Bản lĩnh Võ Quốc Thắng

Không chỉ đưa Đồng Tâm trở thành thương hiệu lớn, CEO Võ Quốc Thắng còn xây dựng văn hóa doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh bằng những ý tưởng khác biệt mà hiệu quả. Đó cũng là bí quyết thành công của ông

Ông Võ Quốc Thắng (bìa trái) trao đổi về việc đóng góp vào chương trình “Góp đá xây Trường Sa”

Tại lễ kỷ niệm 43 năm ngày thành lập thương hiệu Đồng Tâm diễn ra ngày 25-6 vừa qua, ông Võ Thành Lân, người sáng lập thương hiệu Đồng Tâm, đã gửi lời tri ân đến toàn thể lao động của công ty. Ông nhấn mạnh: “Tôi rất xúc động vì trong suốt thời gian qua, các anh chị đã hy sinh vì thương hiệu của Đồng Tâm. Nhờ đó mà Đồng Tâm đứng vững và phát triển”.

 Vì người lao động

Sự hy sinh được ông Võ Thành Lân ghi khắc chính là gần 3 năm qua, 200 cán bộ quản lý, chủ chốt của Công ty CP Đồng Tâm không hề nhận tăng lương theo định kỳ. Việc làm của họ như thể hiện sự sẻ chia khó khăn cùng doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn hiện nay. Tất cả chi phí tăng lương đều được công ty bù đắp cho những người lao động (NLĐ) có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn.

Người khơi nguồn cho sự hy sinh này chính là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Tâm Võ Quốc Thắng. Ông quan niệm: “Làm quản lý phải biết hy sinh, phải nghĩ về người khác trước khi nghĩ về mình”. Ông cũng đã từng tuyên bố: “Nếu công ty gặp khó khăn, người không có cơm ăn đầu tiên chính là Võ Quốc Thắng”. Cũng chính vì thế mà trong những lần bổ nhiệm hay thăng chức cho thuộc cấp, thay vì chúc mừng thì ông lại nhắn nhủ: “Các anh chị phải hy sinh nhiều hơn, làm việc nhiều hơn với vị trí mới, công việc mới”.

Còn nhớ, trong dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua, trong khi nhiều DN gặp khó khăn, không thưởng Tết cho nhân viên thì Đồng Tâm vẫn thực hiện chính sách thưởng đúng tiến độ cho toàn thể 3.500 lao động. Để có được khoản thưởng ấy, CEO Võ Quốc Thắng đã phải chi gần 10 tỉ đồng tiền cá nhân thưởng cho NLĐ. Và khi nhiều công nhân được trở về mái ấm gia đình đón Xuân, ông vẫn miệt mài làm việc trong những ngày đầu năm mới. Sự tận tụy, hết lòng vì công việc của ông đã truyền lửa đến tập thể lao động để họ sẵn sàng đồng cam cộng khổ với Đồng Tâm.

Ý tưởng khác biệt

Võ Quốc Thắng cho rằng trong suốt 20 năm kinh doanh, giai đoạn 2011-2012 là những năm khó khăn nhất đối với các DN. Tuy Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quyết sách về bất động sản, về lãi suất ngân hàng và một số hoạt động kinh tế khác nhưng DN vẫn gặp không ít khó khăn.

Với vai trò CEO, ông không hề nao núng mà vẫn tự tin khi đưa ra hàng loạt chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm việc làm cho toàn thể NLĐ vốn gắn bó hết mình với công ty. Võ Quốc Thắng tâm sự: “Năm 1969, ba tôi (ông Võ Thành Lân) mở cơ sở sản xuất gạch bông mang tên Đồng Tâm tại khu vực bến Phú Định, Chợ Lớn (TPHCM). Từ đất đá, mỗi viên gạch ra đời chứa đựng cả giấc mơ thoát nghèo không chỉ riêng gia đình mà còn có biết bao cộng sự của ông. Qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, thêm vào đó là nỗ lực của các thành viên trong gia đình và nhiều thế hệ công nhân, thương hiệu Đồng Tâm dần có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Vậy thì tại sao tôi lại gạt đi niềm tin của những người đi trước, bỏ rơi công nhân của mình”.

Để vượt qua khó khăn, ngay từ đầu năm 2012, Đồng Tâm chuẩn hóa lại hệ thống điều hành sản xuất kinh doanh, xây dựng mới sơ đồ chức năng; truyền đạt năng lượng cho NLĐ tinh thần “Mỗi nhân viên Đồng Tâm là một tham tán thương mại”. Mọi lao động đều chủ động tìm thị trường, lấy nhu cầu của thị trường, sự hài lòng của khách hàng làm tôn chỉ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngay sau đó, Đề án “29 ngày” được công ty triển khai để toàn nhân viên ở bộ phận sản xuất tham gia vào bộ phận bán hàng và ngược lại nhân viên bán hàng vào công việc của nhân viên sản xuất. Lý giải về đề án, ông cho biết: “Tôi muốn mọi người cũng chia sẻ công việc với nhau để hiểu hơn những khó khăn vất vả của các bộ phận. Từ đó, họ có cái nhìn thấu đáo hơn trong quá trình làm việc sau này”.

Hết mình vì cộng đồng

Đến nay, Đồng Tâm vẫn lấy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh truyền thống là vật liệu xây dựng, trang trí nội thất làm nền tảng phát triển cho toàn hệ thống, tạo thế đứng để công ty phát triển sang các lĩnh vực khác.

Hiện bên cạnh những bộ sưu tập mới nhất ở các dòng sản phẩm như gạch bông, sứ vệ sinh, ngói màu, sơn trang trí, bột trét tường, cửa nhựa uPVC…, Đồng Tâm còn ra mắt nhóm sản phẩm gạch ceramic và porcelain sử dụng công nghệ in phun kỹ thuật số hiện đại của châu Âu để tạo nên các họa tiết, hoa văn sống động về màu sắc lẫn hình ảnh. Tiêu biểu nhất trong số này là bộ sưu tập gạch lát nền “Trường Sa – Hoàng Sa”. Ngoài yếu tố thẩm mỹ góp phần làm đẹp cho mỗi ngôi nhà, công trình, “Trường Sa – Hoàng Sa” còn là tấm lòng của tập thể lao động Đồng Tâm với mong muốn được đóng góp một phần công sức xây dựng biển đảo quê hương. Cứ mỗi mét vuông gạch “Trường Sa – Hoàng Sa” đến tay người tiêu dùng, Đồng Tâm sẽ đóng góp 20.000 đồng vào chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi Trẻ phát động.

Chia sẻ về những đóng góp của Công ty CP Đồng Tâm, đại tá Mai Tiến Tuyên, Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 2, nói: “Chúng tôi rất cảm động với sự đóng góp của công ty cũng như toàn thể người dân cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Mỗi viên đá gửi đến Trường Sa chính là sức mạnh thể hiện sự đoàn kết, ý chí kiên cường và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

(Theo Báo Người Lao động)

Bình luận