Công nghệ di động là tương lai của ngành bán lẻ

Các chuyên gia kinh tế từng nhận định rằng kinh tế khó khăn là bài kiểm tra khắc nghiệt “sức khỏe” của doanh nghiệp ngành bán lẻ. Và câu chuyện này không chỉ diễn ra ở Việt Nam hay ở một vài nền kinh tế mà phổ biến trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, cuộc cách mạng công nghệ di động – được dẫn đầu bởi điện thoại thông minh và các phần mềm ứng dụng – đang góp phần thúc đẩy hoạt động mua sắm. Nó tạo ra sự chuyển hướng căn bản trong mối quan hệ tương tác giữa thương hiệu hàng hóa, người tiêu dùng và nhà bán lẻ.

Khi người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động và phần mềm ứng dụng của chúng để tìm kiếm, truy cập, so sánh và mua sắm hàng hóa thì giải pháp di động đang trở thành một kênh kinh doanh quan trọng cho ngành bán lẻ. Các nhà bán lẻ đang cố gắng thích nghi và nắm bắt cơ hội từ khuynh hướng mua sắm thông qua công nghệ di động của các khách hàng. Không chỉ tích cực giới thiệu các catalogue hàng hóa, các loại hóa đơn, các phiếu khuyến mãi trong môi trường mua sắm di động, nhiều nhà bán lẻ còn đặt hàng thiết kế các ứng dụng di động riêng cho thương hiệu mình.

Ngành công nghiệp thương mại di động

Các công ty nghiên cứu và các nhà phân tích thị trường đang quan tâm đến sự phát triển của trào lưu ứng dụng công nghệ di động ở người mua lẫn người bán hàng, nhằm giải mã nguyên nhân chuyển đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Điều này giúp họ tìm ra động cơ tăng trưởng đằng sau công nghệ bán lẻ di động, cùng với những cơ hội, thách thức và dự đoán cho tương lai của ngành bán lẻ.

Sự ra đời của thương mại điện tử tạo nên cuộc chuyển hướng đầu tiên trong cách mua bán, cho phép người tiêu dùng có thể mua hàng ở bất cứ nơi đâu chỉ với chiếc máy tính có kết nối Internet. Nó cho phép khách hàng vượt qua các ranh giới để tiếp cận thị trường toàn cầu. Nhưng sự xuất hiện của thiết bị di động cùng với sự chuyển đổi từ việc sử dụng điện thoại thông thường sang điện thoại thông minh và máy tính bảng cũng như sự xuất hiện của những kho phần mềm ứng dụng di động đang làm cho trật tự của ngành bán lẻ một lần nữa bị đảo lộn.

Chỉ với một thiết bị di động thông minh, khách hàng như được bước vào một cửa hiệu, tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá cả và tính chất cùng chất lượng món hàng giữa những thương hiệu khác nhau, rồi chọn mặt hàng, trả tiền hóa đơn và ra về với món hàng ưng ý nhất. Công nghệ di động đã hỗ trợ người tiêu dùng thực hiện tất cả các việc đó một cách nhanh chóng và đơn giản ngay tại cửa hàng trên phố hay trong các cửa hàng ảo trên mạng Internet. Các nhà bán lẻ đang được trao một công cụ hữu hiệu để có thể liên lạc, tìm hiểu nhu cầu và cung cấp những thông tin và các lời khuyên khả dĩ ảnh hưởng lên quyết định của mua sắm của khách hàng.

Các kết quả khảo sát cho thấy công nghệ di động đang từng bước lấn thị phần trong thị trường bán lẻ. Đơn cử, ở Mỹ, trong năm 2010 thương mại di động chỉ chiếm 1% với giá trị 3 tỉ đô la Mỹ thì đến năm 2016 được dự báo sẽ tăng lên 31 tỉ đô la, chiếm đến 7% mức thị phần thương mại điện tử toàn cầu. Thương mại di động đang chuyển từ một kênh liên lạc sang vai trò của kênh tương tác giao dịch giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Thúc đẩy công nghệ bán lẻ di động

Có nhiều yếu tố cùng một lúc thúc đẩy ngành thương mại di động di động. Trước hết là tính phổ biến của các thiết bị di động, từ điện thoại thông minh đến máy tính bảng, không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Một khi người sử dụng thiết bị có thể tải về các ứng dụng di động cần thiết thì họ nhanh chóng chấp nhận hình thức mua sắm mới, vừa dễ dàng vừa tiện lợi. Mua sắm di động đang trở thành một phần trong lối sống mới của họ, và lẽ dĩ nhiên các nhà bán lẻ không còn sự lựa chọn nào khác là tích hợp chiến lược kinh doanh vào đó.

Thứ hai, sự cạnh tranh thị trường trong môi trường kinh tế suy thoái kể từ năm 2007 đến nay buộc các nhà bán lẻ phải chọn những giải pháp có chi phí thấp, có tính năng động và sáng tạo nhưng lại cho họ khả năng tiếp cận thị trường nhanh hơn và rộng lớn hơn. Các giải pháp di động, một khi tích hợp được với hệ sinh thái bán hàng hiện hữu, có thể mang lại những trải nghiệm mua sắm phong phú cho khách hàng. Người ta chỉ cần quét mã vạch trên một sản phẩm hay trên catalogue trực tuyến của sản phẩm đó và rồi so sánh giá. Việc này không chỉ giúp rút ngắn quá trình mua sắm mà còn giúp người tiêu dùng có được quyết định đúng đắn.

Ngày nay, công nghệ di động trong ngành bán lẻ không chỉ thiết yếu cho việc quảng cáo sản phẩm và quảng bá thương hiệu mà còn giúp gia tăng tiềm lực trong toàn hệ thống, xét cả về ngắn hạn cũng như dài hạn. Giải pháp di động làm cho tiến trình mua bán trở nên trơn tru và nhanh chóng không chỉ bởi chính năng lực của nó mà cả trong sự phối hợp với các công nghệ tiên tiến khác.

Nói một cách ngắn gọn, công nghệ di động đang tạo nên năng lực mới cho nhà bán lẻ trong việc quản lý các kho hàng và cửa hiệu, làm cho việc mua sắm của khách hàng trở nên vừa nhẹ nhàng vừa thú vị. Với việc giúp người mua hàng biết vị trí của cửa hàng gần nhất và giúp họ truy cập tìm hiểu món hàng ngay trên đường đi, công nghệ bán lẻ di động đang hội nhập không ranh giới vào tổng thể thương mại giữa các hình thức mua bán khác nhau.

Nhu cầu xây dựng kênh thương mại di động

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy việc áp dụng thương mại di động không chỉ tạo ra ảnh hưởng to lớn cho việc giới thiệu thương hiệu ra bên ngoài mà còn làm gia tăng năng suất của nhân viên bên trong doanh nghiệp, giảm bớt mức hư hao tài sản, giảm thiểu chi phí vận hành. Bên cạnh đó, việc đưa ra các quyết định kịp thời cũng góp phần cải thiện quy trình mua bán và năng lực kinh doanh. Kết quả điều tra trong năm 2011 của công ty Cisco cho thấy việc áp dụng công nghệ di động đã làm tăng thêm đến 10% biên độ lợi nhuận cho các nhà bán lẻ.

Tuy nhiên, con đường khai thác thương mại di động không hẳn luôn bằng phẳng. Trước hết, do trên thị trường có quá nhiều loại thiết bị di động được điều hành bởi những nền tảng công nghệ khác nhau nên các nhà bán lẻ buộc phải lựa chọn các giải pháp thích ứng chung. Khả năng kết nối Internet cũng như sự phổ biến của băng thông rộng trong một vùng địa lý cũng đáng được quan tâm để bảo đảm cho doanh nghiệp có được lượng khách hàng đông đảo. Cũng cần quan tâm đến tính riêng tư của khách hàng, và cần tính đến khả năng cung ứng của doanh nghiệp vào lúc cao điểm trong mùa mua sắm hay các dịp lễ hội.

Với thương mại di động, nơi mà nhà sản xuất hay chủ thương hiệu và nhà bán lẻ có thể tương tác trực tiếp với khách hàng, thì tính cá nhân riêng tư rất quan trọng. Hệ thống bán lẻ Sephora dùng máy soi da để tạo cho mỗi khách hàng một mã số nhận diện (ID), sau đó gửi cho khách hàng những thông báo về sản phẩm thích hợp với màu da của họ. Nhiều ứng dụng trên điện thoại di động tập trung vào việc sử dụng các thông tin cá nhân để cải thiện và cá nhân hóa kinh nghiệm như tự động thông báo đến khách hàng những món hàng, dịch vụ mà họ có thể đang cần.

Thương mại di động đã cho thấy sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành bán lẻ. Điều này buộc các doanh nghiệp ở Việt Nam, dù là quy mô nhỏ và vừa, phải quan tâm đến công nghệ bán lẻ di động ngay từ bây giờ, dấn thân vào môi trường mới này và học hỏi trải nghiệm mua sắm từ chính các khách hàng của mình. Doanh nghiệp phải chọn các giải pháp công nghệ bán lẻ sao cho khách hàng sử dụng các nền tảng hay hệ điều hành thiết bị khác nhau vẫn có thể tiếp cận với kho hàng, mặt khác phải luôn theo dõi các dữ liệu phân tích để biết hành vi mua sắm của người tiêu dùng thông qua hình thức thương mại mới rất nhiều triển vọng này.

Theo Thesaigontimes

Bình luận