu tư vẫn sinh lời nhưng mấu chốt có lẽ là nợ và nợ. Hiện tổng nợ phải trả của HAG tới cuối quý II/2013 lên tới gần 19.400 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 9.300 tỷ đồng. Nợ nhiều, các dự án lại cần vốn quá lớn và độ an toàn tài chính doanh nghiệp kém đi khiến HAG phải cơ cấu lại.

Một đại gia khác là ông Đặng Thành Tâm từng là những doanh nghiệp hàng đầu trong việc phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư. Sau khi lao vào đầu tư tài chính, ngân hàng, viễn thông thua lỗ nặng, ông Tâm từng thốt lên “tôi sợ lắm rồi” đành phải thoái vốn khỏi ngân hàng và tập trung vào thế mạnh phát triển khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư.

Đại gia cũng “chết”!

Mai Linh từng mong muốn trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực vận tải taxi. Sau đó, Mai Linh đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nhưng đã vướng vào nợ nần chồng chất, thua lỗ triền miên khiến lãnh đạo tập đoàn lãnh đủ hậu quả.

Năm 2013, Mai Linh trở lại tập trung hoàn toàn cho kinh doanh taxi cùng với các dịch vụ bảo trì và các hoạt động thương mại, thay vì hàng chục ngành nghề kinh doanh ở hầu khắp các tỉnh thành như trước đó.

Trước nguy cơ đầu tư đa ngành thiếu hiệu quả và thua lỗ, các đại gia phải cơ cấu lại chiến lược của mình là không thể quá tham lam được. Rất nhiều doanh nghiệp nổi tiếng khác cũng đã từng rơi vào tình trạng điêu đứng do dính vào đa ngành, quên mất trọng tâm kinh doanh của mình như: Vinamilk, Hanoimilk, Trường Hải, PVX, KDC…

Hội chứng “bỏ hết” đang lan rộng trong cộng đồng doanh nhân khi nền kinh tế liên tục rơi vào khó khăn, thị trường và giá trị các tài sản xẹp xuống và việc vay vốn không còn dễ dàng nữa. Kinh Đô (KDC) đã nhanh chóng rút khỏi đầu tư tài chính, địa ốc để quay về với ngành nghề bánh kẹo dù chấp nhận lỗ so với khoản đầu tư bỏ ra.

Gemadept (GMD) cũng đã nếm trái đắng của đầu tư đa ngành và cũng đã chuyển đổi khá mạnh mẽ, tập trung nguồn lực vào hoạt động truyền thống và cốt lõi, giao nhận và vận tải. GMD đã thu hẹp và chấm dứt hàng loạt các hoạt động kém hiệu như đầu tư tài chính, chứng khoán… nhưng vẫn tính tới chuyện đi trồng cao su?

Hàng loạt các tên tuổi lớn đã tháo chạy khỏi những lĩnh vực đầu tư “nghìn tỷ” như cảng biển, thủy điện như Đồng Tâm, Hoàng Anh Gia Lai, Tôn Hoa Sen… Bitas là doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực giày dép, nhưng cũng rất “tâm huyết” với dự án cảng nước sâu Kê Gà. Sau khi dự toán mức đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng và phải đến 30 năm mới thu hồi được vốn, Bitas đã quyết định buông dự án. Bitas đã tiêu hao rất lớn về công sức, tiền bạc khi đã bỏ ra chi phí để lập dự án này.

Làn sóng trút bỏ bớt những lĩnh vực không phải thế mạnh, ngốn nhiều tiền và dẫn tới nợ nần chồng chất, chứa đựng rủi ro cao… đã diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Đây là một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang vận động theo quy luật của thị trường. Đó là sự sinh tồn của doanh nghiệp và sự hiệu quả của đồng vốn sẽ quyết định.

Mỗi doanh nghiệp tự tái cơ cấu, tập trung vào thế mạnh, vào lợi thế cạnh tranh của mình sẽ góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế.

Theo TBKD

Bình luận