Ấn Độ: Hạn chế tham nhũng bằng công nghệ

Để đối phó với nạn tham nhũng, Cơ quan Lý lịch duy nhất (UIDAI – Unique Identification Authority of India) của Ấn Độ đã đưa ra một chương trình sử dụng sinh trắc học, một công nghệ đã từng được cho là viễn tưởng để xác định chính xác 1,2 tỷ dân của đất nước này nhằm bỏ qua khâu trung gian trong quá trình trợ cấp cho người dân.

Ứng dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học, Ấn Độ có thể đối phó hiệu quả với nạn tham nhũng.

Chống tham nhũng

Hiện nay, người lao động nghèo và công nhân di cư buộc phải đi rất xa để lấy lương và lấy trợ cấp, họ phải hối lộ cho bên trung gian trên đường đi và một số tiền lớn dành cho họ bị rơi vào túi của các quan chức và trưởng làng. Một nghiên cứu của Tập đoàn đầu tư CLSA đưa ra ước tính, nếu tính trong phạm vi cả nước, trong số 250 tỷ USD tiền trợ cấp và chi tiêu của các chương trình xã hội trong 5 năm tới thì sẽ có 40% không bao giờ tới được người dân.

Chương trình sinh trắc học này đã được tiến hành từ năm 2010 nhưng mới chỉ vừa hoàn thành giai đoạn ghi danh đầu tiên và đạt được 200 triệu người ghi danh để xác định danh tính cách đây vài tuần. Tuy nhiên, con số này đã lớn hơn so với dân số của bất kì quốc gia châu Âu nào.

Chương trình sẽ sử dụng những bản quét mống mắt và dấu vân tay để xác định danh tính của người dân. Mỗi người kể cả trẻ em sẽ nhận được một “Aadhaar” (có nghĩa là: nền tảng), là số xác nhận duy nhất gồm 12 chữ số trong vài năm tới. Đối với những người nghèo ở Ấn Độ, chương trình này hứa hẹn sẽ kết thúc một chu kỳ luẩn quẩn mà trong đó họ không thể chứng minh được họ là ai và do đó bị phủ nhận những gì mà họ đáng ra được nhận.

Nhận dạng sinh trắc học đã xuất hiện trong nhiều thập kỉ nhưng chưa bao giờ được sử dụng trong phạm vi rộng như vậy. Việc áp dụng công nghệ này phải vượt qua những khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, khó khăn về địa lý và các phong trào ly khai. Phần lớn người dân, đặc biệt là dân nghèo Ấn Độ không có kết nối Internet. Do vậy, các nhà phát triển đã phải tìm ra biện pháp để đảm bảo thu được nguồn thông tin chất lượng cao trên hàng chục nghìn trung tâm ghi danh.

Và những cơ hội khác

Nếu những thách thức này có thể được khắc phục, thì Ấn Độ sẽ có được một cơ hội lớn để thay đổi hình dáng và hiện đại hóa đất nước, cũng như thiết lập được một tiền lệ cho phần còn lại của thế giới, không chỉ giúp nhanh chóng nhận diện được hàng trăm triệu người, chống tham nhũng, và cải thiện các dịch vụ chính phủ, mà còn tạo ra một hệ thống thanh toán di động mới.

Các giao dịch điện tử có thể thay thế những hệ thống phân phối tiền và hàng kém hiệu quả hiện nay. Lần đầu tiên, người dân Ấn Độ có thể chứng minh được danh tính của mình chỉ trong một vài giây với máy quét sinh trắc học dù họ ở bất cứ đâu. Hơn nữa, cùng với gần một tỷ thiết bị di động, các con số Aadhaar có thể trở thành một cửa ngõ cho số lượng lớn dân số Ấn Độ tham gia vào hệ thống tài chính này.

Các hệ thống được sử dụng để chuyển tiền cho người dân tương tự như vậy có thể được sử dụng để tạo ra một nền kinh tế dựa trên các giao dịch di động. Người dân từ 2 làng khác nhau có thể gửi tiền chỉ bằng cách dùng các con số xác định danh tính của họ và có kết nối mạng Internet. Bảo hiểm y tế là một trường hợp có thể được cải thiện khi có chương trình này vì hiện ở Ấn Độ rất khó xác định vị trí và xác minh hồ sơ của một người. Mục tiêu của chính phủ là có thể ghi danh được 600 triệu người Ấn Độ trong vòng 4 năm. Tuy nhiều người đã bày tỏ hoài nghi về khả năng đạt mục tiêu này khi chỉ ra nhiều ví dụ thất bại của những chương trình nhận dạng quốc gia tốn kém trên khắp thế giới, nhưng hiện Ấn Độ đã ghi danh được 200 triệu người, một kết quả rất đáng ghi nhận. Ông RS Sharma, Tổng giám đốc của Cơ quan UIDAI cho biết cơ quan này đã có thể thu thập được thông tin mỗi người dân với chi phí chỉ khoảng 3 USD.

Nhận dạng sinh trắc học từ lâu đã được sử dụng cho các mục đích an ninh nhưng hiện Ấn Độ đang nỗ lực để chứng minh việc có thể sử dụng công nghệ này để đem lại những cơ hội tốt nhất và cuộc sống tốt đẹp hơn cho hàng trăm triệu người dân.

Theo ICTnews

Bình luận