Ngân hàng trong nước dè dặt trong ứng dụng CNTT

Đây cũng chính là điểm yếu điểm khiến các ngân hàng trong nước khó vượt qua được cơn bão khủng hoảng tài chính hiện nay.

 Đau đầu bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh các ngân hàng đang phải đối mặt với sự bùng nỗ về dữ liệu (về khối lượng, chủng loại, định dạng) và các áp lực tăng lợi nhuận, tuân thủ pháp lý, đòi hỏi của khách hàng về chất lượng dịch vụ…, hơn lúc nào hết, ngành ngân hàng đang đứng trước lựa chọn khó khăn: tăng cường đầu tư công nghệ để cải thiện hoạt động kinh doanh của tổ chức hay cắt giảm chi phí? Trong khi đó, hạ tầng công nghệ cũng như trình độ ứng dụng của các ngân hàng trong nước còn khá khiêm tốn.

Theo ông Nguyễn Quang Khải, Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam, mặc dù ngân hàng là ngành có trình độ ứng dụng CNTT cao nhất nhưng Việt Nam chưa thể so được với trình độ của các ngân hàng trong khu vực hay toàn cầu. Trong bối cảnh các ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức trong thị trường cạnh tranh như ngành tài chính, họ cần có nhiều công cụ hỗ trợ để nâng cao khả năng quản lý tài chính và rủi ro để thích ứng với thị trường. Hiện chỉ có một vài ngân hàng trong nước có hệ thống phân tích dữ liệu theo thời gian thực hay công cụ tích hợp các chức năng kế toán, tài chính, kiểm soát chi phí, quản lý rủi ro, quản lý tài sản và phân tích lợi nhuận.

Đồng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Tin học Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, các ngân hàng trong nước mới qua giai đoạn đầu tư cơ bản về công nghệ. Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng trong nước đều đã triển khai những hệ thống CNTT cơ bản như hệ thống ngân hàng lõi (core banking), trung tâm dữ liệu, hệ thống dự phòng, quản trị quan hệ khách hàng (CRM), hoạch định nguồn lực doanh nghiệp… Thế nhưng, vấn đề của các ngân hàng hiện nay là làm sao khai thác hiệu quả hạ tầng CNTT hiện tại cũng như sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu được trích xuất từ các hệ thống phần mềm kể trên. Mô hình kiến trúc hướng dịch vụ (SOA) đã được nhắc đến từ lâu nhưng thời điểm này, các ngân hàng trong nước mới thực sự quan tâm.

Vậy các ngân hàng cần quan tâm đến bài toán ứng dụng nào?

 Giải pháp phân tích kinh doanh

Theo Phil Carter, chuyên gia công nghệ của IDC châu Á – Thái Bình Dương, các ngân hàng ở châu Á đang có xu hướng đầu tư vào các giải pháp phân tích kinh doanh để có thông tin hay thậm chí dự báo chính xác về các dịch vụ kinh doanh, xu thế thị trường, kỳ vọng của khách hàng. Qua đó, đưa ra được những quyết định cần thiết để duy trì hiệu năng tối ưu hay mở rộng kinh doanh.

Thực tế tại Ngân hàng Banco Pastor (thành lập năm 1776 tại Tây Ban Nha) với gần 600 chi nhánh và văn phòng tại 9 thành phố ở châu Âu và châu Mỹ là một ví dụ. Quan điểm của lãnh đạo ngân hàng này là khách hàng ngày nay có rất nhiều lựa chọn và họ ít trung thành. Đây là thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội thu hút khách hàng mới. Vì vậy, giải pháp mà ban lãnh đạo Banco Pastor đưa ra là cung cấp cho khách hàng những dịch vụ cần thiết, phù hợp với hành vi và đặc tính của họ. Muốn vậy, Banco Pastor phải rất am hiểu khách hàng.

Ngân hàng này đã tập trung nghiên cứu hồ sơ của khách hàng, các cấp độ rủi ro của khách hàng, những dự báo về hành vi của khách hàng trong tương lai bằng việc ứng dụng phần mềm phân tích và mô hình hóa.

Theo Chasles Manuel, Phụ trách kinh doanh nhóm Phần mềm IBM Asean, ngân hàng này đã rút ngắn được thời gian đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới và cải thiện được 20% khả năng giữ chân khách hàng nhờ các chiến lược marketing phù hợp.

Điện toán đám mây

Tháng 1/2012, Ngân hàng Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA) đã quyết định chuyển toàn bộ hơn 110 nghìn nhân viên của mình tại hơn 30 quốc gia từ Microsoft Exchange sang sử dụng mảng dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây của Google bao gồm Gmail, Google Chat, Google Calendar, Google Docs, Google Groups, Google Sites and Google Video.

Theo bà Carmen Lopez Herranz, Giám đốc đổi mới toàn cầu của BBVA, việc tiết giảm chi phí không phải mục tiêu quan trọng mà là phương thức vận hành của ngân hàng. BBVA hướng tới tăng khả năng cộng tác trong công việc giữa các nhân viên nhằm thúc đẩy đổi mới, ra quyết định và tăng năng suất. “Chúng tôi đang ở trong một thị trường đầy thách thức và cần phải ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn… và loại bỏ sự trùng lặp”, bà nhấn mạnh.

Còn theo đánh giá của giới công nghệ, BBVA đã tạo ra cách nhìn nhận mới cho doanh nghiệp trong việc sử dụng các dịch vụ đám mây. Ngành ngân hàng với nhu cầu an ninh cao và quy định nghiệp vụ ngặt nghèo cuối cùng cũng đã hiểu rõ ích lợi của hệ thống đám mây và chấp nhận công nghệ này.

Vũ Nga

Bình luận