Bài toán lao động – tiền lương thời tăng giá: Đâu là lời giải?

Trong khoảng thời gian gần 6 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra các vụ công nhân làm việc tại các doanh nghiệp ngừng việc tập thể. Tuy nhiên chỉ trong vòng khoảng nửa tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ công nhân đang làm việc ở hai doanh nghiệp tại khu công nghiệp Tân Hương (Châu Thành) ngừng việc tập thể. Điều này cho thấy, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động đang đặt trước những thách thức không nhỏ trong thời buổi tăng giá hiện nay.

*Cả người lao động và doanh nghiệp đuối sức

Những ngày gần đây, các mặt hàng thiết yếu như: xăng, điện, lương thực, thực phẩm… đều tăng giá, kéo theo giá rất nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo, khiến cuộc sống của những người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. Có lẽ đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người có thu nhập thấp, công nhân và học sinh, sinh viên. Nhiều người đã “thắt lưng buộc bụng”, loại thịt, cá ra khỏi bữa ăn để “tương xứng” với số tiền lương đã bị teo tóp đi nhiều do đồng tiền mất giá. Nếu như trước đây nhiều người có thu nhập trung bình từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi tiêu mỗi tháng còn để dành được chút ít, thì nay chỉ gói ghém vừa đủ sống, không dư được đồng nào.

Giá tăng nhưng lương không tăng khiến đời sống của người lao động ngày càng khó khăn. Sức ép của bài toán thu nhập và chi tiêu quá lơn khiến người lao động đuối sức, không chịu đựng nổi. Thực tế là đã có 2 vụ công nhân ngừng việc tập thể vừa xảy ra ở Công ty TNHH Dụ Đức và Công ty TNHH Quảng Việt (khu công nghiệp Tân Hương), với hơn 3.800 công nhân tham gia ngừng việc. Mặc dù các vụ ngừng việc xảy ra ở hai công ty khác nhau nhưng trong các yêu cầu, kiến nghị mà công nhân đưa ra đều có khoản yêu cầu các doanh nghiệp tăng lương, tăng tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác để giúp công nhân có thể tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Điều này cho thấy, đồng lương quá thấp, người lao động không đủ trang trải cuộc sống trong tình hình giá cả tăng cao. Nếu để tình trạng này kéo dài và lan rộng thì cả DN lẫn người lao động đều bị thiệt thòi.

Riêng về phía doanh nghiệp, hiện cũng không tránh khỏi đau đầu trước tình hình các loại vật tư, nguyên phụ liệu đầu vào đều tăng giá, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Họ cũng đang loay hoay tìm kiếm những giải pháp hợp lý để duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp và người lao động.

Trong thời gian qua, tỷ giá USD tăng đã kéo theo giá nguyên liệu đầu vào, nhất là nguyên liệu nhập khẩu, tăng theo. Tiếp đến là giá xăng dầu, giá điện tăng khiến chi phí vận chuyển, chi phí đầu vào tăng vọt. Bên cạnh đó là lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính tăng cao, mức trần lãi suất huy động theo quy định là 14%, nhưng thực tế là khoảng gần 20%. Do đó, đầu ra của ngân hàng cho vay, cộng thêm chi phí và lợi nhuận tăng lên cao đã tác động không ít đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Tình hình khó khăn ở các doanh nghiệp càng thấy rõ hơn khi ông Đoàn Thành Đạt, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh từng có nhận định: Với lãi suất như thế, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp không thể đảm đương nổi. Thế nhưng, các doanh nghiệp đã “phóng lao thì phải theo lao”, tức là các công ty thực hiện các dự án, các nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh đã ký các hợp đồng tiêu thụ trong và ngoài nước, phải giao hàng đúng giá, đúng ngày, đúng lượng, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra còn có đội ngũ lao động, máy móc nên không đơn thuần là việc tạm ngừng, mà phải tiếp tục sản xuất để chờ cơ hội mới. Do vậy, doanh nghiệp biết lỗ nhưng vẫn phải làm, nếu không bị phạt hợp đồng rất lớn. Đơn vị nào có tích lũy tài sản lớn có khả năng chèo chống để vượt qua, còn doanh nghiệp đã “chế tạo sản phẩm”, nhưng bán không được như bất động sản, xây dựng hàng tồn kho nhiều thì nguy cơ gãy đổ càng lớn. Bên cạnh đó, trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế, một số doanh nghiệp có trình độ quản trị yếu kém, tiềm lực yếu mất đi cũng là điều đương nhiên.

Khả năng doanh nghiệp thu hẹp hoặc đình hoãn sản xuất trong thời điểm hiện nay là hoàn toàn có thể xảy ra. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều nhà thầu không dám thi công các công trình lớn mà chỉ quan tâm đến những dự án ngắn hạn, tất cả chỉ vì muốn duy trì hoạt động để giữ chân người lao động.

*Bài toán lao động – tiền lương

Theo ông Đào Hữu Tài, Quản đốc Công ty TNHH Đại Thành (xã Song Thuận, Châu Thành), việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, điện trong thời gian qua đã gián tiếp tác động đến đời sống người lao động, khiến họ gặp rất nhiều khó khăn và dù khó khăn, nhưng Công ty vẫn phải tìm cách tăng lương cho công nhân, với đơn giá tăng khoảng 40%. Có như vậy, công nhân vừa có thu nhập, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc, đảm bảo năng suất sản xuất cho Công ty.

Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện tăng lương cho công nhân như Công ty TNHH Đại Thành mà thực tế có nhiều doanh nghiệp đang đứng trước muôn vàn khó khăn do tác động của nhiều yếu tố bên ngoài. Nếu chịu thêm áp lực tăng lương từ bên trong, rất có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa để bảo toàn nguồn vốn. Đó là nguy cơ có thực và chứa đựng nhiều bất trắc cho cả nền kinh tế và xã hội. Bởi theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến hết tháng 6/2011, trong số hơn 580.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên cả nước, hiện có khoảng 60% đang hoạt động; 40% còn lại ngừng hoạt động hoặc đã và đang làm thủ tục phá sản, giải thể. Số lượng doanh nghiệp lâm vào tình trạng này trong 6 tháng đầu năm nay cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, dù nền kinh tế hiện đã khởi sắc hơn giai đoạn suy thoái năm 2008-2009.

Để đối phó với tình trạng giá cả, chi phí tăng cao như hiện nay, các doanh nghiệp đang tính đến hàng loạt phương án cắt giảm chi phí, tái cấu trúc sản xuất hay sắp xếp lại nhân sự… Một số doanh nghiệp đã tính đến phương án thay đổi dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại, tiết giảm tối đa chi phí vận hành, cắt giảm nhân sự. Một số khác thì chủ động dừng hẳn, hoặc cắt giảm số lượng dây chuyền sản xuất để tập trung vào những mặt hàng chủ lực, có tính cạnh tranh cao. Cũng có các doanh nghiệp áp dụng chính sách “tăng việc, giảm người”, bố trí thêm việc cho những người giỏi, có năng lực, đồng thời cắt giảm những vị trí không thực sự cần thiết. Một số doanh nghiệp còn lựa chọn phương án không tuyển thêm nhân viên, mà chỉ quan tâm tăng lương, tăng phúc lợi nhằm khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả hơn, sẵn sàng gánh vác thêm công việc để tăng thu nhập.

Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng đứng trước áp lực thiếu hụt nhân sự khi không đáp ứng được yêu cầu tăng lương của người lao động. Nếu không được tăng lương, cuộc sống không được đảm bảo, rất nhiều khả năng người lao động sẽ bỏ việc, tìm công việc khác có thu nhập cao hơn. Đây là trường hợp mà Doanh nghiệp tư nhân SD (cụm công nghiệp Trung An, TP. Mỹ Tho) đã từng gặp phải. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân SD cho biết, do thiếu hụt nguồn lao động nên việc cạnh tranh tuyển lao động ở các doanh nghiệp diễn ra rất gay gắt. Điều này đã làm cho việc biến động lao động, “nhảy việc” của công nhân ở doanh nghiệp SD diễn ra thường xuyên. Hiện doanh nghiệp đang cần khoảng 300 lao động nhưng chỉ mới tuyển được 160 lao động đang làm việc. Điều này đã buộc doanh nghiệp phải đầu tư thêm máy móc để khắc phục những công đoạn còn thiếu nhân công nhưng vẫn không đảm bảo được năng suất sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải từ chối nhiều đơn đặt hàng nên cho tới thời điểm này, doanh thu của doanh nghiệp chỉ mới đạt được 40% kế hoạch năm.Như vậy, trước những khó khăn hiện tại, mà theo Liên đoàn Lao động tỉnh cần có những cuộc trao đổi thẳng thắn giữa doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp cần thường xuyên thăm hỏi và động viên, chia sẻ khó khăn với người lao động, có những thay đổi kịp thời về mức lương, đảm bảo cho người lao động có được cuộc sống ổn định; đồng thời cũng nên giải thích rõ những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải để có được sự thông cảm của người lao động. Hơn bao giờ hết, cả người lao động và chủ doanh nghiệp đều phải biết hy sinh một chút lợi ích của mình để cùng nhau vượt qua khó khăn.

 

Bình luận