Bao giờ có “con buôn” VAMC?

Ngành ngân hàng đang đứng trước một nhiệm vụ nan giải: trong phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu cuối tháng 9-2014 là hạn chót để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình phương án xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Đi kèm với yêu cầu này là yêu cầu “nhỏ” không sử dụng tiền ngân sách xử lý nợ xấu.

Cơ chế thị trường xử lý nợ xấu sẽ là gì? Liệu có phải mua bán nợ theo giá thị trường và ai bán ai mua?

516af_ktsg_con_buon_vamc_200

Hội chợ VAMC?

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) công bố đã bán được 1.400 tỉ đồng nợ xấu. Đây là số nợ đầu tiên mà VAMC bán được trong số gần 3 tỉ đô la Mỹ nợ xấu đã mua vào. Không biết người mua là ai? Giá bán thế nào? Có cao hơn giá mà VAMC đã mua không? Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là bất động sản, máy móc thiết bị hay hàng tồn kho, nguyên vật liệu?

Chắc chắn người mua phải mang quốc tịch Việt Nam vì đến nay nước ngoài vẫn chưa được tham gia xử lý nợ xấu. Đại diện một quỹ nước ngoài kể hiện không ít tổ chức ngoại quan tâm đến tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu là bất động sản. Phần lớn trong số họ là nhà đầu tư mới, vào Việt Nam chưa có những mối quen, lại cũng chưa tìm được người môi giới. Họ giống như những con kền kền đi săn hàng, nên nhìn VAMC như một đầu mối chào hàng, nơi cung cấp các lựa chọn đa dạng.

Theo quy định hiện hành, “con buôn” VAMC hoạt động không được lỗ. Quy định như thế là trói tay trói chân VAMC, còn buôn bán gì được? VAMC cần được cởi trói, có thương vụ lãi, có thương vụ lỗ, có lúc thắng lớn, có khi cắt lỗ… giống nhà đầu tư chuyên nghiệp và thực thụ.

“VAMC cần tổ chức một hội chợ, bày ra các gian hàng với những thứ hàng hóa khác nhau cho người ta đến tham quan, xem xét” – ông hiến kế – “Hàng hóa có thể phân theo loại, theo quy mô, thậm chí theo cả tốc độ mua bán. Thí dụ nếu mua trước ngày XYZ sẽ được giảm giá một tỷ lệ nhất định…”.

Nguyên tổng giám đốc một ngân hàng, nay đang ngồi ở vị trí trợ lý cho giám đốc điều hành một tổ chức tín dụng cổ phần, phân tích: “VAMC ôm một đống nợ với tổng giá trị lớn mà không làm cho nợ chuyển động là sai lầm. Giá nợ có lên có xuống. Phải xác định mang ra bán, trực tiếp hoặc gián tiếp, và làm thế nào bán bằng được. Thị trường luôn có người mua, giá mềm dẻo là bán được”.

Theo ông, VAMC cần phân loại nợ theo hướng đã được trích lập dự phòng. Những khoản nợ mua năm 2013 đã được một số ngân hàng trích dự phòng rủi ro 20% tổng giá trị theo quy định. Như vậy, giá trị khoản nợ VAMC đã mua chỉ còn bằng 80% giá gốc. Trước mắt mang đấu giá những khoản đó với mức chiết khấu 20% giá gốc xem sao.

Giả thiết VAMC giảm giá để bán là hoàn toàn có cơ sở. Nếu chiết khấu dẫn đến việc tiêu thụ tốt tài sản đảm bảo, liệu có xảy ra một đợt phá giá bất động sản, máy móc? Thực ra thiết bị, các tài sản đảm bảo cho nợ như tàu bè, xe cộ đều có giá thị trường cả. Chiết khấu 5-10% là tìm được người mua. Chỉ bất động sản là khó thanh lý, đòi hỏi phá giá cao.

Gã “con buôn” khổng lồ?

Nợ xấu đụng chạm đến “góc khuất” của nhiều ngân hàng, mà gai góc nhất là con nợ tức người vay. Bên vay mà có liên quan đến các ông chủ ngân hàng, khó xử lý gấp bội. Các khoản nợ giá trị trên hợp đồng tín dụng càng lớn, các khu đất thế chấp càng to, càng rắc rối khi giải quyết.

VAMC cho biết ngay từ đầu không phải khoản nợ nào các ngân hàng mang ra bán, họ cũng mua. Họ phải nghiên cứu kỹ nợ gốc, khả năng trả nợ, tỷ lệ cho vay/tài sản thế chấp, mức độ tin cậy của bên vay… mới mua. Như vậy, chất lượng tài sản mà VAMC đang nắm giữ có thể nói không đến nỗi quá tệ.

Một khi đã tin tưởng vào tài sản của mình, VAMC minh bạch nó một cách công khai bằng các buổi hội thảo, roadshow giới thiệu hàng. Trong khi chờ đợi một văn bản hướng dẫn cho nước ngoài tham gia mua bán nợ của VAMC, các cuộc “trình diễn” đầu tiên dành cho nhà đầu tư trong nước.

Lúc này VAMC không phải là một tổ chức môi giới. Các công ty môi giới là điểm trung chuyển, làm nhiệm vụ gắn kết người bán và người mua. VAMC khác ở chỗ mua hàng về, giữ một thời gian, phân loại, chọn lọc và tìm thời điểm thuận lợi mang ra bán. Xét về tính chất, VAMC giống “kẻ đầu cơ” và “con buôn” nhưng là “con buôn” hợp pháp, “kẻ đầu cơ” được pháp luật bảo hộ.

Cái khác, theo quy định hiện hành, “con buôn” VAMC hoạt động không được lỗ. Quy định như thế là trói tay trói chân VAMC, còn buôn bán gì được? VAMC cần được cởi trói, có thương vụ lãi, có thương vụ lỗ, có lúc thắng lớn, có khi cắt lỗ… giống nhà đầu tư chuyên nghiệp và thực thụ.

Đổi lại, những hoạt động mua bán, lời lỗ ấy của VAMC tạo ra một thị trường mua bán nợ. Những người mua nợ của VAMC không chỉ đem về xài. Đến lượt mình, họ có thể mua đi bán lại, kiếm lời. Cứ thế, thị trường mua bán nợ dần hình thành. Đây chẳng phải là vấn đề mà thị trường tài chính đang mỏi mắt trông chờ sao?

Do đó, cái cần thay đổi và thay đổi nhanh là sửa, bổ sung nghị định về VAMC, để VAMC từ một tổ chức làm nhiệm vụ chính trị nhiều hơn kinh doanh thành một tổ chức đầu tư chuyên về nợ xấu.

Ý tưởng nào cho VAMC không sử dụng tiền ngân sách mà vẫn chạy tốt theo cơ chế thị trường? Hiện VAMC mua nợ bằng giấy (phát hành trái phiếu đặc biệt trả cho người bán), tức là VAMC được phép chiếm dụng vốn 100% của người bán, nên VAMC không cần tiền. Tuy nhiên, VAMC tạo được tiền ở đầu ra nếu cho phép nó bán hàng như nhà đầu tư. Sau đó, VAMC có thể lấy tiền thu được từ bán nợ, trả dần cho người bán. Cách thức này không có gì mới cả. Các ông chủ ngân hàng đã áp dụng đầy rẫy lâu nay: “tay không bắt giặc” + đầu tư cuốn chiếu + “lấy mỡ nó rán nó”!

Hãy nhìn nhận VAMC như một tổ chức đầu tư, tất cả bắt nguồn từ sự thay đổi trong nhận thức. Mọi thứ còn lại, sẽ luôn có chìa khóa để mở, dù cánh cửa đóng chặt đến đâu!

Theo Thesaigontimes

Bình luận