Điện toán đám mây – đâu khó hiểu !

Thực tế, khái niệm điện toán đám mây đang ngày càng được tiếp thị một cách rộng rãi tới người dùng. Tuy nhiên, đối với số đông, dường như đây là một khái niệm khá “mù mờ” cũng như… mây vậy. Trong khi đó, một số khác đơn thuần lờ mờ hiểu về khái niệm này chỉ đơn giản là lưu dữ liệu của bạn trên mạng Internet.

1. Dữ liệu của tôi được lưu ở đâu ?

Việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây cũng đồng nghĩa với việc dữ liệu của bạn được lưu trên các hệ thống đĩa cứng lớn trong các máy chủ khổng lồ được kết nối với mạng Internet. Bên cạnh đó, điều đó còn là việc có thể sử dụng các ứng dụng nền web và truy cập chúng qua mạng– mất kể từ máy tính cá nhân, máy tính bảng hay thậm chí là điện thoại di động. Bạn có thể nhanh chóng làm việc bất kể đang ngồi ở máy mình hay hệ thống lạ, truy cập dữ liệu từ bất kì đâu và sử dụng nhiều dịch vụ hấp dẫn khác. Các tác vụ bảo trì hệ thống, bảo mật… thậm chí có thể giao trọn cho nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nếu muốn.

2. Điện toán đám mây có phải khái niệm hoàn toàn mới ?

Không hề. Một thực tế thú vị là điện toán đám mây thực ra đã hiện diện từ lâu qua các dịch vụ mà người dùng không lạ lẫm gì. Tuy nhiên ít người biết được điều này. Trên thực tế, có rất nhiều dịch vụ điện toán đám mây đã và đang được sử dụng– thậm chí là từ lâu. Bạn hãy tự hỏi mình xem đã bao giờ lưu dữ liệu ở đâu đó để mở từ mọi nơi (Flickr, Dropbox, Mediafire…), chạy các ứng dụng web như diệt virus, email (Yahoo, Gmail, Hotmail…), soạn thảo văn bản, máy ảo… hay chưa ? Nếu rồi, thì việc tiếp cận với điện toán đám mây đã xảy ra với bạn.

3. Điện toán đám mây đồng nghĩa với kho lưu trữ trực tuyến ?

Đúng nhưng chưa đủ. Hiển nhiên việc sử dụng “đám mây” sẽ cho phép bạn có kho lưu trữ dữ liệu trực tuyến và khả năng truy cập nhiều dịch vụ để đáp ứng nhu cầu riêng. Một ví dụ quen thuộc là Dropbox – công cụ lưu trữ trực tuyến cho phép mọi người dùng mới đăng kí có 2GB khoảng trống. Các dịch vụ khác như Amazon mặc định cho 5GB rộng rãi hơn. Bên cạnh lưu trữ, các dịch vụ như Google còn cho phép tạo tài liệu, các bảng tính, lịch… và sử dụng nhiều công cụ văn phòng hữu ích một cách miễn phí. Trong khi đó, Spotify lại là dịch vụ lưu nhạc trực tuyến với hàng triệu bài hát cho phép sử dụng miễn phí thời gian đầu.

4. Điện toán đám mây có giúp linh hoạt hơn trong công việc ?

Khả năng truy cập dữ liệu ở mọi nơi đồng thời cho phép bạn tiếp tục công việc đúng ở chỗ trước đó dừng lại là một lợi thế lớn cho công việc. Hiện nay, những dịch vụ như iCloud của Apple đã cho phép đồng bộ các thiết bị cùng lúc bất cứ khi nào người dùng cập nhật nội dung của các tập tin. Như thế, dù là sử dụng thiết bị nào, bạn cũng có thể truy cập ngay tới cùng một tập tin dữ liệu. Dĩ nhiên với các dịch vụ miễn phí kiểu như thế, cái giá phải trả chính là độ “riêng tư” của dữ liệu.

5. Điện toán đám mây có giúp tôi cắt giảm chi phí đầu tư ?

Thực tế, điện toán đám mây là giải pháp giúp các doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí trong khi vẫn tận dụng được những tính năng hiện đại nhất. Những khía cạnh “tiết kiệm” có thể đạt được ví dụ như năng lượng vận hành máy chủ, chi phí cho bản quyền phần mềm… khi doanh nghiệp chuyển từ việc sử dụng phần mềm email riêng (kiểu như Outlook) sang mail trên web, đưa cơ chế phòng virus sang dạng trực tuyến, sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây thay cho máy chủ riêng. Việc tận dụng tối đa các dịch vụ đám mây sẽ cho phép bạn tiết kiệm đáng kể chi phí.

6. Làm thế nào để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm, riêng tư ?

Nhiều chuyên gia bảo mật khuyến cáo rằng người dùng luôn luôn nên mã hoá dữ liệu ngay từ đầu. Đây là điều đặc biệt quan trọng nếu bạn là người dùng thường xuyên thực hiện các tác vụ liên quan tới tài chính hoặc tài liệu có dữ liệu nhạy cảm, cá nhân riêng tư. Việc tự mã hoá dữ liệu cũng có thể được xem là lớp bảo vệ đầu tiên rất mạnh mẽ. Các gói công cụ văn phòng điển hình như Microsoft Office đều cho phép mã hoá các tập tin với từ khoá riêng.

Theo XHTT

Bình luận