Tái cấu trúc ngân hàng: Cần biện pháp mạnh hơn!

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, ông Lê Đức Thúy, cho rằng quá trình tái cấu trúc vẫn chưa được quyết liệt. “Chúng ta đã làm nhưng chưa đúng mức. Các tổ chức tài chính tín dụng đã an toàn, ổn định hơn. Nói chung, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm và nhiều bất cập. Chúng ta đã có những nỗ lực nhất định trong tái cơ cấu hệ thống tài chính, nhưng chủ yếu là hệ thống ngân hàng và cũng mới đạt được những kết quả nhất định chứ chưa đạt được nền tảng để tạo sức ép lớn đối với tái cơ cấu”, ông Thúy nhận xét.

“Hiện chúng ta chỉ có thể bảo đảm cho tiền gửi của người dân vì chưa có cơ chế bảo hiểm tiền gửi, cũng chưa có nguồn ngân sách, mà lại muốn ổn định xã hội. Do vậy, không thể nói một cách giản đơn là ngân hàng nào có nợ xấu ăn hết cả vốn chủ sở hữu thì cho phá sản”, ông Thúy phân tích.

“Quyết liệt” vẫn chưa đủ

Nguyên Thống đốc cho rằng cần cố gắng hạn chế sự đổ vỡ và đạt được thành công nhất định, nhất là khủng hoảng thanh khoản. Một vài TCTD yếu kém mà nếu không có sự tiếp vốn từ NHNN và kiểm soát chặt chẽ thì sẽ đổ vỡ.

Theo ông Thúy, không nên để hiện tượng “domino” trong thị trường tài chính ngân hàng, nhưng cũng đồng thời không đơn giản, cứ động một cái là “đem chôn”. Đây là cả một nghệ thuật về sự điều hành trong bối cảnh hết sức phức tạp. Ngăn chặn sự đổ vỡ và lây lan của nó. Vậy nên, cần phải làm ổn định và lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ngân hàng. Cần phải xem lại việc lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 đã đúng chưa? Bởi có những cái cần phải gấp rút, ráo riết. Ví như là nợ xấu. Mà để biết rõ nợ xấu chỉ có Thông tư 02 mới chỉ rõ điều đó. Chỉ khi nhìn rõ nợ xấu thực chất đến mức nào thì mới có cách xử lý hiệu quả.

 

 

Tái cơ cấu hệ thống TCTD là đúng đắn

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng quá trình tái cấu trúc mặc dù đã có những thành công nhưng những biện pháp vừa qua chưa đủ mạnh. Do đó tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tuy đúng hướng, song chưa tạo sức ép đủ lớn để có tác động mạnh hơn tới quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Theo nhiều chuyên gia, cốt lõi của vấn đề là giải quyết nợ xấu và tăng cường năng lực quản trị điều hành sau tái cơ cấu vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Các ngân hàng thuộc nhóm ổn định thì quan tâm nhiều đến việc giải bài toán trước mắt để tìm đầu ra cho tín dụng. Trong khi các ngân hàng yếu kém thì chật vật lo giải quyết nợ xấu và thanh khoản, chưa thể phục hồi ngay sau khi sáp nhập hay tái cơ cấu tự thân.

Giới chuyên gia nhấn mạnh đến tính cấp thiết cải cách tài chính ở Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang đứng trước thềm hội nhập. Do vậy, dù chi phí cải cách lớn đến đâu cũng nhỏ hơn nhiều so với chi phí các quốc gia phải gánh chịu để khắc phục khủng hoảng.

Bớt “gánh nặng” vốn cho ngân hàng

Một vấn đề khiến nhiều chuyên gia băn khoăn, đó là sự “gánh vác” quá sức của hệ thống ngân hàng. Theo Ts. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nếu có thể có những chỉnh sửa sắp xếp lại về tài chính mấy năm qua, vì hệ thống tài chính đã dựa quá nhiều vào các NHTM, khiến kênh chuyển tải vốn giống như “con kênh độc đạo”, gây nên bất ổn cho hệ thống tài chính trong nước. Do đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng gắn rất chặt với việc tạo điều kiện cho các thị trường vốn khác như tài chính, bảo hiểm… phát triển cân đối với ngân hàng.

Việc cải tổ hệ thống tài chính đặt nặng vấn đề tái cơ cấu hệ thống TCTD là đúng đắn để hệ thống TCTD cạnh tranh hơn, có đủ năng lực cung ứng vốn, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là tái cấu trúc thị trường tài chính đang có 3 bất cập. Theo đó, hệ thống các TCTD chịu gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp, thiếu vốn dài hạn nên phải dùng vốn ngắn và trung hạn gây nhiều rủi ro; trong khi quy mô các NHTM còn nhỏ thì thị phần các ngân hàng lớn chiếm trên 40%…

Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cũng chỉ ra bất cập trên thị trường tài chính hiện nay, khi hệ thống ngân hàng chiếm tới 80% tổng tài sản của toàn bộ hệ thống tài chính, còn lại là thị trường chứng khoán, bảo hiểm… đang manh nha phát triển, song rất yếu ớt, mờ nhạt.

Theo ý kiến nhiều của chuyên gia, đã đến lúc cần phải từ bỏ việc sử dụng các biện pháp hành chính và khuôn mẫu hoạch định chính sách dựa trên các biện pháp hành chính.

“Hiện nay, nước ta đang dựa vào hệ thống ngân hàng để phát triển là chính trong khi thị trường tài chính còn yếu kém. Tôi không nói riêng Việt Nam mà ở các nước đang phát triển, Chính phủ thực thi chính sách kiềm chế tài chính thường có thiên hướng hạn chế sự tham gia của ngân hàng, kiểm soát lãi suất và can thiệp vào sự phân bổ tín dụng mà hậu quả một số ít ngân hàng lớn thống lĩnh dòng vốn chảy chủ yếu vào các doanh nghiệp lớn. Thêm vào đó, thị trường tín dụng chiếm vị trí thống lĩnh nhưng các loại hình dịch vụ còn nghèo nàn; NHTM nhà nước vẫn chiếm 50% thị phần…”, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng, nêu bất cập.

Về vấn đề này, Ts. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng về lâu dài, tái cơ cấu phải làm cho thị trường tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, giảm dần các biện pháp hành chính của Nhà nước.

Tuy nhiên, xem xét thực trạng của ngành Ngân hàng hiện nay, quá trình đó vẫn cần những bước đi và lộ trình nhất định. Đặc biệt, không thể để tiếp diễn tình trạng phát triển ồ ạt quá với nhu cầu thực của nền kinh tế.

Theo TBKD

Bình luận