4 tháng, gần 21.500 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động

Do khó khăn chung của nền kinh tế, số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong những tháng đầu năm nay tiếp tục gia tăng.

Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký trong 4 tháng đầu năm nay là gần 21.500 doanh nghiệp, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn là 4.725 doanh nghiệp, tăng 9,2%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là gần 13.500 doanh nghiệp, tăng 10,1%; và số doanh nghiệp giải thể là gần 3.300 doanh nghiệp, tăng 7,2%.

Phân theo ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh, đa số các lĩnh vực kinh doanh đều có số doanh nghiệp phải dừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2013. Một số lĩnh vực có tỷ lệ tăng cao như lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội tăng 47,2%; giáo dục và đào tạo tăng 35,6%; thông tin và truyền thông tăng 31,8%.

Phân theo địa bàn, các doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký vẫn tập trung chủ yếu tại các địa phương trọng điểm như: TPHCM có 7.617 doanh nghiệp; Hà Nội có 4.582 doanh nghiệp; Hải Phòng có 585 doanh nghiệp; Đà Nẵng có 660 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực đã có xu hướng bớt khó khăn khi số doanh nghiệp phải dừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013 như tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 3,3%; hoạt động dịch vụ khác giảm 27,2%.

Cũng theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cùng thời gian trên số doanh nghiệp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động là 5.863 doanh nghiệp. Lĩnh vực có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tập trung nhiều nhất là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 2.133 doanh nghiệp.

Cũng theo báo cáo của cơ quan này, trong 4 tháng đầu năm nay, tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp mới trong những tháng đầu năm nay đang có chiều hướng tăng trở lại. Hầu hết các vùng kinh tế trên cả nước đều có sự gia tăng về số doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng cộng đồng doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long lại có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm trước (giảm 9,6%) và so với các vùng khác trên cả nước. Các địa phương có mức giảm tương đối mạnh là Hậu Giang (giảm 40,5%), Trà Vinh (giảm 39,8%), Sóc Trăng (giảm 34%).

Về cơ cấu theo ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh, trong 4 tháng đầu năm nay, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, hầu hết các ngành đều có sự gia tăng về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử như lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng đến 276,4%. Tuy nhiên, một số ngành lại có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm ngoái là: thông tin và truyền thông (giảm 60,7%); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 0,9%).

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 25.729 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 143.408 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đầu năm nay tăng 8,1% và số vốn đăng ký tăng 16,2%.

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Bình luận