CEO Microsoft VN: “Không có gì tự hào nếu dùng PM không bản quyền”

Đó là chia sẻ của tân Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam Vũ Minh Trí về câu chuyện bản quyền phần mềm trong buổi gặp gỡ báo chí đầu tiên trên cương vị mới của mình.

Ông Vũ Minh Trí được xem là một trong những người nổi tiếng của làng công nghệ tại Việt Nam khi đã từng làm lãnh đạo rất nhiều công ty lớn như Sony Ericsson Việt Nam, Yahoo! Việt Nam, Qualcomm và giờ đây trên cương vị mới là Tổng giám đốc của Microsoft, ông đã chia sẻ với báo giới rất nhiều kế hoạch của mình.

Ông Vũ Minh Trí, tân Tổng giám đốc của Microsoft trong buổi gặp gỡ báo chí đầu tiên - Ảnh: Lê Mỹ

Ông có thể cho biết vì sao mình rời khỏi Qualcomm?

Qualcomm rất tuyệt vời và cho tôi xin giữ lại lý do chuyển đổi. Còn với Microsoft đây là niềm tự hào và cũng là cơ hội của tôi. Dù có nhiều thách thức nhưng các thách thức của Microsoft đều rất hấp dẫn. Microsoft có rất nhiều sản phẩm và giải pháp thuộc các lĩnh vực đa dạng khác nhau. Điểm này khác biệt với Qualcomm là B2B, Yahoo và Sony Ericsson là B2C. Chính vì mức độ phủ diện rộng mà Microsoft có thể có nhiều cơ hội hơn để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, xã hội và nhà nước phát huy những tiềm năng sẵn có để nâng cao hiệu quả công việc. Tôi rất vui mừng khi có nhiều cơ hội hơn để đóng góp cho cộng đồng, xã hội và cả Microsoft khi nhận trách nhiệm này.

Ở cương vị mới liệu ông có gặp nhiều áp lực? 

Công việc lãnh đạo dù ở đâu cũng sẽ có những áp lực nhất định. Tuy vậy, trong thế giới phẳng hiện nay thì Việt Nam sẽ hòa nhập rất nhanh. Việc quan trọng nhất đối với tôi trong giai đoạn này vẫn là làm quen và học hỏi để hiểu được về con người, văn hóa, mô hình kinh doanh, sản phẩm, khách hàng của công ty Microsoft. Ngoài ra, còn mục tiêu quan trọng nữa là tôi sẽ cùng đội ngũ nhân sự hoạch định chiến lược cho năm 2013.

Cũng xin nói thêm, 2012 có thể coi là năm bản lề đối với Microsoft toàn cầu. Từ tháng 7/2012 – 6/2013, chúng tôi sẽ giới thiệu một loạt sản phẩm mang tính cách mạng như hệ điều hành mới Windows 8, Windows Phone 8, Office 15, Windows Server 2012, Office 365 sử dụng nền tảng điện toán đám mây… Bên cạnh đó, nhiều thiết bị phần cứng cũng như các gói dịch vụ khác cũng được ra mắt.

Trên cương vị là Tổng giám đốc mới của Microsoft Việt Nam, ông có thể cho biết diện mạo của Microsoft trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Thay đổi thế nào thì phải qua một khoảng thời gian mới có thể đánh giá được. Tôi xin nhấn mạnh tới một số mục tiêu trong giai đoạn tới của Microsoft Việt Nam:

Thứ nhất là Khách hàng. Chúng tôi sẽ có các bước khảo sát, kể cả thuê đơn vị thứ ba để đánh giá sự hài lòng của khách hàng, xác định rõ hơn nhu cầu cũng như khả năng hợp tác của các khách hàng, qua đó đưa ra những gói dịch vụ, giải pháp phù hợp nhất.

Thứ hai là Đối tác. Đối tác của Microsoft không chỉ là khách hàng doanh nghiệp, người tiêu dùng mà bao gồm cả các đối tác nhà bán lẻ và đông đảo những nhà phát triển, các công ty dịch vụ… Khi tung ra sản phẩm mới,  Microsoft cần có các chương trình đào tạo, hỗ trợ cho đối tác với mục đích cuối cùng là nhanh chóng đưa ra những giải pháp, các giá trị gia tăng phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng.

Mục tiêu quan trọng thứ ba là Con người. Microsoft Việt Nam có một đội ngũ nhân viên đáng mơ ước. Nhưng như tôi đã nói, mỗi người đều vẫn phải liên tục học hỏi, nâng cao chuyên môn, nhất là mỗi khi công ty tung ra các sản phẩm mới, định hướng mới, mô hình mới. Nhân viên Microsoft ngoài việc luôn phải là các chuyên gia trong lĩnh vực của mình còn phải đảm nhiệm được sứ mệnh nhà tư vấn tin cậy, luôn giúp khách hàng nhận ra khả năng khai thác tốt nhất các sản phẩm và dịch vụ mà Microsoft đưa lại.

Câu chuyện về bản quyền phần mềm luôn là vấn đề “nóng” của Microsoft tại Việt Nam. Tuy nhiên, cách xử lý của Microsoft trước đây có vẻ nóng vội và có tính áp đặt, không nhận được thiện cảm từ giới truyền thông. Trên cương vị mới, ông sẽ xử lý vấn đề này thế nào?

Tôi xin khẳng định rằng, Microsoft nói riêng cũng như tất cả những tổ chức, cá nhân có thương hiệu, sản phẩm được bảo hộ bản quyền, đương nhiên không ủng hộ việc dùng phần mềm không chính hãng. Và tôi nghĩ rằng, không ai tự hào nếu mình là người đi ăn cắp hết. Tuy nhiên, chúng tôi không trực tiếp tham gia vào các chiến dịch chống vi phạm bản quyền này nếu có nhưng sẵn lòng hợp tác với các cơ quan chức năng để hỗ trợ về phương diện kỹ thuật.

Trong trao đổi mới đây nhất giữa 2 quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ, trong Hiệp định xuyên Thái Bình Dương, một vấn đề còn trở ngại là Sở hữu trí tuệ. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tối đa để giảm chỉ số vi phạm bản quyền, nhằm tạo cơ hội tham dự liên minh PPP.

Từ phía Microsoft, chúng tôi luôn muốn góp sức trong công cuộc này. Và sẽ tăng cường tiếp xúc với khách hàng nhằm giúp họ hiểu lợi thế của phần mềm bản quyền: từ những lợi ích trước mắt như nền móng hệ điều hành được củng cố vững chãi, sự an toàn về bảo mật cũng như các giá trị gia tăng trực tiếp và gián tiếp đem lại cho khách hàng mà những phần mềm bị bẻ khóa không thể đem lại.

Chúng tôi rất hy vọng báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng sẽ giúp đăng tải rộng rãi thông điệp của Microsoft tới đông đảo người tiêu dùng. Chúng tôi cũng rất muốn các cơ quan, doanh nghiệp và cả các cá nhân nên tìm hiểu thêm về sản phẩm, dịch vụ của Microsoft. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào xin cho phép nhân viên và các đối tác trong hệ thống của Microsoft được trực tiếp tư vấn với mục đích cuối cùng là làm vừa lòng khách hàng, giúp khách hàng nhận rõ giá trị gia tăng được mang lại khi sử dụng dịch vụ của Microsoft.

Ông có thể chia sẻ về việc hỗ trợ cộng đồng lập trình, ứng dụng… tại Việt Nam trong thời gian tới, có gì khác biệt và lộ trình như thế nào?

Như tôi đã nói, đây sẽ là năm Microsoft ra mắt nhiều sản phẩm và dịch vụ lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Microsoft, mở ra những cơ hội lớn cho các đối tác phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Microsoft Việt Nam hòa trong xu thế chung, mong muốn làm sao để các doanh nghiệp có nền tảng và giá trị gia tăng lớn nhất khi sử dụng sản phẩm Microsoft. Đặc biệt là giúp khách hàng Việt có chi phí thấp nhất mà vẫn thu được hiệu quả lớn nhất khi sử dụng phần mềm và giải pháp của Microsoft.

Mới đây, trong chương trình MOU với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Microsoft đã hỗ trợ triển khai chương trình  PiLs. Với chương trình này, Microsoft đã và đang tạo Quyền truy cập và xây dựng giáo trình đào tạo sáng tạo cho 64.000 giáo viên và hơn 2,1 triệu học sinh khối tiểu học.

Để hỗ trợ cho các nhà lập trình và designer – Microsoft có chương trình Dreamspark, giúp đưa truy cập tới công cụ của 12 mức chuyên nghiệp miễn phí, giúp đội ngũ lập trình có thể xây dựng ứng dụng cho cộng đồng; Chương trình này đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình từ 50 trường đại học.

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là ưu tiên của Microsoft. Và Microsoft đưa ra gói Bizspark nhằm cung cấp license miễn phí cho các doanh nghiệp phần mềm kèm theo công tác Cung cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho những doanh nghiệp này. Hơn 50 doanh nghiệp và 2.700 nhân viên của họ đã tham dự khóa đào tạo

Cuối cùng là chương trình Imagine cups – hỗ trợ và xây dựng nhiệt huyết cho sinh viên trẻ tài năng. Đây là cúp thường niên nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng thông qua việc tổ chức các vòng thi, công nghệ của Microsoft, học sinh, sinh viên sẽ tự xây dựng những sản phẩm dựa trên các ý tưởng đột phá nhằm sử dụng công nghệ để thay đổi và tác động đến thế giới, nhờ công nghệ cải biến hoàn cảnh, vượt qua đói nghèo và thiên tai, tạo ra một thế giới tươi đẹp hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo ICT news

Bình luận