Dân số Việt Nam bắt đầu già hóa

Tỷ suất sinh, tỷ suất chết giảm nhanh và tuổi thọ tăng khiến dân số cao tuổi tăng nhanh chóng về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số. Dân số cao tuổi tăng nhanh hơn các nhóm dân số khác, chỉ số già hóa tăng nhanh, trong khi đó tỷ số hỗ trợ tiềm năng lại giảm đáng kể.

w620h405f1c1-files-articles-2014-1085705-cham-soc

Đó là một trong những nội dung chính được đưa ra phân tích trong Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước về ứng phó với biến đổi nhân khẩu học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và các hàm ý chính sách đối với Việt Nam” do Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức.

Dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh

Ông Arthur Erken – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết “ Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các nước trong khu vực”.

Tỷ suất sinh, tỷ suất chết giảm nhanh và tuổi thọ tăng khiến dân số cao tuổi tăng nhanh chóng về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số. Dân số cao tuổi tăng nhanh hơn các nhóm dân số khác, chỉ số già hóa tăng nhanh, trong khi đó tỷ số hỗ trợ tiềm năng lại giảm đáng kể.

Các kết quả nghiên cứu của UNFPA cũng cho thấy, thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, chỉ 20 năm so với 85 năm đối với Thụy Điển, 26 năm đối với Nhật Bản và 22 năm đối với Thái Lan. Điều này có hàm ý quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế cũng như yêu cầu trong việc thiết kế và thực hiện các chương trình an sinh xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi – nhóm dân số được coi là thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất.

“Tuy việc tuổi thọ tăng lên là đáng mừng cho gia đình và xã hội, nhưng cũng tạo ra thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt với xu hướng người cao tuổi sống riêng không có sự giúp đỡ của con cái” – ông Arthur Erken nhấn mạnh.

Khoảng 43% người cao tuổi đang làm việc, nhưng hầu hết là làm nông nghiệp hoặc tự làm sản xuất, kinh doanh với thu nhập còn thấp và không ổn định.

Lý giải một phần của vấn đề này, TS. Lưu Bích Ngọc – Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội chỉ rõ: “Xuất cư đã gây nên tình trạng khan hiếm lao động nông thôn và khó khăn trong chăm sóc người già và trẻ em”.

Người di cư chủ yếu là những người trong độ tuổi lao động, nên số ở lại nông thôn chỉ còn phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, trẻ em và những người đã hết tuổi lao động”.

Điều này làm cho những người cao tuổi phải vất vả thêm, phải làm cả những công việc đồng áng mà đáng lẽ khi tuổi già họ không phải làm nữa. Thậm chí, ở nhiều địa phương có nhiều người xuất cư, người già trên 70 tuổi vẫn là lực lượng chủ đạo để canh tác nông nghiệp.

Điều đáng nói là Việt Nam đang diễn ra những cuộc di cư lớn trong và ngoài nước với tốc độ ngày càng tăng, trong suốt thập kỷ qua.

Ở góc nhìn khác, PGS,TS. Giang Thanh Long – Viện trưởng Viện Chính sách công Đại học Kinh tế Quốc dân lo ngại “Có sự khác biệt lớn giữa các nhóm người cao tuổi trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, trong đó người cao tuổi sống ở các khu vực nông thôn, miền núi và người cao tuổi có thu nhập thấp chỉ có thể tiếp cận với các dịch vụ chất lượng thấp”.

Thách thức lớn nhất hiện nay là hệ thống y tế thay đổi khá chậm so với biến động của dân số cao tuổi cũng như nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Điển hình là mới chỉ có 28 tỉnh, thành phố trên cả nước mà bệnh viện tỉnh, thành phố có khoa lão khoa, việc đào tạo chuyên khoa lão khoa tại các trường y còn hạn chế, chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng còn chưa phát triển và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà mới chỉ bắt đầu.

Một số khuyến nghị

Từ các nghiên cứu của mình, UNFPA cho rằng, Việt Nam cần: tăng trưởng và phát triển kinh tế gắn liền với tăng cường hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo và nâng cao thu nhập cho người cao tuổi từ việc làm và hưu trí.

Trong đó, tận dụng cơ hội dân số vàng một cách có hiệu quả, cải cách các chế độ hưu trí hiện hành, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, mở rộng hệ thống trợ cấp cho người cao tuổi…

Đồng thời, tăng cường các dịch vụ y tế và chăm sóc người cao tuổi, kết hợp chăm sóc tại cộng đồng và tại nhà theo yêu cầu. Cải thiện và tăng cường hoạt động nghiên cứu chính sách và xây dựng hệ thống số liệu, dữ liệu chất lượng cao về dân số cao tuổi.

Chia sẻ một số kinh nghiệm của Thái Lan về ứng phó với “già hóa dân số”.

TS. Worawet Suwanrada – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghiên cứu Dân số cho hay: “Để ứng phó với già hóa dân số, Chính phủ Thái Lan đã thành lập nhà công cộng cho người cao tuổi, xây dựng hệ thống an sinh, đạo luật cho người cao tuổi, thành lập quỹ và xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe lâu dài cho người cao tuổi”.

Nhờ vậy, nguồn thu nhập chính của người cao tuổi Thái Lan từ trợ cấp tuổi già tăng từ 0% năm 1994 lên 11,4% năm 2011. Đó là kết quả rất đáng khích lệ.

“Việt Nam nên có cách tiếp cận chương trình hưu trí công từng bước, từ một số tiền trợ cấp nhỏ và số lượng nhỏ những người nhận và dần mở rộng số lượng người nhận và số tiền được nhận.

Trong đó, việc thiết kế các chương trình hưu trí phải là một phần của hệ thống hưu trí công cộng rộng lớn hơn” – TS. Worawet Suwanrada nhấn mạnh.

Theo DNSG

Bình luận