Linux là một đối thủ cạnh tranh lập dị

Hệ điều hành Linux đang vươn lên mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, từ những chiếc siêu máy tính cho tới điện thoại di động và trở thành đối thủ đáng kể của Windows.

So với Windows, những ưu điểm nổi trội của Linux bao gồm: tốc độ nhanh hơn, ít gặp rắc rối với virus, không đòi hỏi cấu hình máy cao và hoàn toàn miễn phí. Trong suốt một thập kỉ, gần như Linux chỉ được người dùng tự cài đặt. Tuy nhiên, giờ đây hệ điều hành ưa thích của các chuyên viên công nghệ thông tin đang trở nên phổ dụng. Hơn nữa Linux không hề xung đột với Windows. Windows mặt khác vẫn tiếp tục chịu sự tấn công của các tay “tin tặc” trên mạng.

Hiện nay, người dùng muốn sở hữu một phần mềm của Microsoft thì phải trả chi phí tương đối cao và việc nhiều chương trình hiện vẫn chưa tương thích với Vista là một nguyên nhân khiến nhiều người dùng không muốn sử dụng. Mặc khác, người dùng cần phải mua một vài phần mềm chống virus trong khi Linux ít bị ảnh hưởng của mã độc. Phần mềm Aegis Virus Scanner tích hợp sẵn có thể chạy ở chế độ nền.

Rõ ràng, lợi thế so sánh của Linux với Windows là rất lớn. Việc hoàn toàn miễn phí hệ điều hành và các phần mềm cũng như ít nguy cơ tấn công khiến người dùng Linux ngày một đông đảo.

Microsoft hiện đang sở hữu một thị trường rộng, khách hàng đã quen với thương hiệu của công ty và quyền bảo hộ (sở hữu trí tuệ) tốt nên lợi thế của Microsoft ngày một phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, Microsoft có đội ngũ chuyên gia tư vấn và quản lý doanh nghiệp tốt nên về mặt này sản phẩm của công ty có những nét nổi trội so với Linux.

Theo nhận định của giới chuyên môn, Linux là một đối thủ cạnh tranh lập dị. Không có một công ty, tập đoàn nào đằng sau nó. Linux và Windows là hai đối thủ có thể gọi là khó có thể “chấp nhận nhau” trên thị trường hệ điều hành hiện nay. Nhưng mã nguồn mở Linux đang phát triển rất mạnh và “gã khổng lồ Microsoft” không thể không biết và để ý đến điều này.

Đối với các nước đang phát triển, xu thế vận dụng công nghệ vào quản lí là rất lớn. Trong khi đó, tin học hóa ở các nước này vẫn còn chậm, đây là cơ hội tốt nhất để cho Microsoft phát triển các chương trình phần mềm của mình. Mặt khác, do chi phí phần mền cao và có sự ràng buộc về bản quyền, xu thế chuyển sang phần mền mã nguồn mở đang trở thành trọng tâm của các nước đang phát triển. Hiện các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc đang có xu hướng chuyển sang sử dụng phần mềm riêng (nội địa hóa).

Tại các thị trường đã phát triển, khi triển khai nguồn mở, doanh nghiệp, Nhà nước và cá nhân phải tốn nhiều chi phí để thay thế hệ thống mới, cập nhật các ứng dụng liên quan và đào tạo lại đội ngũ nhân viên. Nhưng ở các thị trường đang phát triển, cả 3 khâu trên đều không xảy ra và việc họ cởi mở hơn với “nguồn mở” cũng là chuyện tất yếu.

Hơn thế nữa, một ưu điểm nổi bật của nguồn mở là nó cho phép các nước đang phát triển cơ hội vực lên ngành công nghiệp IT nội địa. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, bởi thường thì những nước này không có nền công nghiệp phần mềm, hoặc nếu có cũng rất èo uột.
Trước tình hình một loạt các nước quyết định cho “rơi” Windows và Office để chuyển sang phần mềm nguồn mở, Microsoft quyết định vãn hồi tình thế bằng một chiến lược mới dành cho thị trường IT bằng cách liên kết với Linux để tạo thế mạnh hùng hậu hơn của Microsoft trên thương trường. Đây cũng là chiến lược chịu sự cạnh tranh khốc liệt và có vẻ như nguồn mở đang giành thế thượng phong.

Nguy cơ chính của Microsoft hiện nay là công ty đang mất dần thị phần là do người dùng và các quốc gia đang có xu thế xây dựng hệ thống phần mềm riêng dần dần thay thế và tránh lệ thuộc Microsoft. Chiến lược mà Linux kỳ vọng chính là trong các ứng dụng mới, như máy chủ Web và thiết bị cầm tay. Khi những ứng dụng này phát triển, cải tiến, phần mềm hỗ trợ chúng sẽ dứt áo rời bỏ máy tính để bàn (desktop) để nhảy lên Internet và Microsoft sẽ bị mất thị phần.

Ứng dụng Linux trên thiết bị cầm tay thực sự là mối đe doạ cho công việc kinh doanh các chương trình cho máy tính để bàn gắn với hệ điều hành Windows. Khi Internet trở thành trung khu thần kinh của mọi hoạt động điện toán, thay vì mạng LAN như hiện nay, các thiết bị, máy tính sẽ chạy trên nền Linux. Đơn giản vì Linux hoàn toàn xây mới, hoàn toàn tương thích. Ngày càng có nhiều người để máy tính xách tay ở nhà và mang thiết bị cầm tay theo.

Với đội ngũ chuyên gia tư vấn tốt, thương hiệu và khách hàng là một lợi thế nhưng Microsoft nên khôn ngoan tăng tốc đầu tư và nghiên cứu các ứng dụng Linux trong tương lai gần, bởi khu vực này – do tính chất mới của nó, sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng tốt hơn so với lĩnh vực hệ điều hành hay cơ sở dữ liệu quen thuộc.

( Theo VnExpress.net )

Bình luận