Cải thiện môi trường kinh doanh: Càng ì ạch, càng tụt hậu

Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang được các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Dư luận đang hồi hộp, chờ đợi những kết quả cụ thể, trước hết là việc cắt giảm số giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp từ 872 giờ xuống còn 171 giờ.

mg-5187

Nghị quyết 19 của Chính phủ xuất phát từ sáng kiến của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch, nhất trí tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, bởi đây là việc thiết thực để cải thiện năng lực cạnh tranh của cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không thể cạnh tranh trong môi trường và thể chế như hiện nay, một khi doanh nghiệp không cạnh tranh được thì nền kinh tế cũng không thể cạnh tranh với các nền kinh tế khác trong khu vực và thế giới.

Việc Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam… đưa ra các kế hoạch cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan đến thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp từ 872 giờ xuống còn 171 giờ, cho thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của lãnh đạo các đơn vị này.

Nhưng qua đó vẫn thấy một điều mà LS. Nguyễn Ngọc Bích ở TP.HCM nói mới đây: “Ở Việt Nam cho đến bây giờ, tư duy cơ bản của những người làm luật, những người làm chính sách vẫn là quản lý dựa trên sự nghi ngờ, nghi ngờ với xã hội, với doanh nghiệp và với người dân. Từ những nghi ngờ đó, họ tìm mọi cách để quản thật chặt xã hội, doanh nghiệp và người dân. Các vị ấy quá tự tin trong khi chính bản thân lại có rất nhiều điều đáng nghi ngờ”.

Các cơ quan nhà nước “rất tài” nghĩ ra những hành vi mà doanh nghiệp, người dân có thể vi phạm để phạt. Các quy định về xử phạt hành chính rất tỉ mẩn, bản in một nhãn hàng bị mờ hay thiếu một vài chữ, đều là những hành vi bị đưa vào để phạt.

Trong một văn bản phạt 45 trang, nhưng nội dung các cơ quan nhà nước bị phạt nếu vi phạm chỉ vỏn vẹn 5 dòng, phần còn lại dành cho doanh nghiệp và người dân.

Báo cáo của các đơn vị liên quan đến việc cắt giảm thời gian nộp thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp mới đây cũng chỉ rõ sự chồng chéo, thiếu phối hợp giữa các cơ quan nhà nước. Bản thân những việc này đã vi phạm các quy định nhưng không bị đụng đến, tất cả đều chĩa vào người dân.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trước đây đã nói, các cơ quan vẫn chọn cách dành thuận lợi cho mình và đẩy khó khăn cho doanh nghiệp, cho người dân. Đến bây giờ tình hình đó vẫn còn, thậm chí còn nặng nề hơn. Giấy tờ, thủ tục hành chính bây giờ được ban hành nhiều hơn, phức tạp hơn rất nhiều so với thời điểm hình thành Luật Doanh nghiệp, năm 1999.

Ở đây, có thể là do cuộc sống phức tạp hơn, nhưng cũng có thể các cơ quan quản lý không thể nâng mình lên, không thể phát triển nhanh hơn sự phức tạp đó. Nhà nước đầu tư nhiều trang thiết bị, cơ quan nào cũng có máy tính, Thủ tướng họp giao ban trực tuyến với các địa phương, nhưng tại sao các bộ ngành và địa phương lại không thể làm việc trực tuyến với nhau?

Thứ trưởng Bộ Tài chính vẫn phải nói một cách nài nỉ với Bảo hiểm xã hội về việc làm thế nào để hai cơ quan có thể ngồi được với nhau để bàn việc, đó là chuyện hết sức kỳ cục.

Nghị quyết 19 lấy mốc thực hiện trong hai năm 2014-2015. Đây cũng là thời gian một loạt cam kết quốc tế mới được hình thành, mà Việt Nam dù muốn hay không cũng phải thực hiện. Việt Nam tham gia ASEAN đã gần 20 năm, nhưng đến nay vẫn nằm trong nhóm bốn nước lạc hậu (Việt Nam, Lào, Campuchia và Mianmar), trong khi các nước ASEAN 6 đã vượt rất xa Việt Nam về môi trường kinh doanh.

Năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành, cùng một loạt các cam kết mới, với TPP được cho là một hiệp định FTA của thế kỷ. Việt Nam, nếu vẫn theo cung cách lạc hậu như hiện nay, sẽ không thể cùng các đối tác chia sẻ những lợi ích có thể có. Hội nhập trong một thế giới toàn cầu hóa, Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận, không thể cái gì cũng muốn “đặc thù”.

Theo Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh 2014 (Doing Business) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, Việt Nam đứng thứ 99, giảm một bậc so với năm ngoái, dù vẫn ở mức trung bình trên tổng số 189 nền kinh tế.

Khoảng cách về con số xếp hạng gây xúc động rất lớn nhưng vấn đề của Việt Nam không phải chỉ là xếp hạng. Một điều cần suy nghĩ, nếu xếp hạng tính thêm tiêu chí về thu nhập, chắc chắn Việt Nam sẽ nằm trong nhóm cuối cùng của thế giới.

Theo DNSG

Bình luận