Quy mô giải pháp ERP: CHỈ CÓ VỪA VÀ LỚN

Theo đánh giá của một chuyên gia triển khai Giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tại thị trường Việt Nam, đã nói đến ERP thì không thể có giải pháp nhỏ mà chỉ có ERP với quy mô vừa và lớn.

“Chi cho ERP bao nhiêu là đủ?”

Đó là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường hỏi khi bàn về ERP. Trên thực tế, ERP hay còn gọi là giải pháp quản trị toàn diện cho DN thường là một lựa chọn ưu tiên khi lên kế hoạch phát triển hoặc tái cấu trúc công ty. Tuy nhiên, nỗi lo phải chi ra một khoản khá lớn để triển khai giải pháp ERP mà chưa nắm rõ hiệu quả, chính là một trở ngại tâm lý rất lớn cho quá trình ứng dụng CNTT.

Vậy vấn đề đầu tiên là xác định được yêu cầu riêng biệt của từng DN, và chọn được một giải pháp với quy mô phù hợp để tránh lãng phí. Tuy nhiên, lựa chọn không dễ, khi vẫn chưa có một chuẩn nào để phân nhóm các giải pháp ERP trên thị trường Việt Nam. Và như một hệ quả tất yếu, DN Việt Nam cảm thấy ngại ngay cả khi nghĩ đến việc tìm đơn vị tư vấn, do có sẵn tâm lí “nhà cung cấp chỉ cố bán càng nhiều càng tốt…” – như theo lời một đại diện DN.

“ERP chỉ có hai nhóm quy mô: Vừa và lớn!”

Trong buổi trao đổi “Quy mô giải pháp ERP và Kế toán” vào ngày 28/05/2010, tại TP.HCM do Thế Giới Vi Tính B tổ chức, cả hai phía chuyên gia tư vấn và đơn vị cung cấp giải pháp ERP cũng thống nhất được về việc cần phải chọn ra một mốc tiêu chuẩn tối thiểu để có thể xem một giải pháp quản lí bằng CNTT là ERP.

Theo các ý kiến được đưa ra trong buổi trao đổi nói trên, đã nói đến ERP là phải đạt các tiêu chuẩn về chuyên môn và khả năng giải quyết gọn các bài toán nghiệp vụ. Bản chất của ERP – Enterprise Resource Planning – là hoạch định – Planning, do đó ERP cần phải giải quyết được các bài toán tương lai. Để được xem là ERP, một giải pháp cần phải có tối thiểu 5 yêu cầu sau:

1. Phải có tối thiểu 5 phân hệ (module) quản lí các tác vụ sau: sản xuất (cả hoặc định, kế hoạch sản xuất và theo dõi sản xuất chi tiết ở mức phân xưởng, theo từng đơn hàng, hợp đồng), mua hàng (kể cả nguyên phụ liệu, vật tư và hàng hóa nói chung), bán hàng, tồn kho và tài chính. Theo quan điểm mới, có thể gom mua hàng, bán hàng, tồn kho vào một nhóm là hậu cần (logistic). Do đó, có thể nói một giải pháp ERP phải có tối thiểu là 3 nhóm chức năng chính: sản xuất (manufacturing), logistic và tài chính (financial). Giải pháp ERP phải có khả năng quản lí tổng thể, kết nối và thống nhất luồng thông tin từ ba nhóm chức năng này.

2. Về công nghệ, một giải pháp ERP ít ra phải có khả năng vận hành đồng thời trên nhiều môi trường khác nhau (Ví dụ: Windows, Linux, Mac OS…). Khả năng làm việc đa người dùng tối thiểu trong mạng LAN với mô hình client- server. (không phải là chia sẻ dữ liệu (share files))

3. Có khả năng tích hợp với các hệ thống khác thông qua việc sử dụng các tiêu chuẩn chung. Có khả năng tích hợp các module độc lập từ các nhà cung cấp khác.

4. Có khả năng tùy biến (customizable).

5. Có khả năng xuất dữ liệu (data) và nhận data từ một nhà cung cấp khác.

Để đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên, về quy mô cấu trúc phần mềm CNTT, một giải pháp ERP chắc chắn chỉ có thể thuộc một trong hai tầm: vừa và lớn. Để phân định giữa hai nhóm này, theo ý kiến của các chuyên gia thì đơn giản nhất có thể xét về số phân hệ. Nếu chỉ có 5 phần đã kể ở trên thì có thể xếp vào nhóm vừa. Còn nếu có trên 5 phân hệ thì có thể xếp vào nhóm lớn. Ngoài ra, nhóm các giải pháp lớn thường phát triển về mảng Planning và Analysis (Hoạch định và phân tích), trong khi các giải pháp vừa thì ít hơn rất nhiều, chủ yếu là ghi nhận thông tin.

“EPR không dành cho DN nhỏ?”

“Từ trước đến nay Sở KHCN đã chú trọng hỗ trợ DN tự động hóa sản xuất. Nhưng, ngoài tự động hóa bằng máy móc, DN cần thêm các giải pháp quản lý tổng thể để tự động hóa quản lý, góp phần tự động hóa toàn diện DN. Tuy nhiên trên thực tế còn nhiều DN ứng dụng ERP chưa thành công. Sở KHCN sẽ quan tâm nghiên cứu vấn đề này để hỗ trợ DN tốt hơn”, Ông Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM.
b1007 gp 57 1 Quy mô giải pháp erp: CHỈ CÓ VỪA VÀ LỚN

Hiện trên thị trường Việt Nam đang tồn tại 2 nhóm: nhóm ERP nước ngoài và nhóm ERP do các đơn vị trong nước sản xuất. Bản thân nhóm ERP trong nước cũng chia làm 2 nhóm: giải pháp ERP được phát triển lên từ phần mềm Kế toán lớn; và giải pháp được xây dựng từ đầu… Thị trường cũng có 2 nhóm chuyên gia tư vấn ERP: chuyên tư vấn giải pháp nước ngoài và nhóm tư vấn cho cả 2 giải pháp trong và ngoài nước…

Trên lý thuyết, tất cả các DN đều có thể tận dụng những ưu điểm mà các giải pháp ERP mang lại để tăng hiệu quả hoạt động của mình. Tuy nhiên, do đặc tính ngành nghề, không phải DN nào cũng có nhu cầu sử dụng hết toàn bộ 5 phân hệ quản lí tối thiểu của một giải pháp ERP. Do đó, cũng có thể nói một DN phải đạt đến một quy mô nhất định nào đó mới có nhu cầu ứng dụng ERP. Trong khi đó, các DN vừa và lớn cũng sẽ cân nhắc khi chọn mua, để tránh lãng phí khi mua giải pháp không đủ tầm, sử dụng một thời gian phải chuyển qua dùng giải pháp lớn khác.

Còn đối với các DN nhỏ có nhu cầu, có thể chọn mua riêng biệt các giải pháp chuyên môn như kế toán, quản lí kho, quản lý bán hàng để tránh lãng phí khi triển khai ERP mà không dùng hết các phân hệ. Các giải pháp này luôn có sẵn trên thị trường và có khi cũng được cung cấp bởi chính các đơn vị chuyên cung cấp giải pháp ERP trên thị trường Việt Nam.

b1007 gp 56a Quy mô giải pháp erp: CHỈ CÓ VỪA VÀ LỚN
b1007 gp 56b Quy mô giải pháp erp: CHỈ CÓ VỪA VÀ LỚN
b1007 gp 56c Quy mô giải pháp erp: CHỈ CÓ VỪA VÀ LỚN
b1007 gp 56d Quy mô giải pháp erp: CHỈ CÓ VỪA VÀ LỚN
b1007 gp 56e Quy mô giải pháp erp: CHỈ CÓ VỪA VÀ LỚN
Các chuyên gia và nhà cung cấp giải pháp phần mềm tham gia buổi trao đổi “Quy mô giải pháp ERP và Kế toán”, ngày 28/5/2010, do Thế Giới Vi Tính B tổ chức, từ trái sang: Ông Nguyễn Thanh Quang (Quang Nguyễn), Giám đốc Vina-Consulting; Ông Phan Quốc Khánh, Giám đốc Công ty Fast; Ông Thẩm Văn Hương, Giám đốc Công ty Phúc Hưng Thịnh; Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc chi nhánh phía Nam Công ty CMC; Ông Hồ Nguyên Đạt, Công Ty Global Cybersoft.

( Theo PCW)

Bình luận