Nguy cơ “lạm phát” luật

Nguy cơ “lạm phát” luật đang là hiện hữu khi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/4, Ủy ban Pháp luật nhận thấy “số lượng dự án luật được đề nghị đưa vào chương trình năm 2015 là quá lớn, trong đó có nhiều dự án mới chưa có trong chương trình khóa 13”.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lo ngại: “Số lượng như vậy là vượt quá khả năng chuẩn bị cũng như quỹ thời gian của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khả năng xem xét, thông qua của Quốc hội”.

Để ứng phó với nguy cơ “lạm phát” luật, Ủy ban Pháp luật có nhấn mạnh 4 quan điểm rằng, cần ưu tiên đưa vào chương trình các dự án triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó tiếp tục khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án quy định về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Chỉ đưa vào chương trình những dự án có thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; việc đưa các dự án vào chương trình phải tính đến quỹ thời gian, khả năng thực tế của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và thời gian Quốc hội xem xét, thông qua; tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan; ưu tiên đưa vào chương trình các dự án đã có trong chương trình nhiệm kỳ khóa 13; đối với các dự án chưa có trong chương trình chỉ bổ sung khi thực sự cần thiết và đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Đưa vào rồi lại rút ra”

Chính phủ có trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai phương án cho chương trình xây dựng luật năm 2015, phương án 1 gồm 94 dự án luật và phương án 2 là 90 dự án luật.

Cả hai phương án đều bị các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội “chê”, là nhiều dự án theo kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp ở giai đoạn cần phải sớm ban hành, nhưng không được đề xuất đưa vào chương trình năm 2015 và cũng không nêu rõ lý do, như dự án: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Về hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Biểu tình…

Một số dự án được đề nghị đưa vào chương trình nhưng không có thuyết minh, như Luật Đơn vị hành chính, Luật Thương mại (sửa đổi).

Đã thế, việc xây dựng chương trình “chưa nghiêm, nhiều khi vừa trình xong lại xin rút ra” như ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển.

Về sự trễ hẹn hết lần này đến lần khác của Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, ông Hiển tỏ vẻ sốt ruột: “Vừa qua Luật Ngân sách, Chính phủ đã xin lùi từ kỳ họp thứ 7 sang thứ 8, nhưng có lẽ sẽ còn phải tiếp tục kéo lùi sang kỳ họp thứ 9, dẫn đến việc xây dựng kế hoạch ngân sách sẽ gặp rất nhiều vướng mắc”.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cũng nói, cái yếu của Chính phủ bấy lâu nay là “cứ đưa vào rồi lại rút ra”. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì có cảm nhận chương trình xây dựng luật “cứ mênh mông, nên mất nhiều thời gian mà chất lượng không đạt. Có những luật cần thiết cấp bách phải ban hành thì cứ chờ chán chê mê mỏi”.

Hay thì thật là hay…

Với các lý do như phấn đấu đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 (vào năm 2016) phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng đầy đủ pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực trọng tâm…, Chính phủ đề xuất năm 2015, Quốc hội tổ chức thêm một kỳ họp bất thường về công tác xây dựng pháp luật.

Khen đề xuất này của Chính phủ là “rất hay”, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển không đồng tình, vì cho rằng nếu có kỳ họp bất thường thì cũng khó mà cải thiện được tiến độ xây dựng luật với tình trạng soạn thảo chậm, không đạt yêu cầu đề ra như hiện nay.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nói: “Tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề nữa không giải quyết được vấn đề. Bởi vì chất lượng luật trình không đáp ứng được nhu cầu”.

“Nếu thêm một kỳ họp nữa các đại biểu lại phải đi ra, đi vào. Nhưng băn khoăn lớn nhất là thời gian Chính phủ trình ra Quốc hội có kịp hay không? Chất lượng như thế nào? Chứ luật kém mà trình ra cũng bó tay”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ sung.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật rành rọt phân tích: “Từ sau khi kết thúc kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 9 chỉ có 5 tháng lại trùng vào Tết Nguyên đán; từ sau khi kết thúc kỳ họp thứ 9 đến kỳ họp thứ 10 chỉ có 4 tháng.

Nếu tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề vào giữa các kỳ họp thường lệ thì chỉ có thể vào tháng 3 hoặc tháng 7, nên nếu chỉ có 1 đến 2 tháng để cho ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý đối với khoảng 20 dự án luật thì sẽ không thể bảo đảm thời gian, nhất là sẽ không bảo đảm chất lượng.

Thứ hai, ảnh hưởng đến việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và các hoạt động bình thường khác.

Thứ ba, theo đề nghị của Chính phủ, nếu tổ chức một kỳ họp chuyên đề cũng chỉ xem xét, thông qua được nhiều hơn 4 dự án so với việc không tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề.

Mặt khác, việc tổ chức thêm một kỳ họp sẽ kéo theo nhiều chi phí, nhất là chi phí đi lại của đại biểu”.

Theo DNSG

Bình luận