Ngân hàng càng bán lẻ càng cần CNTT

Ngân hàng VIB, một trong những ngân hàng tham gia ASEAN Banker forum. Ảnh: VIB cung cấp.

 Sau năm 2015, bán lẻ sẽ là phân khúc khách hàng chủ đạo mà các ngân hàng tập trung khai thác nhằm mở rộng thị trường. Để khai thác tốt phân khúc này, ngân hàng rất cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Đó là là một trong những nội dung được quan tâm tại diễn đàn ASEAN Banker Forum diễn ra tại TPHCM hôm 19-11. Đây là sự kiện thường niên do Tập đoàn dữ liệu IDG và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện này, ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nói rằng lâu nay các ngân hàng chỉ tập trung khai thác phân khúc khách hàng lớn và bỏ quên phân khúc bán lẻ. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phân khúc này đã không đem lại hiệu quả và lợi nhuận cao.

“Vẫn tồn tại một khoảng trống lớn trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng và phân khúc khách hàng cá nhân đang bị bỏ ngỏ. Ước tính, chỉ có khoảng 20% người tiêu dùng ở độ tuổi trưởng thành đang sử dụng dịch vụ ngân hàng”, ông nói.

Theo ông Huy Tuấn, cơ hội để phát triển ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam là rất lớn bởi nhờ vào yếu tố dân số đông, thu nhập đầu người đang trên đà tăng trưởng, doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn là đối tượng cần được cung ứng vốn thường xuyên.

“Muốn phát triển kênh ngân hàng bàn lẻ đòi hỏi các ngân hàng phải sáng tạo, đa dạng hóa dịch vụ cho vay, phải đầu tư mạnh cho hạ tầng công nghệ và cuối cùng là quản trị được rủi ro”, ông nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội, cho rằng các ngân hàng thương mại Việt Nam tuy đi sau nhưng có lợi thế trong việc lựa chọn và hiện đại hóa, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào việc khai thác thị trường bán lẻ, tăng cường tiếp cận với khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Đã qua rồi thời mà khách hàng phải giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Người tiêu dùng bây giờ đang có xu hướng không muốn đến ngân hàng, chỉ muốn ngồi ở nhà, trên xe hoặc bất cứ chỗ nào mà vẫn có thể giao dịch được với ngân hàng. Các ngân hàng nên xem xét xu hướng di động này như một chiến lược để phát triển kênh bán lẻ của mình”, ông nói.

Một trong những yếu tố khác để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam là kênh thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng lên nhanh chóng.

Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink, trích dẫn con số thống kê của Ngân hàng Nhà nước rằng tỷ lệ thanh toán tiền mặt đã giảm từ 20,3% trong năm 2004 xuống còn 14% trong năm 2010. Và đến nay, tỷ lệ này còn khoảng 12%.

“Theo đánh giá của Smartlink thì phương tiện giao dịch điện tử và kênh thanh toán điện tử sẽ phát triển nhanh chóng về số lượng cũng như loại hình. Trong ba năm tới kênh thanh toán phi tiền mặt sẽ dần thay thế các phương thức thanh toán truyền thống. Do đó, các ngân hàng phải đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng công nghệ để phát triển kênh bán lẻ và bắt kịp xu hướng này”, bà nói.

Cũng tại buổi hội thảo này, các ngân hàng như ANZ, HSBC, Trung tâm thẻ VISA, VIB và các chuyên gia công nghệ từ Oracle, Diasoft, Geneys đã chia sẻ những kinh nghiệm về triển khai hệ thống công nghệ cho ngân hàng.
Bình luận