Ma trận hàng thật – hàng giả

Với mức độ vi phạm ngày càng phổ biến ở tất cả các mặt hàng, từ sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, dược phẩm, vật tư đến các thiết bị, máy móc… việc phát hiện và xử lý hàng giả gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi các cơ quan hữu quan đang loay hoay đối phó với muôn vàn chiêu thức làm giả và tiêu thụ hàng giả ngày càng tinh vi, thì người tiêu dùng (NTD) lại như đang bị quay trong ma trận thị trường với muôn vàn chủng loại mặt hàng nhưng không thể phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là thật.

Buổi triển lãm “Hàng thật – hàng giả” do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức thu hút được nhiều NTD tham gia. Thế nhưng, bước vào đây như “lạc” vào một ma trận của thế giới tiêu dùng thu nhỏ với đủ các chủng loại, mặt hàng có trên thị trường. Điều đáng chú ý là nếu không có sự chỉ dẫn của các lực lượng chức năng, cũng như đại diện của các nhãn hàng, người xem không thể phân biệt được hàng thật, hàng giả, cho dù đã có biển hiệu phân biệt với các sản phẩm này.

Khó phân biệt

2 mẫu sản phẩm bột gặt Omo của Unilever với cùng trọng lượng và bao bì giống y hệt nhau được ông Nguyễn Trung Thành – cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái, chỉ ra: với hàng thật phải rất “tinh” mới phát hiện ra vòng tròn được dập nổi trên mặt bao bì ngay tại tên sản phẩm; còn với hàng giả, bao bì thậm chí còn được làm “bắt mắt” và đẹp hơn, song không có vòng tròn được dập nổi.

Tương tự với sản phẩm nước mắm Nam Ngư của Masan, sản phẩm được làm giả khá tinh vi với mẫu mã, bao bì giống hệt sản phẩm thật, nên phải nắm được các dấu hiệu nhận biết, phân biệt hàng giả – hàng thật thì NTD mới có thể lựa chọn đúng sản phẩm chính hãng. Đơn cử như dấu hiệu nhận biết hàng thật với ngày sản xuất và hạn sử dụng thường được dập nổi ở phần trên của thân chai, trong khi với hàng giả, những thông tin này lại chỉ được in trên giấy giới thiệu sản phẩm được dán lên thân chai.

Không dễ phân biệt hàng thật – hàng giả

Bên cạnh việc lựa chọn mua ở những địa chỉ phân phối có uy tín, thì những dấu hiệu nhận biết hàng thật – hàng giả được xem là “chìa khoá” giúp NTD mua được sản phẩm tiêu dùng chính hãng. Tuy nhiên, để có những thông tin nhận biết hàng thật lại là bài toán khó với NTD khi có không ít thương hiệu hiện nay ít công bố các dấu hiệu nhận biết này đến với NTD do lo ngại các đối tượng làm giả có thể dựa trên cơ sở này để làm hàng giả giống hàng thật.

Bà Nguyễn Thị Hà – đại diện sở hữu công nghiệp cho nhãn hàng Sanyo tại Việt Nam, cho biết tình trạng làm giả nhãn hiệu Sanyo ngày càng phức tạp và phổ biến trên thị trường, không chỉ làm giả những sản phẩm của thương hiệu này, như: quạt, nồi cơm điện…, mà cả những sản phẩm mà Sanyo… không sản xuất cũng được làm giả, như: ấm đun nước. Điều đáng chú ý, hàng giả của nhãn hiệu này không chỉ được bày bán ở các điểm bán lẻ truyền thống, cửa hàng điện tử, mà ngay cả trong siêu thị – vốn là các địa chỉ phân phối hàng có uy tín.

Phối hợp chưa chặt

Theo ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), vấn nạn hàng giả đang ngày càng diễn ra phức tạp, trở thành vấn đề bức xúc cho cả xã hội. Cũng bởi, việc làm hàng giả diễn ra ngày càng phổ biến ở tất cả các mặt hàng, chủ yếu là các thương hiệu nổi tiếng, từ các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, như: thực phẩm, đồ uống, hóa mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ dùng…, mà cả những vật tư, máy móc, đặc biệt là thuốc tân dược cũng bị làm giả. Với những thủ đoạn làm giả khá tinh vi, cùng nhiều phương thức vận chuyển như xé lẻ hàng, tiêu thụ tại nơi khó kiểm soát như chợ truyền thống, điểm cửa hàng tạp hoá, nên công tác ngăn chặn, chống hàng giả ngày càng khó khăn. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan cũng chưa được chặt chẽ, chưa có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, khiến cho hàng giả ngày càng lộng hành trên thị trường.

Dẫn chứng về thực trạng này, đại diện của Cục Quản lý thị trường cho biết để phân biệt được hàng thật – hàng giả phải có chủ thể bị xâm hại là các đơn vị, doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng thật đối chứng. Tuy nhiên, khi cơ quan này kêu gọi DN tham gia chứng thực hàng thật – hàng giả, nhiều DN đã đưa ra “muôn vàn lý do” để từ chối tham gia đối chứng và đấu tranh, ngăn chặn hàng giả. Hoặc với những sản phẩm đặc thù, mang tính chuyên ngành như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tân dược, phải có cơ quan chuyên môn kiểm định, đánh giá và tiêu huỷ. Đã có hàng nghìn vụ bắt giữ các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả tại các vùng sâu vùng xa, song cơ quan quản lý thị trường gặp bế tắc trong công tác tiêu huỷ do khi đề nghị thuê đất, xin đất để tiêu hủy theo đúng quy định, nhiều địa phương từ chối do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.

Theo Cục Quản lý thị trường, số vụ vi phạm hàng giả ngày càng tăng lên, từ đầu năm đến nay cơ quan này đã xử lý hơn 9.000 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm an toàn thực phẩm. Với nguồn lực có hạn, đơn vị này cho biết sắp tới sẽ tập trung vào các mặt hàng giả có liên quan đến sức khoẻ con người để đấu tranh, như: thực phẩm, đồ uống, vật tư nông nghiệp, thuốc tân dược. Do đó, cơ quan này khuyến cáo bên cạnh sự chủ động tích cực tham gia của các ban ngành liên quan và DN, NTD cũng cần tránh tâm lý ham rẻ, mua hàng trôi nổi không có xuất xứ và cùng tham gia đấu tranh với đơn vị, điểm bán hàng giả trên thị trường.

Theo TBKD

Bình luận