Bước chậm để tránh rủi ro

Sự xuất hiện của thương mại điện tử đã và đang thay đổi mạnh mẽ cách thức phân phối hàng hóa và cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới. Sau khi thỏa mãn các nhu cầu về mua sắm, giải trí, tiêu dùng… ngành này lại tiếp tục hướng đến việc cung cấp dịch vụ trọn gói cho các thực khách. Đi theo trào lưu bùng nổ của các trang web đặt món ăn trực tuyến thế giới, dịch vụ này bắt đầu phát triển ở Việt Nam trong hai năm gần đây. Từng được đánh giá là làn sóng kinh doanh trực tuyến tiếp theo ở Việt Nam sau cơn sốt Groupon (hay Group-buying –– tạm dịch là trang web mua hàng theo nhóm) nhưng đến nay, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, vẫn chưa có trang web nào tạo được tiếng vang như thời kỳ Groupon.

Vào đầu tháng 5 vừa qua, Rocket Internet đã đổi tên trang web Hungrypanda.vn thành Foodpanda.vn sau khi nhận đầu tư 20 triệu đô la Mỹ từ một nhóm các nhà đầu tư nước ngoài. Thông qua thương vụ này, các chuyên gia kỳ vọng Rocket Internet sẽ làm cho mô hình đặt món ăn trực tuyến trở nên sôi động hơn như đã từng làm với Lazada.com và Zalora.com trong lĩnh vực mua bán trực tuyến. Nhưng cho đến nay, ngoài việc phát hành ứng dụng đặt món di động trên hệ điều hành iOS và Android, có vẻ như chưa có nhiều chuyển động mới từ Foodpanda.vn.

Đi tìm nguyên nhân

Tương tự như hoạt động bán hàng trên mạng, dịch vụ đặt món ăn trực tuyến cũng gặp những trở ngại như rủi ro từ việc giao dịch bằng tiền mặt, chi phí giao hàng cao… cùng với thói quen ăn uống ở hàng quán của người Việt. Đây cũng là những yếu tố được cho là đang kìm hãm sự phát triển của dịch vụ này dẫn đến sự trầm lắng trên thị trường trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp dịch vụ cho rằng họ vẫn đang hoạt động tốt và thị trường này đang mở ra cơ hội cho nhiều bên tham gia.

Bà Vũ Trần Ngọc Uyên, Quản lý dự án Eat.vn và Chonmon.vn, nói rằng hiện tại nhu cầu đặt cơm trưa văn phòng thông qua dịch vụ của công ty đang tăng trưởng tốt. Bà Uyên thừa nhận rằng lượng khách hàng Việt Nam đặt món ăn trực tuyến vào tầm xế chiều rất ít do thói quen về nhà ăn bữa cơm gia đình. Bù lại, từ chiều đến tối lại là thời điểm mà lượng đặt hàng của người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam tăng cao.

Cũng theo bà Uyên, khách hàng có thể chọn lựa thanh toán trực tuyến hoặc thông qua đội ngũ giao hàng của công ty. Về khâu giao nhận, hiện một số chủ nhà hàng đều có đội ngũ giao nhận riêng hoặc thuê nhân sự của Eat.vn và Chonmon.vn. Khách hàng có thể phản ánh chất lượng dịch vụ thông qua đường dây nóng của công ty. Nhìn chung, rủi ro trả lại hàng theo bà Uyên là không cao và tỷ lệ này cũng được các chủ nhà hàng, quán ăn trên hai trang web kể trên chấp nhận.

Không tiết lộ về con số tăng trưởng cụ thể, bà Uyên chỉ cho biết lượng người đăng ký sử dụng dịch vụ và đơn hàng ở cả hai trang web đều tăng đều đặn hằng tháng. Một trong những tín hiệu lạc quan, theo nhà điều hành trang web, là do người tiêu dùng đã quen dần với việc đặt món ăn qua mạng Internet.

Quay trở lại với câu chuyện Foodpanda.vn, dù chưa có nhiều chuyển động mới, nhưng việc được đầu tư cho thấy thị trường đặt món ăn trực tuyến ở Việt Nam vẫn còn sức thu hút. Không dừng lại ở đó, xu hướng đặt món ăn trực tuyến ngày càng phổ biến còn mở ra cơ hội kinh doanh mới, nhiều nhóm nấu ăn không cần mặt bằng, có thể tận dụng dịch vụ tiếp thị và giao hàng của các trang web đặt món để kinh doanh. Bà Uyên cho biết Chonmon.vn đang ghi nhận khá nhiều trường hợp kể trên.

Khó bùng nổ như mô hình Group-buying

Sức hấp dẫn của thị trường ẩm thực trực tuyến còn thu hút các doanh nghiệp giao nhận tham gia, Giaohangnhanh.vn là một ví dụ. Ông Nguyễn Trần Thi, Giám đốc Kinh doanh của trang web này cho biết, những rủi ro xoay quanh việc thu tiền hộ đối với dịch vụ đặt món trực tuyến cũng tương tự như dịch vụ bán hàng qua mạng nên không khó để giải quyết. Cái khó nhất, theo ông Thi là việc phát triển đội ngũ nhân viên giao hàng nhưng vấn đề này sẽ được giải quyết khi dịch vụ thu hút thêm nhiều khách hàng.

Vừa qua, Giaohangnhanh.vn đã thương thảo thành công với một số trang web đặt món ăn trực tuyến và một số thương hiệu thức ăn nhanh ở TPHCM, dự kiến đầu tháng sau sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ cho đối tác. Theo ông Thi, đây là bước đệm ban đầu của công ty trong việc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực giao nhận cho các trang đặt món ăn trực tuyến, nhà hàng và quán ăn.

Nếu đặt giả thiết rằng khâu giao nhận và thanh toán không phải là những yếu tố đang kìm hãm sự phát triển của các trang web đặt món ăn trực tuyến thì đâu là nguyên nhân làm thị trường này chưa bùng nổ ở Việt Nam? Theo ông Anders Palm, nhà sáng lập Eat.vn, việc thích ứng với thói quen đặt món trực tuyến của người Việt khó hơn so với việc mua sắm trên mạng, nên cần có thời gian để thị trường chín muồi. Cũng theo ông Palm, hiện khu vực châu Âu đang chứng kiến sự sáp nhập của nhiều trang đặt món trực tuyến, xu hướng này đang lan tỏa dần sang các khu vực lân cận và cần có một khoảng thời gian nhất định để làn sóng này đến với châu Á.

Tuy nhiên, theo quan điểm của mình, ông Palm cho rằng các trang web đặt món trực tuyến ở Việt Nam khó bùng nổ như mô hình Group-buying. Bởi thời điểm xuất hiện của các trang Group-buying cùng lúc với thời kỳ đầu của ngành thương mại điện tử ở Việt Nam nên cần đến sức mạnh truyền thông để định hướng thị trường, giúp thay đổi hành vi mua sắm của thị trường. Ngoài ra, đối tượng khách hàng của các trang web ẩm thực trực tuyến thường trung thành hơn so với mô hình Group-buying dẫn đến cách thức tiếp cận cũng phải khác nhau.

Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng sự thất bại của mô hình Group-buying trên thế giới nhiều khả năng đã khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn đối với mô hình đặt món ăn trực tuyến. Do đó, họ lựa chọn cách tăng trưởng chậm nhưng bền vững thay vì đột biến nhưng đầy rủi ro.

Theo DNSG

Bình luận