Chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hứa hẹn được đông đảo người tiêu dùng nhiệt tình hưởng ứng. Nếu doanh nghiệp trong nước đáp ứng tốt những yêu cầu chính đáng của người tiêu dùng thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ lựa chọn hàng Việt Nam.Ở Đác Lắc đã có ba lần tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về lượng khách hàng mua hàng tại hội chợ cũng như doanh thu hội chợ.

Các doanh nghiệp tham gia hội chợ còn ký kết nhiều hợp đồng giao dịch, mở thêm nhiều điểm phân phối để mở rộng thị trường. Thông qua Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt Nam đã khẳng định vị trí của mình tại thị trường Đác Lắc bằng chính chất lượng. Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột, nơi cung cấp chủ yếu hàng hóa sản xuất trong nước cũng luôn nằm trong tốp dẫn đầu về doanh thu của cả hệ thống Co.op Mart. Điều đó chứng tỏ người tiêu dùng có sự tin tưởng lựa chọn hàng sản xuất trong nước, khi mặt hàng đó bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp và có kênh phân phối tốt. Song, những hoạt động này mới được tổ chức ở quy mô nhỏ, tập trung ở địa bàn TP Buôn Ma Thuột, còn khu vực nông thôn thì vẫn ít có cơ hội tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước. Đó là một trong những nguyên nhân khiến hàng ngoại, hàng nhập lậu có cơ hội tràn lan, lấn át hàng nội, gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp sản xuất. Đác Lắc có địa bàn rộng, dân trí chưa cao, nên việc xây dựng kênh phân phối đa dạng và tăng cường tuyên truyền nhận thức về hàng nội cần được chú trọng. Hình thức tổ chức các hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu hàng hóa, tư vấn tiêu dùng, kỹ năng bán hàng… diễn ra trong các kỳ Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao có thể xem là một kênh tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng hàng trong nước khá hiệu quả.

Để thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trách nhiệm trước tiên thuộc về doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải bắt đầu từ sự chủ động, sáng tạo sản xuất những sản phẩm cần thiết cho cuộc sống hằng ngày với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, cùng với việc xây dựng hệ thống phân phối để người dân có cơ hội tiếp cận sản phẩm của doanh nghiệp.

Việc cần làm, trước hết là tạo những chuyển biến về tâm lý xã hội trong việc tiêu dùng hàng nội. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với sự phát triển kinh tế khá nhanh, chất lượng hàng nội và ngoại không còn chênh lệch đáng kể, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng không thua kém hàng ngoại, thậm chí hơn hẳn hàng ngoại. Do vậy, cần tuyên truyền đúng hướng, tổ chức các hội thảo so sánh hàng nội với hàng ngoại để người dân có thông tin, thì sẽ thuyết phục họ sử dụng; thường xuyên tổ chức các hội chợ, cung cấp thông tin đến người dân về hàng nội để kích thích mua sắm. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc đầu tiên cần làm là thông tin đến người dân, công chức biết việc mua hàng Việt không chỉ là yêu nước, mà còn giúp doanh nghiệp Việt mạnh lên, tạo nhiều việc làm hơn, nộp thuế nhiều lên, tăng chất lượng cuộc sống của chính người dân. Hệ thống chính trị phải vào cuộc tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước; từ đó có ý thức sử dụng hàng nội, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, là nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt… Trong đó, cơ quan Nhà nước cần làm gương trong mọi hành vi mua sắm, xây dựng, có quy định cụ thể về việc dùng hàng sản xuất trong nước. Các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp nên vào cuộc mạnh hơn để bảo đảm chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân yên tâm dùng hàng Việt.

Muốn người tiêu dùng sử dụng hàng nội, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải nỗ lực. Dù có tuyên truyền, vận động người tiêu dùng đến đâu thì sức thuyết phục nhất vẫn là chất lượng, giá cả sản phẩm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng. Một hướng hoạt động mới là phát huy tối đa sức sáng tạo nội bộ để có sản phẩm mới tốt, rẻ, tiện dụng hơn, giành lại thị phần tại thị trường trong nước. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn vươn lên được nhờ dám đầu tư công nghệ và cách làm mới, như nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, mở rộng hệ thống phân phối, tập trung vào chất lượng sản phẩm, đầu tư nguồn nhân lực, phong cách quản lý chuyên nghiệp…

Hầu như các doanh nghiệp Việt Nam chưa có hệ thống phân phối rộng lớn, chưa có cơ sở vật chất đủ để giải quyết vấn đề hạ tầng thương mại. Do vậy, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ trong công tác tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, điều tra người tiêu dùng, xây dựng mạng lưới phân phối, tổ chức các triển lãm, hội chợ sản phẩm hàng hóa của người Việt Nam; hỗ trợ đưa hàng Việt Nam về bán ở nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất; xúc tiến thương mại thị trường trong nước, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ… Nhà nước cũng sẽ đổi mới công tác quản lý; rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế, chính sách bảo vệ thị trường trong nước, sản xuất trong nước không trái với các quy định của WTO… Triển khai đồng bộ các hoạt động nói trên sẽ tạo được chất lượng và uy tín cho hàng Việt, đây chính là yếu tố bảo đảm sự thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.\

Theo baomoi

Bình luận