Giá dầu giảm: Kinh tế Việt Nam được và mất

Giá dầu thô giảm trong thời gian gần đây đang được cho là yếu tố chủ chốt tác động đến việc hụt thu ngân sách trong năm nay, thiếu nguồn đầu tư năm tới và nhiều hệ quả không tốt khác.

w620h405f1c1-files-articles-2015-1086002-gia-dau-giam-kinh-te-vn-duoc-va-mat-doanhnhansaigon

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng các tác động tiêu cực này có thể được bù trừ trong năm 2015, nhưng điều quan trọng hơn là khai thác tốt tác động có lợi này.

Giá dầu thô giảm, phải tính cả được và mất

Tác động của giá dầu đến khai thác dầu thô và tăng trưởng kinh tế là nội dung chính trong phiên họp đầu tiên của liên bộ: Ngân hàng Nhà nước và ba bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, ngày 17/12, nhằm triển khai “Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô”.

Tại đây, Bộ Tài chính cho rằng, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000-1.200 tỉ đồng, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì khẳng định khoảng 11 – 12% tổng thu ngân sách nhà nước từ dầu thô nên giá dầu thô giảm có ảnh hưởng lớn đến ngân sách và xuất nhập khẩu.

Năm 2015, dự toán thu ngân sách từ dầu thô là 93 nghìn tỉ đồng với giá dự toán dầu thô là 100 USD/thùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tưước tính, nếu giá dầu giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống còn bình quân 70 USD/thùng trong năm 2015, thì ngân sách hụt thu khoảng 30.000 tỉ đồng. Nếu giá dầu giảm xuống bình quân 60 USD/thùng, ngân sách sẽ giảm nhiều hơn nữa.

gia-dau-giam-kinh-te-vn-duoc-va-mat-doanhnhansaigon-1
Mỏ Bạch Hổ

Nhìn lại, đây không phải lần đầu tiên giá dầu thô biến động mạnh. Biến động giá dầu thô năm 2008 có mức độ ghê gớm hơn hiện nay rất nhiều, giá dầu từ mức 150 USD/thùng rớt xuống 35 USD/thùng. Khi đó, ảnh hưởng từ giá dầu thô giảm đã giúp lạm phát của Việt Nam ba tháng cuối năm có số âm và kéo lạm phát cả năm xuống còn 20%. Vấn đề đặt ra là tại sao năm 2008 người ta không nói gì mà bây giờ lại cho đó là nguyên nhân tác động đến tăng trưởng kinh tế, hụt thu ngân sách…

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, cho rằng: “Khoảng cách giữa con số báo cáo thực hiện với con số quyết toán của ngân sách vẫn rất lớn, mà dầu thô không phải yếu tố chủ chốt tác động đến thu ngân sách. Vì vậy, thay vì nói chung chung, thì chúng ta “phải tính được cả cái mất và cái được”.

Theo TS Ánh, “nói ngân sách ảnh hưởng bởi giá dầu thô giảm là không đúng”, ngân sách được tính theo giá hiện hành, khi lạm phát cao, nghiễm nhiên đạt, thậm chí vượt thu ngân sách, bởi giá tăng đã giúp vượt thu. Từ đầu năm 2014 đến nay, lạm phát thấp nên thu ngân sách không được lợi theo cách tính này, nhưng Bộ Tài chính công bố tính đến ngày 22/12/2014 thu ngân sách là 831,19 nghìn tỉ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% sốước thu cả năm. Trong đó, thu dầu thô đạt 118,4% dự toán, bằng 94,3% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội.

Việt Nam là nước khai thác và xuất khẩu dầu thô nhưng số lượng không nhiều. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 chúng ta khai thác được trên 15 triệu tấn dầu thô. Giả định, nếu bán hết toàn bộ lượng dầu khai thác được với giá 100 USD/thùng sẽ thu được 10 tỉ USD, còn nếu bán giá 60 USD/thùng như hiện nay thì chỉ thu được 6 tỉ USD và trong số này, ngân sách có được từ 3-4 tỉ USD.

Với 4 tỉ USD mất đi do chênh lệch giá bán cũng không phải toàn bộ là của Việt Nam mà nó còn là phần “ăn chia” với đối tác nước ngoài cùng với các loại thuế tài nguyên, thuế doanh nghiệp, thuế môi trường… Như vậy, nếu có thiệt thì chúng ta cũng chỉ thiệt một nửa.

Cạnh đó, không chỉ xuất khẩu dầu thô mà ta còn nhập khẩu dầu thô. Năm 2014, tính đến tháng 11 đã nhập khoảng 800 triệu USD, cả năm có thể lên đến 1 tỉ USD và trong năm cũng đã nhập khoảng 12 triệu tấn xăng dầu các loại. Điều này cho thấy ta cũng được lợi từ giá dầu thô xuống.

Phân tích trên là những lĩnh vực có thể tính trực tiếp, song quan trọng hơn là phần gián tiếp. Những tác động tiêu cực lâu nay bị cho là do giá xăng dầu lên, như không điều chỉnh giá trong nước theo giá thế giới khiến chi phí năng lượng cao, sản xuất kinh doanh khó khăn… bây giờ đã chuyển sang hướng tích cực hơn. Một khi các yếu tố đều tích cực, phải lượng định được nó là bao nhiêu tiền, để từ đó suy ra ngân sách được bao nhiêu và được từ đâu.

Áp lực 2015

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, với ngân sách từ giá dầu thô giảm có thể được bù trừ trong năm 2015 khi chính phủ thực hiện các động thái tích cực. Bộ Tài chính hồi đầu tháng 12 cũng đã tăng thuế đánh vào các sản phẩm dầu khí nhằm giúp bù đắp thâm hụt ngân sách. Một số biện pháp khác như việc cắt giảm các hoạt động khoan dầu một cách có chọn lọc đang được cân nhắc, bởi lo ngại làm giảm lợi nhuận của các công ty khai thác dầu…

Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho hay, Việt Nam đang sản xuất dầu mỏ với giá rẻ, chủ yếu từ 35-40 đôla/thùng và cân bằng xuất nhập nên về cơ bản đã “trung hòa” được các tác động lớn đến ngành sản xuất dầu khí.

Trong khi đó, chỉ trong năm tháng qua, giá dầu đã giảm đến 1/3 và mang lại tác động rất tích cực đến hạ giá thành. Các ngành sản xuất khác khi nhập nguyên vật liệu cũng trong xu thế giá rẻ cũng có lợi. Do đó, tuy bán dầu có thất lợi (chiếm khoảng 11% nguồn thu ngân sách), nhưng các lợi ích khác từ nền kinh tế đem lại sẽ lớn hơn.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế gần đây, giá dầu giảm đem lại nhiều yếu tố tích cực cho nền kinh tế trong nước hơn là gây khó. Ngân sách Việt Nam giờ đây đã giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu so với trước đây (tỷ lệ đã giảm từ 20 – 25% xuống còn 10%), thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, từ đó lại giúp gia tăng hoạt động chi tiêu và sản xuất.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gần đây đã nâng tăng trưởng GDP dự kiến của Việt Nam năm 2015 từ mức 5,7% lên 5,8%. Tập đoàn Frontier Strategy (FSG) còn dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 có thể cao hơn so với mức dự báo tăng 5,9% của năm 2014.

Nếu giá dầu ổn định ở mức 50 USD/thùng trong năm 2015, FSG cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể lên đến trên 10% do sức mua được cải thiện đáng kể và lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng. Ông Glen B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, cũng cho rằng kể cả khi giá dầu giảm 10% trong bốn quý liên tiếp, GDP của Việt Nam cũng sẽ chỉ giảm 0,1%, trong khi lạm phát có thể giảm 2,6 – 2,7%.

Năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán các hiệp định tự do thương mại FTA với Cộng đồng châu Âu EU, Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakxtan, Hàn Quốc và đang cố gắng kết thúc đàm phán TPP gồm 12 nền kinh tế và một số đàm phán khu vực mậu dịch khác. Cuối năm 2015, các nước ASEAN cũng bắt đầu thực thi Cộng đồng ASEAN. Giá dầu giảm sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế nhiều nước, làm giá đầu vào, giá thành nhiều sản phẩm và dịch vụ giảm, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thế giới.

Vì thế, áp lực cạnh tranh trực tiếp tác động đến toàn bộ nền kinh tế và từng doanh nghiệp. Các FTA thế hệ mới không chỉ liên quan đến hàng rào thuếở các đường biên, mà có nhiều thỏa thuận và yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh từ trong nội địa. Như vậy, Việt Nam chỉ có mạnh lên thì mới có thể tham gia thành công trong hội nhập thời gian tới.

Trong định hướng như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2014 vào ngày 2-12 với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các hiệp định thương mại mới” nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Việt Nam trong năm 2015, đó là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nổi bật để góp phần tăng GDP cả năm 2014 ước đạt 5,9% và đó là triển vọng phát triển kinh tế năm 2015, với tăng trưởng 6,2%.

Thủ tướng cũng cam kết chủ động hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, coi đây là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định trong việc chủ động hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã có và tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong bối cảnh giá dầu thô giảm, lạm phát giảm, GS. Nguyễn Quang Thái cũng cho rằng giữ vững ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh mới có điều kiện thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thích ứng với điều kiện mới của cạnh tranh và hội nhập. Bởi các chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô liên quan trực tiếp đến “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Các cuộc điều tra về doanh nghiệp những năm gần đây cho thấy doanh nghiệp nội đang rất khó khăn. Biết rằng, trong cơ chế thị trường thì việc bị đào thải, sàng lọc là dĩ nhiên, nhưng nếu doanh nghiệp bị “chết” và “mới sinh” lại khá cân bằng thì chất lượng của các doanh nghiệp Việt quá kém. Tình hình như vậy, khó có thể vươn lên chủ động cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp các nước trong hội nhập sắp tới.

Theo DNSG

Bình luận