Ý tưởng vĩ đại cũng không thể thành công nếu bỏ quên khách hàng

Mải mê theo đuổi những ý tưởng vĩ đại do mình dứt ruột đẻ ra, nhiều doanh nghiệp quên béng mất điều mà khách hàng thực sự muốn. Đây cũng là lý do quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp thất bại theo một cuộc điều tra của CB Insights.

39992_10__20331_203_1651028

Đã là doanh nhân thì ai cũng đều bắt đầu từ một ý tưởng rồi mới bắt tay vào xây dựng sản phẩm và doanh nghiệp. Sẽ tuyệt biết bao nếu ta có một quả cầu chiêm tinh để biết trước khách hàng sẽ phản ứng ra sao với ý tưởng của mình và thành công có thực sự đến hay không.

Greg Petro từng là một thương gia trong lĩnh vực bán lẻ trong suốt 15 năm, sau đó có vài năm kinh doanh về công nghệ trước khi xây dựng First Insight – một công ty chuyên đánh giá tiềm năng của một sản phẩm mới vào năm 2007. Bản thân ông cũng phải nếm ‘trái đắng’ của việc chi ra hàng tỷ đô la đầu tư cho những sản phẩm mới để rồi đứng nhìn 50% số sản phẩm đó ế ẩm đến mức phải vứt vào sọt thanh lý trong năm đầu tiên.

Không ít doanh nhân cũng từng rơi vào cảnh ngộ tương tự như Greg Petro. Theo Công ty tư vấn dịch vụ công nghệ thông tin Gartner, hơn 50% số sản phẩm mới chẳng làm nên cơm cháo gì. Những nghiên cứu khác thậm chí còn đưa ra con số cao hơn rất nhiều, lên tới 80%.

Trong kinh doanh, hiểu  được tâm lý khách hàng là chìa khoá của thành công. Chỉ có điều, khi doanh nghiệp đi lên, người đưa ra quyết sách cuối cùng cũng như người thiết kế sẽ ngày càng xa rời khách hàng. Đến một lúc nào đó, vì mải mê theo đuổi sản phẩm do mình dứt ruột đẻ ra, họ sẽ quên béng mất điều mà khách hàng thực sự muốn.

Thành công là khi bạn biết rõ khách hàng và những vấn đề của họ để tạo ra những giải pháp sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp. Sau đây là một số phương án giúp bạn tránh sa lầy vào những ý tưởng thiếu khả thi.

Đặt nhu cầu khách hàng lên hàng đầu

Điều này có vẻ quá hiển nhiên nhưng rất hay bị bỏ quên. Trước khi đắm đuối với ý tưởng của mình, hãy dò hỏi ý kiến khách hàng. Nói cách khác, hãy tìm hiểu nhu cầu của khách hàng thay vì tạo ra một giải pháp mới và tìm nhu cầu cho giải pháp đó. Hãy bắt đầu từ một vấn đề, một vướng mắc chứ đừng bao giờ bắt đầu từ sản phẩm.

Rất may là công nghệ ngày nay cho phép chúng ta thu thập được rất nhiều dữ liệu để phục vụ cho việc phỏng đoán, tìm hiểu nhu cầu khách hàng. Các công cụ theo dõi, phân tích các mạng xã hội là vũ khí lợi hại để doanh nghiệp nắm được nhu cầu của khách hàng. Bạn không nên mạo hiểm với một sản phẩm khi chưa nắm được dữ liệu lịch sử về sản phẩm đó, cũng giống như khi lái xe, muốn lái cho tốt bạn phải nhìn vào gương chiếu hậu. Riêng với những giải pháp mà phải trưng cầu ý kiến khách hàng, điều quan trọng hơn là bạn nghe đúng người. Nhiều khi ý kiến chia sẻ trên các diễn đàn trực tuyến mang tính cực đoan (quá tích cực hoặc quá tiêu cực). Chọn công nghệ phù hợp sẽ giúp bạn bỏ qua những âm thanh gây nhiễu và “bắt” đúng tín hiệu.

Bám sát vấn đề

Khi đã xác định được vấn đề, hãy chắc chắn sản phẩm của bạn chính là giải pháp chứ không phải là một cái gì đó nửa vời, như kiểu bạn làm ra một chiếc điện thoại có tính năng chụp ảnh cực kỳ sắc nét nhưng lại không đảm bảo nhu cầu tối thiểu của việc nghe và gọi. Hay như bạn tạo một sản phẩm để giải quyết rất nhiều vấn đề nhưng chẳng vấn đề nào được giải quyết ổn thoả cả.

Đừng lóa mắt với ý tưởng của mình. Hãy bám sát vấn đề cần giải quyết. Quan niệm ‘khách hàng là thượng đế’ là cơ sở đảm bảo cho thành công của bạn về lâu dài.

Quy mô thị trường rất quan trọng

Tại thị trường bất kỳ, khi có một nhu cầu nảy sinh thì sẽ có cả tá nhà sản xuất tuyên bố có thể đáp ứng nhu cầu đó. Vì thế, trước khi thâm nhập vào một thị trường, hãy tìm hiểu xem thị trường đó có đủ lớn để đem lại lợi nhuận cho bạn không. Một sản phẩm mới và sáng tạo chắc chắn sẽ làm thay đổi thị trường. Nhưng liệu rằng bạn sẽ thu được gì từ việc làm ra sản phẩm ấy?

Đơn cử như Taco Bell – tên cũ là Bell’s Burgers – chỉ là một quầy bánh mỳ kẹp sau chiến tranh thế giới thứ hai. Cũng như bao người khác, Glenn Bell mở Bell’s Burgers và nhận ra rằng bánh mỳ kẹp của McDonald và một số thương hiệu nữa đang bắt đầu tràn ngập thị trường. Ông quyết định chuyển sang làm món bánh taco và ngày nay, Taco Bell là một trong những thương hiệu nhượng quyền lớn nhất thế giới.

Hãy thường xuyên theo dõi nhịp đập của thị trường để đảm bảo rằng bạn không bỏ sót một cơ hội lớn nào đó. Một lần nữa, người tiêu dùng sẽ là nguồn thông tin tuyệt vời. Hãy khai thác họ triệt để để có được những thông tin mới và thường xuyên nhất.

Luôn mang lại giá trị gia tăng

Một giải pháp sẽ chỉ cần thiết khi nó giải quyết một nhu cầu nào đó, giống như chai nước sẽ là vô giá khi ở sa mạc nhưng chẳng đáng một xu nếu bán ở gần một con suối tinh khiết. Hãy phân tích thị trường và đưa ra giải pháp của bạn nhưng nhớ rằng giải pháp đó phải có một không hai. Khi một nhu cầu đã có nhiều người đáp ứng, hãy tìm ra khía cạnh đang bị bỏ sót và tập trung khai thác khía cạnh đó.

Amazon đã làm điều này một cách tài tình với Kindle. Họ đã đưa ra một sản phẩm công nghệ đột phá cho thế giới sách. Và khi những chiếc máy đọc sách khác ra đời, Amazon lại bổ sung thêm những tính năng mới làm tăng thêm giá trị của Kindle, từ hỗ trợ file pdf cho đến mực điện tử, thay đổi kích cỡ để dễ di chuyển, sử dụng màn hình cảm ứng, cho phép truy cập mail, mạng xã hội, chơi games,… Họ không ngừng thay đổi để tạo nên sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh.

Thành lập và xây dựng một doanh nghiệp thành công không chỉ nằm ở khía cạnh sáng tạo sản phẩm. Điều quan trọng hơn là phải tìm ra được nhu cầu của khách hàng, nắm được phạm vi thị trường và có thời gian cho nghiên cứu thị trường. Nếu đi từ gốc đến ngọn như thế, bạn sẽ nhanh chóng có được thành công mà không cần đến một quả cầu chiêm tinh.

Theo Hoclamgiau

Bình luận