Doanh nghiệp nước ngoài thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài thúc giục Chính phủ Việt Nam thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại, và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2014) khai mạc sáng nay tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, và nhiều quan chức chính phủ.

7f1ca_doanh_nghiep
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị hàng loạt cải cách kinh doanh. Ảnh TG

Đẩy nhanh TPP và FTA với EU

Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), ông Marc Towsend cho rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem đến cơ hội cho Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng và đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội.

Trích dẫn số liệu của Bộ Thương mại Hòa Kỳ, ông khẳng định TPP sẽ mang đến một hướng phát triển tốt cho nền kinh tế Việt Nam. TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam trong năm 2025 cao hơn 28,4% so với mức GDP không có sự hỗ trợ từ TPP. Tương tự, giá trị xuất khẩu sẽ cao hơn 35,7%.

Năm 2013, các công ty hội viên AmCham rất hài lòng với tình hình giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng khoảng 20%, đạt 29,7 tỉ đô la Mỹ. Thương mại song phương trong ba tháng đầu năm nay đã tăng 14%.

“Nếu xu hướng hiện nay được tiếp tục duy trì, thương mại song phương về hàng hóa có thể đạt 60,2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, và có thể lên đến gần 70 tỉ đô la Mỹ năm 2020 nếu có TPP,” ông Towsend nói.

AmCham tin tưởng rằng TPP và các hiệp định thương mại khác sẽ đem lại nhiều cơ hội mới hỗ trợ chiến lược phát triển của Việt Nam hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Các hiệp định này có thể hỗ trợ quá trình gỡ bỏ các rào cản thương mại trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường và mua sắm chính phủ. Đồng thời quá trình này cũng giúp phát triển các chuẩn mực mới trong hệ thống quy định chặt chẽ, quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Eurocham, nhận xét Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đang có những bước tiến thuận lợi, và hy vọng sẽ được ký kết trong năm nay.

Liên minh châu Âu là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 1.810 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng vốn đăng ký là 723 ngàn tỉ đồng (34,28 tỉ đô la Mỹ) tính đến tháng 1-2013. Mối quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về kinh tế lẫn chính trị. Hai khía cạnh này đã gia cố niềm tin của các nhà đầu tư châu Âu về thị trường Việt Nam, được phản ánh qua Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quí 1-2014 do Eurocham tổng hợp đã tăng vọt từ 50 lên 59 điểm – vượt qua mức trung bình lần đầu tiên kể từ năm 2012.

Ông Andreatta nói: “Đây là một bước tiến quan trọng cho thấy niềm tin ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Việt Nam”. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU được ký kết, ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng hơn 15% (so với nếu không có FTA), tiền lương thực tế của lao động có tay nghề cao có thể tăng khoảng 12%, tiền lương thực tế của lao động phổ thông có thể tăng khoảng 13% và giá trị xuất khẩu có thể tăng lên gần 35%. Tuy nhiên, các lợi ích tiềm năng này có thể bị suy yếu nếu Việt Nam không cam kết thực hiện toàn diện các điều khoản thương mại quốc tế và đảm bảo việc thi hành hiệu quả các điều khoản này.

Kiến nghị dỡ bỏ nhiều rào cản kinh doanh

Ông Townsend cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực trong chống tham nhũng. Ông nói: “Vấn đề tham nhũng là vấn đề phổ biến ở Việt Nam và có tác động tiêu cực tới nền kinh tế và xã hội nói chung. Trong khi Chính phủ đã có một số hành động cụ thể, đây là thời điểm thích hợp để triển khai việc phòng chống tham nhũng trên quy mô rộng hơn…”

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đưa ra năm vấn đề chính mà Việt Nam cần chú trọng: tôn trọng và thi hành các cam kết của WTO trước khi ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA); việc cấp phép phân phối cho các doanh nghiệp nước ngoài; vấn đề cấp thị thực nhằm thu hút khách du lịch và công tác; gỡ bỏ giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là tại các ngân hàng; và thủ tục hòa giải tranh chấp từ doanh nghiệp tới Chính phủ.

Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), nhận định 70% doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam năm 2013 tiếp tục coi Việt Nam là thị trường quan trọng và sẽ duy trì chiến lược “mở rộng hoạt động” trong năm 2014, một tỷ lệ cao so với phần lớn các quốc gia khác.

Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng ngày càng cảm thấy không hài lòng với môi trường kinh doanh tại đây. Đặc biệt, hơn 60% các doanh nghiệp được hỏi cho rằng nhiều vấn đề đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, cụ thể là chi phí lao động tăng nhanh, thủ tục hành chính phức tạp, chính sách thiếu minh bạch, thủ tục thuế rườm rà, hệ thống pháp luật thiếu hoàn thiện, thiếu minh bạch trong thực thi luật. Kết quả điều tra cho thấy môi trường Việt Nam thiếu tích cực hơn so với các nước ASEAN láng giềng khác.

Tuy các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đánh giá rất cao cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, nhưng những vấn đề nêu trên đang ngày càng ảnh hưởng nhiều đến cảm nhận của nhà đầu tư và về lâu dài sẽ có ảnh hưởng xấu đến cả hoạt động đầu tư FDI nói chung. Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp hiện nay là một đòi hỏi cấp bách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội sau này của Việt Nam.

Ông Kim Jung In, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), đề cập đến những thiệt hại của các doanh nghiệp nước ngoài sau những sự kiện xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai, và Vũng Áng hồi giữa tháng 5 vừa qua. Ông đề xuất Chính phủ có biện pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại.

Ông nói: “Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam vô cùng hoan nghênh và ủng hộ nhiệt thành những thiện chí và nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam đã thể hiện trong việc xử lý khủng hoảng. Như một người đồng hành với nền kinh tế của Việt Nam, Korcham sẽ luôn cố gắng hết sức để biến tình trạng khủng hoảng này thành cơ hội dành cho đầu tư nước ngoài bền vững ở Việt Nam.”

Theo Thesaigontimes

Bình luận