Bạn có tư chất làm cho doanh nghiệp mới không?

Liệu những người từng làm việc cho các công ty lâu đời có thể làm việc trong môi trường thay đổi chóng mặt với những mục tiêu liên tục chuyển động và những công việc không tên? Dưới đây là một số tư chất cho thấy người nhân viên có thể chuyển từ thế giới của các doanh nghiệp ‘lão làng’ sang thế giới của những doanh nghiệp mới thành lập:

96508_13__12518_125_5020658

Doanh nghiệp trẻ là những cỗ máy tạo ra việc làm cho bất kỳ quốc gia nào. Theo một nghiên cứu năm 2012 của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), doanh nghiệp trẻ “chỉ chiếm có 3% trong tổng số doanh nghiệp của Mỹ nhưng góp phần tạo ra gần 20% tổng số việc làm của cả nước”.

Do đó, những doanh nghiệp nhỏ nhưng tăng trưởng nhanh như NerdWallet mất rất nhiều thời gian nghiên cứu CV (sơ yếu lý lịch). Chúng tôi phân tích hơn 100 CV của những đối tượng được tuyển dụng thành công trong số 120 nhân viên của công ty mình. Nhiều người nộp CV đến từ những công ty lớn và lâu đời. Liệu rằng những người của thế giới ‘đại gia’ này có thể làm việc trong môi trường thay đổi chóng mặt với những mục tiêu liên tục chuyển động và những công việc không tên? Với chúng tôi, đó là câu hỏi vô cùng quan trọng.

Nhưng với một số người, câu trả lời là không. Nhiều người làm rất tốt ở các doanh nghiệp đã ổn định nhưng nhưng lại vật vã, mất phương hướng khi làm cho một doanh nghiệp trẻ.

Sau đây là một số tư chất cho thấy người nhân viên có thể chuyển từ thế giới của các doanh nghiệp ‘lão làng’ sang thế giới của những doanh nghiệp mới thành lập.

Không ngại bất ổn

Một điều mà tôi luôn hướng đến khi lựa chọn các ứng viên chưa có kinh nghiệm làm ở một doanh nghiệp trẻ là mức độ bình tĩnh, tự tin của họ trước những tình huống không rõ ràng. Khi mới xây dựng một doanh nghiệp, việc thay đổi trọng tâm, phương hướng diễn ra trong gang tấc. Có thể một ngày bạn thấy cần phải từ bỏ một dự án mà bạn đã mất hàng tháng  trời để xây dựng để làm một cái gì đó triển vọng hơn. Liệu bạn có thể đột ngột chuyển hướng như thế không?

Có thể chấp nhận mạo hiểm   

 Tôi muốn ứng viên chứng minh được rằng họ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm và đã từng làm điều đó trong quá khứ. Làm cho một doanh nghiệp mới là một lựa chọn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo nhà nghiên cứu Laurent Belsie của NBER, doanh nghiệp mới chỉ có 2 lựa chọn duy nhất: hoặc tiến lên, hoặc bị đào thải. Và thực tế cho thấy, số doanh nghiệp bị đào thải không phải là ít. Tất nhiên, rủi ro lớn thì phần thưởng sẽ không kém phần ‘long trọng’.

Sẵn sàng bắt đầu lại từ đầu

Khi quay lưng lại với một công ty tên tuổi để làm cho một doanh nghiệp vô danh, bạn sẽ gặp phải những lời chê trách của bạn bè, người thân. Tôi biết bởi tôi đã từng phải nghe đi nghe lại cái điệp khúc: “Nghĩ sao mà lại làm thế?” khi bỏ công ty JP Morgan Chase về làm cho NerdWallet. Vấn đề ở đây là quan niệm. Mọi người có tâm lý thích làm cho những công ty nổi tiếng. Nhưng thực ra, Google, Wal-Mart và Amazon đều là những doanh nghiệp không tên trước khi họ có vị trí như ngày nay. Liệu rằng bạn có đủ can đảm để nghĩ rằng mình sẽ làm nên một Google, Wal-Mart hay Amazon thứ hai không?

Làm mà không cần chức danh công việc

Nếu bạn thích được phân công công việc rõ ràng, bạn sẽ không trụ được ở một doanh nghiệp trẻ. Nếu bạn nghĩ: “Ơ kìa, đấy có phải việc của tôi đâu”, bạn cũng sẽ không tồn tại được. Những gì là chuẩn mực của những doanh nghiệp tầm cỡ như chức danh, nhiệm vụ rạch ròi hoàn toàn không có ý nghĩa gì với một doanh nghiệp mới. Bạn phải làm thế nào để có thể tiến lên dù không có người cầm tay chỉ việc hay vạch ra đường lối sẵn.

Bất cứ ai trong một doanh nghiệp trẻ cũng là một doanh nhân. Tất cả những gì mà NerdWallet làm là tạo ra một cái gì đó từ con số không. Khi nhân viên có những ý tưởng hay, chúng tôi không ngại để cho họ chủ trì thực hiện chúng – kể cả khi phải nhấc hẳn họ ra khỏi công việc mà họ được thuê để làm. Nói tóm lại, nếu bạn không phải là người độc lập, chủ động thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện làm cho doanh nghiệp trẻ.

Dẹp bỏ thói kiêu căng, ngạo mạn

Để tồn tại trong một môi trường luôn thay đổi, đòi hỏi bạn phải liên tục trau dồi bản thân, bạn cần nhìn nhận những thiếu sót, yếu điểm của mình và biết nhờ giúp đỡ khi gặp khó khăn. Điều này không hề dễ với những người tài giỏi và hãnh tiến. Nó đòi hỏi sự nhún nhường và mong muốn xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp. Những ngôi sao của các doanh nghiệp lớn – nơi mà sự cạnh tranh về địa vị, quyền lực diễn ra khốc liệt – sẽ rất khó để làm được thế. Thế nhưng, ở một doanh nghiệp mới, tinh thần nhóm không phải là một cụm từ sáo rỗng mà là một đòi hỏi bức thiết hàng ngày. Nếu bạn không biết ‘chơi đẹp’ với những người khác thì doanh nghiệp trẻ không phải là nơi dành cho bạn.

Theo Hoclamgiau.

Bình luận