Google đối mặt án phạt kỷ lục vì cáo buộc độc quyền

Google có thể đối mặt với mức án phạt cao nhất trong lịch sử dành cho những vi phạm về cạnh tranh tại Liên minh châu Âu (EU).

 gg-jrqh-1429111879593

Sau hơn bốn năm EU giám sát hoạt động của Google, hãng này và các đối thủ đang chuẩn bị đón nhận quyết định từ Hội đồng cạnh tranh EU.

Hãng Google có khả năng phải đối mặt với án phạt tiền lên tới 6,6 tỷ USD cùng những quy định chặt chẽ hơn liên quan đến cách thức Google cung ứng dịch vụ tra cứu trên mạng. EU có thể sẽ đưa ra quyết định trong tuần này, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho hay.

Dưới sự lãnh đạo của Ủy viên hội đồng cạnh tranh Margrethe Vestager, EU đã tăng cường hoạt động điều tra đối với Google từ tháng 12 năm ngoái.

Theo đó, các nhà quản lý châu Âu tìm kiếm thêm thông tin từ các đối thủ của hãng này về dịch vụ bản đồ online, theo dõi lịch trình và các dịch vụ khác. Châu Âu chiếm khoảng một phần ba doanh thu toàn cầu của Google.

Việc Google chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường tìm kiếm trực tuyến ở một số nước châu Âu khiến nhiều doanh nghiệp cùng ngành bao gồm Microsoft và Expedia “phát ốm”. Các hãng này cáo buộc Google luôn làm nổi bật các dịch vụ của mình trên công cụ tìm kiếm khiến các đối thủ bị ảnh hưởng.

Dù hiện EU chưa đưa ra quyết định chính thức với Google và cũng sẽ có nhiều rào cản pháp lý với việc cáo buộc, nhiều người cho rằng bà Vestager sẽ có khá nhiều phương án để phạt hãng này, như yêu cầu Google trả những khoản tiền phạt khổng lồ và buộc hãng thay đổi cách hiển thị dịch vụ của mình trong các kết quả tìm kiếm.

“Đó là một cuộc điều tra nghiêm túc với những hậu quả nghiêm trọng nếu EU quyết định mở một cuộc điều tra về Google và thu thập được bằng chứng. Thông thường án phạt với những trường hợp lạm dụng địa vị thống lĩnh thị trường là một khoản tiền phạt kết hợp với yêu cầu thay đổi hành vi kinh doanh theo nhiều cách khác nhau,” giáo sư về luật chống độc quyền Spencer Waller tại Đại học luật Loyola ở Chicago cho biết.

Phát ngôn viên của Google từ chối bình luận về việc liệu Google có phải đối mặt với các cáo buộc hay không.

Ủy ban cạnh tranh của EU có thể cũng mở một cuộc điều tra chính thức đối với hệ điều hành Android của công ty, theo một văn bản nội bộ của Google. Theo văn bản đó, với trường hợp của Android, Google có vị trí pháp lý khá vững vàng, bởi phần mềm này sử dụng mã nguồn mở, có giá thành thấp và sự xuất hiện của nó giúp tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Hiện bà Vestager đã cam kết sẽ gặp mặt đại diện của Google và các đối thủ trước khi quyết định các bước tiếp theo.

Thị trường châu Âu chiếm khoảng 35% doanh thu toàn cầu của Google, theo Carlos Kirjner, một nhà phân tích của Sanford C. Bernstein & Co tại New York. Hãng này kiểm soát đến trên 90% thị trường công cụ tìm kiếm trực tuyến ở châu Âu, so với khoảng 65% ở Mỹ.

Một công cụ pháp lý có thể được EU sử dụng là phạt tiền tương đương 10% doanh thu hàng năm.

Trước đây Intel từng bị phạt 1,1 tỷ USD và yêu cầu bỏ việc bồi hoàn giá dành riêng cho các nhà sản xuất máy tính chỉ sử dụng chip của hãng này. Microsoft cũng đã bị phạt 2,24 tỉ EUR trong cuộc chiến kéo dài đến cả thập kỷ chống các cáo buộc độc quyền của EU.

Mức phạt 10% doanh thu hàng năm của Google có thể khiến hãng này mất đi 6,6 tỷ USD, theo số liệu doanh thu của năm ngoái. Đó sẽ là một mức phạt nặng nhất đối với một công ty trong cùng trường hợp.

Tuy nhiên EU chưa bao giờ đưa ra mức phạt tối đa theo quy định, và khoản phạt 6,6 tỷ USD cũng không phải là quá lớn đối với một công ty có 64,4 tỷ USD tiền mặt và đầu tư ngắn hạn như Google.

Nhưng tiền phạt có thể không phải là thách thức lớn nhất của Google.

EU cũng có thể yêu cầu hãng thay đổi cách hiển thị kết quả tìm kiếm. Điều đó sẽ không chỉ ảnh hưởng gì đến quyền tự chủ của Google trong cách điều hành mảng kinh doanh cốt lõi mà còn làm giảm doanh thu.

Nếu trong vài tuần tới Google nhận được bản tuyên bố cáo buộc, hãng này có thể tự bào chữa bằng văn bản hoặc tại một phiên điều trần. Quá trình đó có thể mất vài tháng và phải sang năm tới mới có quyết định cuối cùng.

Theo Cafebiz.

Bình luận