3 bước để có được quyết định đầu tư tài chính khôn ngoan

Để biến một xu trở thành một triệu đô la, đôi khi chỉ là tích tắc của sự lựa chọn. Các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp không bao giờ lựa chọn chỉ dựa vào cảm tính hay đi theo số đông. Bất kỳ quyết định nào của họ cũng phải được phân tích và cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

 

đầu tư tài chính

Phân tích và ra quyết định đầu tư là quá trình lập kế hoạch cho một khoản chi đầu tư có sinh lời kỳ vọng liên tục trong thời gian dài. Trong hoạt động phân tích nhằm đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý, các nhà đầu tư cá nhân thường gặp khó khăn khi phân tích các số liệu do không nắm được phương pháp xử lý thông tin một cách có hệ thống.

Khi bạn muốn tìm kiếm một phương án đầu tư khôn ngoan hoặc bạn đang đứng trước một cơ hội đầu tư nhưng chưa biết rõ tính hiệu quả của phương án như thế nào, bạn không nên vội vã lao vào phân tích các số liệu của phương án đó mà nên nhìn phương án đó trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế và lĩnh vực doanh nghiệp có phương án đó đang hoạt động.

Trong hoạt động phân tích đầu tư, các nhà đầu tư sử dụng phổ biến mô hình top-down với trình tự các bước sau:

Bước 1: Phân tích kinh tế vĩ mô

Trong phân tích kinh tế vĩ mô, các nhà đầu tư cần lưu ý các chỉ số chủ yếu cấu thành nên sức khỏe của một nền kinh tế, đó là GDP, lạm phát, thất nghiệp và tỉ giá hối đoái.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nên quan tâm tới các chính sách của Chính phủ, bao gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong thời gian tới sẽ tác động lên các chỉ tiêu đó như thế nào.

Bước 2: Phân tích ngành hay lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động

Các ngành khác nhau sẽ có phản ứng khác nhau đối với những thay đổi trong nền kinh tế. Triển vọng một ngành trong môi trường kinh doanh sẽ quyết định kết quả của các công ty trong ngành. Vì vây, nên phân tích ngành trước khi phân tích công ty.

Mỗi ngành khác nhau sẽ có đặc tính khác nhau, tùy vào từng giai đoạn và tình hình thị trường mà lựa chọn ngành thích hợp. Khi phân tích ngành, ta xem xét đến tốc độ tăng trưởng, khả năng sinh lời, các yếu tố đầu ra, đầu vào ngành, yếu tố cạnh tranh ngành, điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố thuận lợi và bất lợi của lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đã được phân tích ở bước trên.

Khi hiểu được điều này, các nhà đầu tư sẽ đánh giá được mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế đến ngành và qua đó đánh giá được tốc độ tăng trưởng kì vọng của ngành.

 

đầu tư tài chính

 

Bước 3: Phân tích doanh nghiệp hoặc cơ hội đầu tư cụ thể mà bạn đang quan tâm

Khi phân tích doanh nghiệp, các nhà đầu tư nên chú ý đặc biệt đến các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao dựa trên lợi thế cạnh tranh lâu bền của các doanh nghiệp này. Ngoài ra, phân tích tài chính doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng giúp cho các nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan về hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, vị thế tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.

Trong thực tế, tùy vào mục tiêu và khả năng phân tích mà nhà phân tích có thể sử dụng một trong ba mức độ phân tích nêu trên.

Ví dụ, trong phân tích về công ty, ta có thể sử dụng phương pháp phân tích phi tài chính; đó là đánh giá về bộ máy quản lý doanh nghiệp, về nguồn nhân lực, khả năng phát triển sản phẩm mới, thị trường và thị phần, khả năng cạnh tranh,…

Cũng trong phân tích công ty, ta có thể sử dụng phương pháp SWOT, với việc xác định và đánh giá tập trung vào 04 khía cạnh sau của công ty hay một cơ hội đầu tư: Điểm mạnh (Strengths) – Điểm yếu (Weaknesses) – Cơ hội (Opportunities) – Thách thức (Threats).

Học hỏi, rèn luyện và vận dụng được tất cả các kỹ năng này vào hành trình đầu tư tài chính, bạn có thể nhanh chóng cán đích trên con đường trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Theo HLG

 

Bình luận