Bán lẻ: không thể buông nhưng đành chịu

Một thắc mắc của khá nhiều người: vì sao phải bảo vệ cho ngành bán lẻ nội địa trong khi các chuỗi bán lẻ của nước ngoài hiệu quả hơn, không những khang trang ở bề ngoài mà còn giúp phát triển ngành thương mại hiện đại cho ngang bằng với các nước?

Bán lẻ không chỉ là một ngành rất quan trọng của nền kinh tế; nó còn đóng vai trò sống còn đối với sản xuất trong nước. Nhà sản xuất muốn đưa hàng đến tay người tiêu dùng phải thông qua các hệ thống bán lẻ – nếu hệ thống này nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài, chắc chắn nhà sản xuất trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh Việt Nam đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước lại chuẩn bị cho Cộng đồng kinh tế ASEAN sắp hình thành vào năm 2015, hàng hóa nước ngoài với thuế suất giảm mạnh sẽ tràn ngập thị trường. Nếu hàng hóa nhập khẩu lại được tiếp sức bằng hệ thống bán lẻ cũng của nước ngoài nữa, sản xuất trong nước sẽ bị thua thiệt đến cả hai lần.

Bán lẻ là ngành tạo ra rất nhiều công ăn việc làm. Đây là bài toán nhà làm chính sách phải tính tới khi mở cửa lĩnh vực này cho nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: THANH TAO
Bán lẻ là ngành tạo ra rất nhiều công ăn việc làm. Đây là bài toán nhà làm chính sách phải tính tới khi mở cửa lĩnh vực này cho nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: THANH TAO

Quan trọng hơn, bán lẻ là ngành tạo ra rất nhiều công ăn việc làm. Với nền kinh tế nước ta, khu vực phi chính thức hiểu theo nghĩa kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình vẫn chiếm một tỷ trọng lớn, trong đó hoạt động bán lẻ là sôi động nhất. Với hệ thống bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài, các trung gian cá thể sẽ biến mất, các cửa hàng tạp hóa đơn giản nhưng nuôi sống nhiều gia đình cũng bị đe dọa sẽ biến mất. Lợi thế quy mô sẽ giúp các hệ thống này đánh bật những kênh phân phối truyền thống. Một siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài mọc lên, đổi lại sẽ có nhiều thành phần kinh tế cá thể tham gia vào các chuỗi bán lẻ truyền thống bị gạt ra khỏi cuộc chơi.

Khoảng trống cho chính sách mới hầu như không còn nhiều. Giờ chỉ còn trông chờ vào sự lớn mạnh nhanh chóng của những doanh nghiệp trong nước, những nơi còn có thể cạnh tranh nhờ thói quen tiêu dùng, hiểu biết tâm lý, mạng lưới rộng rãi và lợi thế khác về mặt bằng hay nhân công để cạnh tranh với nhà bán lẻ nước ngoài.

Nói một cách ví von, một chuỗi siêu thị nước ngoài nhờ tổ chức tốt mọi khâu sẽ tuyển dụng 1.000 người làm đúng công việc trước đây do 10.000 người tham gia cung ứng. Lợi thế đó chia đều cho nền kinh tế nội địa qua thuế, công ăn việc làm, cơ hội mới và lợi nhuận cho nhà đầu tư nhưng cái giá phải trả là công ăn việc làm của 10.000 người bị thay thế. Đó là bài toán nhà làm chính sách phải tính tới.

Chính vì thế, dù mở cửa ở nhiều lĩnh vực khác, các nước vẫn rất hạn chế mở cửa thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, trước khi gia nhập WTO, Trung Quốc chỉ cho nhà bán lẻ nước ngoài hoạt động ở các thành phố lớn hay đặc khu kinh tế, các dự án bán lẻ chỉ được cấp phép dưới hình thức liên doanh.

Sau WTO, Trung Quốc vẫn giữ nguyên nhiều hạn chế cho ngành bán lẻ, đặt ra nhiều rào cản cho nhà bán lẻ trong các lĩnh vực như hóa chất dùng trong nông nghiệp, vải, ngũ cốc, đường, thuốc lá…

Các nước láng giềng của Việt Nam hiện vẫn còn duy trì nhiều hàng rào đối với đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ, ví dụ Malaysia buộc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài phải dành 30% cổ phần cho người trong nước; siêu thị, đại siêu thị và cửa hàng bách hóa không được mở cửa 24/24 (ngày thường chỉ được mở cửa 12 tiếng, cuối tuần hay ngày lễ được mở cửa 14 tiếng). Indonesia hạn chế số cửa hàng nhượng quyền ở các thành phố nhỏ rồi quy định các tập đoàn bán lẻ không được mở quá 150 cửa hàng.

Hàn Quốc thì cố gắng hạn chế sự bành trướng của các chuỗi siêu thị lớn nhằm bảo vệ nhà bán lẻ nhỏ cũng như chợ truyền thống. Trong những chiến dịch tranh cử, một trong những hứa hẹn của các ứng cử viên là sẽ áp đặt lệnh cấm mở thêm siêu thị ở các thành phố dưới 300.000 dân, có nghĩa ngay cả các chuỗi siêu thị của chính Hàn Quốc như Lotte Mart cũng không được mở thêm siêu thị tại 50 thành phố trên tổng số 82 thành phố của cả Hàn Quốc và ở mọi thị trấn – tổng cộng họ không tiếp cận được chừng một phần tư dân số. Lập luận của chính quyền khi đưa ra lệnh cấm như thế là nếu để các siêu thị bành trướng tự nhiên, thì nạn thất nghiệp sẽ tăng mạnh, số người hưởng trợ cấp tăng theo. Các chuỗi bán lẻ nước ngoài như Tesco của Anh phải chuyển qua chiến lược nhượng quyền để mở thêm cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra còn có các hạn chế khác như siêu thị và cửa hàng bán lẻ của các chuỗi bán lẻ lớn không được mở cửa từ 11 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau, mỗi tháng phải đóng cửa một hai ngày. Ai vi phạm sẽ bị phạt đến 25.000 đô la Mỹ.

Thái Lan từng dự thảo luật hạn chế các hệ thống bán lẻ hiện đại. Ví dụ các nhà bán lẻ lớn khi mở cửa hàng trên 1.000 mét vuông hay có doanh số vượt quá 32,5 triệu đô la trong năm trước thì phải xin phép để được duyệt mở cửa hàng mới. Dự thảo cũng buộc các đại siêu thị và siêu thị phải nằm ngoài khu đô thị ít nhất 10 cây số, giờ hoạt động bị giới hạn còn 12 tiếng mỗi ngày… (Các thông tin về các quy định hạn chế trong ngành bán lẻ ở các nước trích từ một báo cáo về ngành bán lẻ châu Á của PricewaterhouseCoopers).

Một tỷ lệ áp đảo các nghiên cứu về thị trường bán lẻ Việt Nam là do nước ngoài biên soạn. Vì thế chẳng ngạc nhiên gì khi cấu trúc thường thấy là tiềm năng to lớn rồi tô đậm các trở ngại về chính sách bởi nghiên cứu được viết từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, từ lợi ích của họ.

Thật ra chính sách đối với nhà bán lẻ nước ngoài của Việt Nam khá là thông thoáng, nhất là giai đoạn trước và ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO (thực tế cấp phép còn thoáng hơn lộ trình cam kết). Trước khi vào WTO, Việt Nam đã từng cấp phép cho nhà bán lẻ nước ngoài hoạt động theo hình thức 100% vốn. Ngay khi vào WTO, Việt Nam cho phép doanh nghiệp bán lẻ FDI thành lập liên doanh không quá 49%, đến năm 2008 thì không hạn chế vốn nước ngoài trong liên doanh và đến năm 2009 thì cho phép doanh nghiệp phân phối 100% vốn nước ngoài. Các hạn chế về sản phẩm được phép phân phối cũng đã được gỡ bỏ hoàn toàn từ ngày 11-1-2010 (chứ không phải từ năm 2015 như nhiều báo viết).

Đã vậy, sự linh động so với quy định cũng tạo điều kiện cho nhiều nhà bán lẻ phát triển mạnh trong những năm qua.

Ví dụ, bất kể chính sách “kiểm tra nhu cầu kinh tế” (ENT) bị nhiều nhà đầu tư nước ngoài than phiền (tức là, các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được tự động mở một địa điểm bán lẻ, việc thành lập các cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép sau khi xem xét kiểm tra ENT), các chuỗi siêu thị vẫn mở được hàng chục trung tâm mới.

Vậy nay phải làm sao?

Chắc chắn Việt Nam sẽ không thể thay đổi chính sách gì liên quan đến các cam kết WTO. Ngoài ra còn có các cam kết khác trong các hiệp định thương mại tự do khác. Bởi vậy, mọi thay đổi chính sách chỉ có thể áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.

Chẳng hạn một chính sách bắt buộc các siêu thị, bất kể của trong nước hay có vốn đầu tư nước ngoài, phải bán một tỷ lệ nhất định hàng sản xuất tại Việt Nam cũng có thể tạo điều kiện cho nhà sản xuất trong nước.

Tuy nhiên ở đây sức ép của khối doanh nghiệp bán lẻ là rất mạnh, các hạn chế như từng áp dụng tại Hàn Quốc hay Thái Lan là khó được triển khai. Ví dụ một lệnh cấm mở thêm siêu thị ở các thành phố nhỏ hay hạn chế giờ mở cửa hoạt động của các siêu thị đã hoạt động sẽ gặp phải sự chống đối không những từ doanh nghiệp bán lẻ mà còn của người tiêu dùng nữa.

Khoảng trống cho chính sách mới hầu như không còn nhiều. Giờ chỉ còn trông chờ vào sự lớn mạnh nhanh chóng của những doanh nghiệp trong nước, những nơi còn có thể cạnh tranh nhờ thói quen tiêu dùng, hiểu biết tâm lý, mạng lưới rộng rãi và lợi thế khác về mặt bằng hay nhân công để cạnh tranh với nhà bán lẻ nước ngoài.

Còn sự chuyển dịch hệ thống bán lẻ từ phân tán, tạo công ăn việc làm cho lao động cá thể, hộ gia đình sang tập trung vào các hệ thống hiện đại hơn là không tránh được. Âu đó cũng là con đường phải đi qua, là quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế – xã hội của nhiều nước khác mà giờ đây Việt Nam phải trải qua.

Theo Thesaigontimes

Bình luận