Bắt buộc các công trình, dự án đều phải “dành chỗ” cho CNTT

Dau tu xay cau.jpg
Hầu hết các dự án đầu tư xây cầu đều chưa có hạng mục về CNTT. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quy định bắt buộc phải có hạng mục CNTT trong tất cả các công trình, dự án đầu tư được xem là một cuộc cách mạng trong tư duy quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lực cản đối với việc hiện thực hóa ý tưởng này.

Lãng phí vì tư duy tiết kiệm vặt

Theo dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về CNTT, sắp tới sẽ quy định bắt buộc phải có hạng mục CNTT trong tất cả các công trình, dự án đầu tư.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành quy định này, TS. Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ  tịch Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ Việt Nam (VINASA) phân tích: Lâu nay, các dự án, công trình đầu tư đều chỉ tính tới việc tạo ra tài sản chứ không tính tới việc quản lý, khai thác tài sản đó một cách hiệu quả nhất. Chẳng hạn trong dự toán thiết kế bệnh viện có đầy đủ hạng mục chi cho bê tông, sắt thép, thiết bị y tế,.. để tạo nên trụ sở bệnh viện nhưng không hề có hạng mục nào chi cho hệ thống quản lý bệnh viện. Sau khi bổ nhiệm giám đốc và các phòng, ban chức năng, những người làm CNTT mới đến đề xuất Tin học hóa quản lý thì lại không có kinh phí để làm vì không có trong cơ cấu đầu tư.

Một ví dụ khác, mỗi dự án xây cầu vượt tạm bằng khung thép thường chỉ tính toán chi phí đầu tư tối thiểu hơn 100 tỷ đồng cho việc xây dựng cầu chứ không thấy nhắc tới việc bỏ thêm vài chục triệu đến khoảng trăm triệu đồng để đầu tư thêm hệ thống cảm biến đo đếm số lượng phương tiện giao thông chạy qua cầu. Hệ quả, khi cầu xây xong, chỉ thấy báo cáo hiệu quả là đỡ tắc đường nhưng không ai biết chính xác giảm được bao nhiêu phần trăm sự ách tắc. Nói cách  khác, không thể định lượng được hiệu quả của việc đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho cây cầu đó và có thể dẫn tới đầu tư sai cho những cây cầu khác sau này. Chỉ vì tiết kiệm khoảng trăm triệu đồng cho hệ thống đo đếm mà có thể sẽ lãng phí hàng trăm tỷ đồng một cách dễ dàng.

Mở rộng tầm nhìn hơn về ứng dụng CNTT, thay vì đầu tư xây dựng thêm hàng loạt cây cầu mới, cơ quan quản lý dành vốn đầu tư cho hệ thống thông tin quản lý giao thông, kết nối các hệ thống đo đếm phương tiện giao thông thì có thể giảm ách tắc giao thông hiệu quả hơn. Tuy nhiên, câu chuyện này chưa thấy có tiền lệ.

Ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế lưu ý: “Lâu nay mọi người thường hay nói CNTT là ngành mũi nhọn, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước, nhưng chẳng có cách gì để thiên hạ cùng ứng dụng CNTT. Vẫn phổ biến hiện trạng ai muốn làm thì làm, không làm thì thôi. Vẫn có những người chưa nhận thức được tầm quan trọng của CNTT, và cũng có cả những người có tầm nhìn hạn chế, vì lý do tiết kiệm vặt mà không ứng dụng CNTT. Với quy định bắt buộc đưa hạng mục CNTT vào các công trình dự án, Bộ Chính trị sẽ ban hành một tiêu chuẩn mới, buộc các dự án, chương trình, kế hoạch phát triển đều phải tính tới chuyện ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề, thách thức phát triển một cách hiệu quả nhất, theo đúng cách mà thế giới đang làm”.

vẫn còn nhiều lực cản

Quay lại câu chuyện đầu tư cho hạng mục CNTT trong các công trình, dự án, TS. Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh một trong những lý do khiến các nhà quản lý sẵn sàng chi hàng trăm tỷ đồng xây dựng cầu nhưng không thể chi khoảng trăm triệu đồng để lắp hệ thống đo đếm phương tiện giao thông là trong quy phạm kỹ thuật thiết kế cầu không có phần nào liên quan đến hệ thống đo đếm phương tiện và các kỹ sư thiết kế cầu không nghĩ tới hạng mục này. Trong dự toán tổng mức đầu tư ban đầu không có hạng mục về thì các bước tiếp sau rất khó đưa thêm hạng mục này vào. Những lãnh đạo nhận thức được sự cần thiết của ứng dụng CNTT muốn đưa thêm hạng mục hệ thống CNTT sẽ buộc phải “phá rào”. Thực tế không nhiều lãnh đạo dám “phá rào” như vậy. Để giải quyết bài toán khó này, cần có thời gian để các Bộ, ngành, cơ quan quản lý xây dựng được các hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, tạo cơ sở cho việc đưa CNTT vào các dự án, công trình như một hạng mục mặc định.

Bên cạnh lực cản có tính khách quan đối với việc hiện thực hóa quy định đưa hạng mục CNTT vào các công trình, dự án vừa nêu còn có những lực cản mang tính chất chủ quan như theo phân tích của TS. Trần Đình Thiên: “Việc ứng dụng CNTT sẽ tạo ra sự công khai, minh bạch, chẳng hạn khi có hệ thống quản lý, giám sát phạt vi phạm giao thông, mỗi khi cảnh sát ra quyết định phạt trên thiết bị chuyên dụng, dữ liệu phạt được truyền ngay về trung tâm, không có chuyện lợi dụng để thu tiền tươi thóc thật vào túi riêng; hoặc khi ứng dụng CNTT vào việc quản lý các công trình, dự án sẽ không còn tình trạng xập xí xập ngầu tiền công để tư lợi. Đương nhiên sẽ có những người phản đối ứng dụng CNTT vì bị ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân”.

Theo ICTnews

Bình luận