Thủ tục thuế đẩy doanh nghiệp vào ‘cửa tử’

Một lãnh đạo Cục thuế TP.HCM bộc bạch: “Đây là nỗi khổ của 64 Cục thuế 64 tỉnh thành cả nước chứ không riêng gì TP.HCM. Biết chậm hoàn thuế ngày nào là khổ cho doanh nghiệp ngày ấy, thậm chí đẩy họ vào chỗ phải phá sản, phải chết. Nhưng không thể làm khác đi được… ”.

Càng bức xúc hơn là số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản chưa ngừng tăng thì nỗi ám ảnh “chết vì chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)” đang đẩy thêm nhiều DN vào nguy cơ diệt vong!

Chờ chết… vì thủ tục thuế giá trị gia tăng

Bà Phan Quỳnh Anh, giám đốc Công ty TNHH SX TM trà và cà phê Đông Dương tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, bức xúc: “Công ty chúng tôi đã thực sự ngưng hoạt động vì đã hết tiền. Vụ mùa tiêu sắp tới mà nay vẫn chưa triển khai gì được. Trong khi tiền hoàn thuế GTGT là vốn làm ăn chính của chúng tôi không biết đến bao giờ mới được hoàn!”.

Công ty của bà Quỳnh Anh đã làm đơn khiếu nại lên Chi cục thuế quận Bình Thạnh. Ngày 19/8/2013, Chi cục này gửi thông báo trả lời cho biết trong hồ sơ hoàn thuế của Công ty SX TM trà và cà phê Đông Dương có 3 hóa đơn bị vướng vào các hóa đơn không có giá trị sử dụng; hóa đơn của DN không còn hoạt động…

Về thời gian hoàn thuế, thông báo này viết: “Sau khi có đủ kết quả xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với các DN bỏ địa chỉ kinh doanh; kết quả xác minh hóa đơn có liên quan đến các đơn vị tạm ngưng kinh doanh… Cơ quan thuế sẽ tiếp tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định”. Điều này có nghĩa là chưa biết tới bao giờ!

Bà Quỳnh Anh bức xúc: “Chúng tôi mua hàng của các đơn vị hoạt động đàng hoàng, công khai, làm sao biết được họ dùng hóa đơn không giá trị? Hơn nữa, những DN chúng tôi có quan hệ giao dịch nay “tạm ngưng hoạt động” hay “biến mất”, sao lại bắt buộc chúng tôi phải chịu trách nhiệm và phải chịu hậu quả như thế này?”.

Cục thuế, TP.HCM, thuế giá trị gia tăng, GTGT, xuất khẩu, hồ tiêu, thủy hải sản, hoàn thuế, cửa tử
 Rất nhiều DN xuất khẩu nông sản và hồ tiêu rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” vì thủ tục hoàn thuế GTGT.

Cũng tâm trạng đứng ngồi không yên như bà Quỳnh Anh, một DN xuất khẩu hồ tiêu tại quận 12 tỏ ra cay đắng: “Lẽ ra, để cho một số DN hoạt động công khai sử dụng hóa đơn không có giá trị hoặc họ đã tạm ngưng hay biến mất thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chứ DN  sao mà biết được? Và chúng tôi cũng không có thẩm quyền để kiểm tra những việc như thế này. “Dính” vào họ, chúng tôi là nạn nhân chứ có phải thủ phạm đâu mà bắt chúng tôi phải gánh hậu quả?”.

Cũng tâm trạng bức xúc đứng ngồi không yên, nhiều DN khác đang bàn tính… kiện Cục thuế ra tòa! Lý do duy nhất của họ là: “Kiểu này thì đằng nào cũng chết! Thôi trước khi chết, phải kiện cho ra lẽ!”

“Quýt làm cam chịu”

Mọi chuyện bắt đầu từ công văn số 7527/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế” ngày 12/6/2013 gửi Cục thuế các tỉnh, thành trực thuộc TƯ. Bộ này đã yêu cầu các địa phương tổ chức phân loại DN rủi ro cao về thuế và “tăng cường công tác quản lý thuế đối với DN có rủi ro cao”, đặc biệt lưu ý “các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản”.

Trong đó, phần 3 yêu cầu chỉ đạo của Bộ Tài chính chỉ rõ: “Đối với các DN xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản nếu mua trực tiếp của người sản xuất hoặc chỉ qua một trung gian thì được hoàn thuế GTGT theo quy định, nếu mua hàng qua nhiều trung gian thì phải kiểm tra các khâu trung gian trước. Nếu các DN thương mại trung gian đã kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định thì mới xét hoàn thuế cho DN xuất khẩu” .

Cục thuế, TP.HCM, thuế giá trị gia tăng, GTGT, xuất khẩu, hồ tiêu, thủy hải sản, hoàn thuế, cửa tử

Ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội hồ tiêu, xác nhận: “Tình hình đang rất khó khăn cho các DN của Hiệp hội. Hồ tiêu cũng như một số mặt hàng nông sản khác rất khó nếu không nói là không thể mua trực tiếp từ người sản xuất, phải mua qua các trung gian là đại lý thu mua của các công ty thương mại. Để hoàn thuế, theo công văn 7527, ngành thuế phải rà soát, kiểm tra lại tất cả chứng từ quan tất cả các khâu lưu thông là bất cập!”.

Mặt khác, nhiều DN đăng ký mua bán trung gian xong rồi biến mất khiến cho việc kiểm tra, rà soát bế tắc khiến cho việc hoàn thuế rơi vào thời gian vô định! Chẳng biết tới bao giờ mới được hoàn thuế để lấy vốn hoạt động trở lại. Rất nhiều DN xuất khẩu nông sản và hồ tiêu rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” này.

Ông Tụng cho biết thêm, nhiều lãnh đạo Hiệp hội cũng là chủ DN đang bị rơi vào cảnh “dở sống dở chết” như vậy! Có đơn vị đang mắc kẹt tiền thuế GTGT đến gần 50 tỷ! Đơn vị nhỏ ít nhất cũng đến 3 tỷ đồng!

Ngày 14/8/2013, Hiệp hội hồ tiêu đã có công văn số 34/HTVN-CV gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế kiến nghị, trước mắt, để cứu các DN đang gặp khó khăn, có nguy cơ không thể hoạt động được “hoàn trước kiểm sau” thuế GTGT. Song, đã gần tháng qua, kiến nghị cấp bách này vẫn chưa được trả lời.

Để thoát “cửa tử” lù lù trước mắt, một số DN đã phải “chạy” hoàn thuế. Đã xuất hiện nhiều công ty làm dịch vụ hoàn thuế GTGT cho DN. Tuy nhiên, bản thân các công ty này làm xong cũng biến mất để DN mang họa không biết chừng nào mới thoát ra được hay lại tức tưởi thêm.

Ông Tụng cho biết thêm, hồ tiêu Việt Nam là mặt hàng thế mạnh có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế, có giá trị rất lớn, gấp nhiều lần mặt hàng gạo hay nông sản khác. Chỉ 60.000 tấn xuất khẩu đã đem lại kim ngạch bằng cả triệu tấn gạo. Lẽ ra cần hỗ trợ cho mặt hàng này làm mũi nhọn xuất khẩu. Nay bị vướng việc hoàn thuế chẳng khác gì “chân phải đá chân trái” thế này thật là đáng trách…

Nỗi lòng cán bộ thuế mang tiếng “hành DN”

PV VietNamNet đã nhiều lần liên hệ với Cục thuế TP.HCM để tìm hiểu sự tình. Tuy nhiên, đáng tiếc là nghe đến nội dung bức xúc của DN về việc hoàn thuế GTGT theo văn bản 7527 thì lập tức đều bị… đùn đẩy và hẹn tới hẹn lui. Sau nhiều lần như vậy, cuối cùng cũng gặp một lãnh đạo Cục thuế. Song vị lãnh đạo này yêu cầu không nêu tên vì lý do “tế nhị”: Bộ Tài chính ra văn bản này là cơ quan cấp trên!

Theo vị lãnh đạo Cục thuế (không nêu tên): “Đây đang là nỗi khổ của 64 Cục thuế của 64 tỉnh thành trong cả nước chứ không chỉ riêng TP.HCM. Biết là chậm hoàn thuế ngày nào khổ cho DN ngày ấy, thậm chí đẩy họ vào chỗ phải phá sản, phải chết. Về bản chất, tiền hoàn thuế GTGT là tiền của DN đã ứng trước nộp vào ngân sách khi mua nguyên liệu. Họ đã thực hiện xuất khẩu xong thì phải trả lại chọ họ. Nhưng làm khác chỉ đạo là không được. Vi phạm pháp luật!”.

Bản thân ngành thuế cũng đang khốn khổ vì tinh thần chỉ đạo của văn bản của Bộ Tài chính. Mục đích đề ra là hoàn toàn đúng, song cách thực hiện “quýt làm” mà bắt “cam phải chịu” thì quả là bất hợp lý. Mặt khác, ngành thuế không thể đủ nhân lực để đi kiểm tra rà soát tất cả hồ sơ chứng từ liên quan của các DN. Để kéo dài như thế này, ảnh hưởng nguy hiểm cho DN. Ở góc độ lớn hơn còn ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trả lời câu hỏi vì sao ngành thuế không lên tiếng, vị lãnh đạo này cho biết, Cục thuế TP.HCM và nhiều Cục thuế khác đã kiến nghị lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính rồi. “Chúng tôi cũng bức xúc lắm, chẳng kém gì DN đâu. Để hàng ngàn DN rơi vào cảnh ngộ “dở sống dở chết” như hiện nay thì ai không bức xúc cho được? Chúng tôi cũng khổ tâm và mệt mỏi vô cùng!”.

Khả năng sắp tới một số DN bị “dồn vào cửa tử” sẽ kiện Cục thuế ra tòa, Cục thuế sẽ giải quyết ra sao? Vị lãnh đạo này thừa nhận: “ Chúng tôi đã kiến nghị rõ khả năng như vậy có thể xảy ra rồi”.

Qua điện thoại, luật sư Trương Thị Hòa cho hay đã nhận được đơn của một số DN về việc hoàn thuế GTGT. “Tôi thực sự không hiểu nổi quy định thế nào mà lại bắt người ngay chịu trách nhiệm cho kẻ gian?”, bà nói.

Theo Vietnamnet

Bình luận